![]() |
Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan Thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Ảnh: TCT. |
Ban hành hơn 21,5 triệu thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp
Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan Thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Tuy nhiên, do hậu quả của dịch Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, cùng với việc giá dầu tăng cao tác động đến hầu hết các lĩnh vực, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn tới số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng, tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
Trong bối cảnh đó, cơ quan Thuế các cấp đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và nghị định, nghị quyết của Chính phủ là công tác trọng tâm. Cùng với đó là triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Tổng cục Thuế cũng giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu nợ thuế cho các cục thuế để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Ngành Thuế tập trung ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế. Theo thống kê, trong 6 tháng đã ban hành 21.507.451 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, đạt 100% số lượng phải ban hành.
Đồng thời ngành Thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ, để nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã ban hành 100.700 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 7.524 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 248 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; 7.677 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 16,2 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2022 là 132.460 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thời điểm 31/12/2021, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ tiền thuế có khả năng thu là 67.809 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 22.389 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 24.582 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 7.909 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, hết thời gian gia hạn là 9.770 tỷ đồng.
Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5%
Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân số nợ thuế tăng so với thời điểm 31/12/2021 là do các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, cơ quan Thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Một nguyên nhân khác là do một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo nghị định, quyết định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan Thuế đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số người nộp thuế thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp, không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh, chây ỳ, chưa nộp.
Thời gian tới, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ. Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan Thuế các cấp sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế; tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý...
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo toàn Ngành thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội: 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 trong các tháng đầu năm với tổng số tiền là 1.297 tỷ đồng. Trong đó xử lý khoanh nợ tiền thuế là 273 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 1.024 tỷ đồng. Lũy kế kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 đến cuối tháng 5/2022 đạt 33.768 tỷ đồng, trong đó, khoanh nợ tiền thuế là 27.459 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.309 tỷ đồng. |
Thùy Linh