Tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường FTA
Xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA dự báo khả quan | |
“Cú huých” xuất khẩu từ những FTA thế hệ mới |
Các FTA đã giúp nông sản Việt Nam tiến sâu vào các thị trường lớn. Ảnh: N.Hiền |
Trưởng thành hơn nhờ các FTA
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA và UKVFTA sau một thời gian thực thi đã phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này cũng ghi nhận tăng trưởng cao.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, trước khi thực hiện CPTPP, hàng hóa thực phẩm chế biến của Việt Nam không thể tiếp cận được những thị trường này do rào cản về thuế quan. Tuy nhiên, từ khi CPTPP đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam đã tiếp cận được những thị trường này. Trong 3 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của các DN ngành lương thực tthực phẩm đều đạt mức cao. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN để thay đổi tư duy sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng SPS Việt Nam, 2 năm kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực (tháng 8/2020 - 8/2022), EU đã công bố khoảng 71 dự thảo và điều chỉnh khoảng 146 quy định liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. EU cũng đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. |
“Mới đây nhất, Việt Nam đã xuất khẩu gạo vào thị trường EU với mức giá cao hơn cả Thái Lan. Đây là kết quả của sự chuẩn bị của DN từ giống cho đến gieo trồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN trong ngành đã nhận được những đơn hàng lớn, thậm chí có DN phải từ chối bớt đơn hàng” – bà Lý Kim Chi cho biết.
Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, trong 3 năm qua, CPTPP đã giúp các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trưởng thành hơn, đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và từng DN đều hòa cùng nhịp thở của DN thế giới. Nhờ đó, đến nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có thương hiệu tại các thị trường lớn, thị trường mới nổi.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, các FTA thế hệ mới chính là chất xúc tác để DN Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại những thị trường này. Cụ thể, sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, rất nhiều DN châu Âu đã gửi email, điện thoại kết nối với Công ty Vina T&T.
Đối với ngành cà phê, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Công ty Nestlé Việt Nam cho biết việc tham gia FTA đã giúp các DN Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn hơn cho đầu tư, sản xuất.
Nhiều thách thức mới
Dù đã đạt được nhiều bước tiến tại các thị trường FTA, song dư địa tăng trưởng thời gian tới vẫn còn rất lớn. Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương), thị phần hàng hoá nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% trong tổng quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR tại thị trường EU. Việc mở rộng thêm thị phần là không hề đơn giản khi tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn, đặc biệt là tại các thị trường FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Bà Nguyễn Thảo Hiền chỉ ra rằng, mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn, tạo áp lực rất lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Tương tự, mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/FLEGT (Thỏa thuận đối tác tự nguyện/Quản trị rừng và lâm nghiệp), giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG, phát thải CO2…
Với ngành hàng cà phê, ông Lý Trung Kiên cho biết, người tiêu dùng đến từ châu Âu và Mỹ ngày càng khắt khe hơn. Họ quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu nên đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật đòi hỏi các nước phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính bền vững của nguồn nguyên liệu.
Trước những yêu cầu mới từ các thị trường, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng đây chính là động lực để các DN Việt Nam tạo ra được bước tiến mới trong sản xuất để để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Các yêu cầu về môi trường, lao động hay nguồn gốc xuất xứ một mặt là rào cản kỹ thuật nhưng mặt khác cũng chính là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi DN vượt qua được những yêu cầu này sẽ tạo ra bước tiến mới. Do đó, các DN phải xem những yêu cầu này là thành tựu và phải vượt qua. Trong thực tế, nhiều DN đã vượt qua được thách thức này và đạt được nhiều kết quả” – ông Nguyễn Chánh Phương phân tích.
Bên cạnh những thách thức từ phía thị trường xuất khẩu, các DN cũng đang phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN thuỷ sản đang gặp khó khăn rất lớn về tín dụng. “Chỉ có khoảng 60% DN được giải ngân tín dụng. Trong quý 4 nhiều DN vừa và nhỏ không được giải ngân, không có đơn hàng. Điều này khiến các DN đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các DN thủy sản vay vốn để duy trì sản xuất - xuất khẩu” – bà Tô Thị Tường Lan cho biết.
Tương tự, bà Lý Kim Chi cho biết, thời điểm hiện tại các DN lương thực thực phẩm cần dự trữ lượng lớn nguyên vật liệu để sản xuất cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng những hạn chế về tín dụng khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, việc thiếu dòng tiền khiến hoạt động xuất khẩu của DN bị nghẽn lại. Cụ thể, các DN như Vina T&T sẽ không thể bao tiêu nông sản cho nông dân. “Thời gian tới, hy vọng dòng tiền được lưu thông thì công tác xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn” – ông Tùng chia sẻ.
Gia tăng thị phần trước khi đối thủ tham gia “sân chơi”
Bà Lý Kim Chi cho rằng, điều quan trọng là DN phải bắt nhịp kịp với thị trường để đưa ra những sản phẩm thị trường cần. Trên thực tế đã có những trường hợp DN bị lỡ mất đơn hàng chỉ vì không bắt nhịp được thị trường. “Một nhà máy chế biến mỳ ăn liền của Việt Nam đã nhận được đơn hàng rất lớn từ Mỹ. Khi gửi mẫu, giá cả khách hàng đều chấp nhận ngoại trừ việc sử dụng nắp nhôm trên ly mỳ. Khách hàng đã phản hồi và hướng dẫn sửa đổi, tuy nhiên DN không chịu và đã bỏ lỡ đơn hàng” – bà Lý Kim Chi chia sẻ. Theo đó, câu chuyện về nắp ly mỳ hay khay nhựa đựng sản phẩm thủy sản cho thấy việc bắt nhịp thị trường là không đơn giản khi DN không thay đổi. Vì vậy, DN buộc phải nghiên cứu sâu thị trường, nghiên cứu tiêu chuẩn thị trường, thay đổi mẫu mã theo nhu cầu.
Ở góc độ DN, để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường, ông Lý Trung Kiên cho biết, thời gian tới Nestlé sẽ hướng tới nông nghiệp tái sinh thông qua việc hướng dẫn cho nông dân sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, bảo vệ nguồn đất, nguồn nước để tiếp tục được tái tạo và sử dụng. Việc sử dụng đất tốt hơn cũng sẽ giúp chống chọi được biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người nông dân. Câu chuyện nông nghiệp tái sinh này cũng sẽ được truyền tải rộng rãi cho người tiêu dùng, từ đó giúp nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê.
Ông Lý Trung Kiên khẳng định để xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA, các DN cần đầu tư vào phát triển bền vững trong toàn chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy ứng dụng, chuyển đổi số và tăng cường hợp tác, kết nối với nhau. Để đẩy nhanh quá trình này tại các DN, Chính phủ cần tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững, đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hợp tác đa phương.
Riêng với thị trường EU, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham khuyến nghị các DN Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến. Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu, nhanh chóng tăng thị phần tại thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.
Ông Jean Jacques Bouflet cũng lưu ý rằng hiện vẫn còn khoảng cách giữa các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đang áp dụng phổ biến tiêu chuẩn VietGap, trong khi các thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng các tiêu chuẩn Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Do đó, các DN Việt cần hướng đến các chuẩn EU trong việc xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, nuôi trồng sản phẩm.
“Dù rằng các tiêu chuẩn này cao hơn Việt Nam và các chuẩn ở các thị trường khác, việc đầu tư từ đầu sẽ khó khăn, mất chi phí nhiều hơn nhưng với tầm nhìn dài hạn sẽ giúp cho thâm nhập thị trường EU bền vững và một khi đã tiếp cận được thị trường EU thì việc đa dạng hóa sang các thị trường khác sẽ được tạo đà phát triển thuận lợi hơn. Điều này đòi hỏi tư duy cấp lãnh đạo DN và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước” – ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh.
Đặc biệt, EU đã thực hiện một bộ chính sách và hành động gọi là Thỏa thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa cacbon. Kế hoạch hành động cũng đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và tăng tỷ lệ đất nông nghiệp dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị cấm tại EU, và mức dư lượng sẽ giảm dần trong những năm tới. Do đó, các DN Việt Nam cần lưu ý xu hướng tiêu dùng hữu cơ này trong chiến lược phát triển dài hạn.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham: Các DN xuất khẩu Việt Nam có thể rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU qua cổng thông tin ePing. Đây là sáng kiến chung của Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới WTO và Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, là công cụ trực tuyến cho phép các bên liên quan có thể truy cập và thảo luận những thông báo SPS/TBT của WTO có ảnh hưởng tới sản phẩm và thị trường mà mình quan tâm một cách kịp thời. Vì vậy, DN cần đăng ký ePing, để nhận được email cảnh báo hàng ngày hoặc hàng tuần các thông báo SPS/TBT liên quan các sản phẩm vào thị trường EU. Với ngành hàng thực phẩm, DN cần cập nhật thông tin qua Cổng thông tin RASFF của Liên minh EU - Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, cho phép các nước thành viên EU phản ứng nhanh khi phát hiện ra trong chuỗi thực phẩm có nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và thông báo kịp thời. Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vina T&T: Hiện Việt Nam có một lợi thế để xuất khẩu rau quả đó chính là người nông dân Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm quanh năm. Bên cạnh đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại cũng được Bộ Công Thương triển khai, hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, một điểm yếu mà các DN Việt Nam cần khắc phục đó là công tác marketing sản phẩm còn chưa được tốt, các DN nước ngoài họ chưa biết đến nhiều. Riêng lĩnh vực này nước bạn như Thái Lan làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Trong thời gian tới, các DN cần đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm hơn nữa. Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Sau 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, dù còn nhiều thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như chiến tranh thương mại trên thế giới. Điều này cho thấy, dù có những khó khăn nhưng DN Việt Nam đã bắt nhịp nhanh với các cam kết, quy định CPTPP mang lại, thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt. Để hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng nhanh với các cam kết từ CPTPP, Bộ Công Thương đã và đang tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP: Bên cạnh ưu đãi về thuế quan giúp các DN Việt Nam tăng được khả năng cạnh tranh so với các nước khác, Hiệp định CPTPP cũng mang lại cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ các nước thành viên. Cụ thể, các nước CPTPP đóng góp một phần đáng kể cho nguồn nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến, xuất khẩu; giúp doanh nghiệp sử dụng công suất, máy móc đã đầu tư và tạo việc làm ổn định cho công nhân. Ng.Hiền (ghi) |
Tin liên quan
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
13:43 | 21/01/2025 Kinh tế
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
16:04 | 22/01/2025 Xuất nhập khẩu
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
16:22 | 21/01/2025 Xuất nhập khẩu
Nét nổi bật về xuất nhập khẩu năm 2024
17:14 | 20/01/2025 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) Kỷ lục hơn 205 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
10:52 | 15/01/2025 Infographics
Khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để cải cách kinh tế
07:47 | 15/01/2025 Kinh tế
Thương mại với Trung Quốc đạt kỷ lục 200 tỷ USD, thâm hụt của Việt Nam ngày càng lớn
15:49 | 14/01/2025 Xuất nhập khẩu
Kim ngạch tăng đột biến, tạo cơ hội lớn xuất khẩu cá tra sang Mỹ
14:56 | 14/01/2025 Kinh tế
TPHCM: Đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
14:23 | 14/01/2025 Kinh tế
Cần đảm bảo hài hoà lợi ích khi xây dựng, áp dụng bảng giá đất mới
21:16 | 10/01/2025 Kinh tế
Chính sách mới của Hoa Kỳ tác động thế nào đến thương mại và đầu tư
14:24 | 08/01/2025 Kinh tế
Tín dụng cả năm 2024 tăng hơn 15%, nỗ lực hơn nữa để giảm lãi suất cho vay
17:23 | 07/01/2025 Kinh tế
TPHCM đột phá xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng 2 con số
08:04 | 07/01/2025 Kinh tế
Xuất khẩu rau quả hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
16:45 | 06/01/2025 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
SHB dành hơn 13 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mở mới và sử dụng tài khoản
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ BAC A BANK dịp đầu năm 2025
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics