Nền tảng, tiềm lực tài chính đang ngày một tốt hơn
Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính. |
Từ “Điều hành ngân sách như đi trên dây” đến có “của ăn của để”
Cách đây 5 năm, khi báo cáo tại phiên thảo luận về Kế hoạch Tài chính 5 năm 2016-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016, vị “Tư lệnh ngành” Tài chính đã rất thẳng thắn, quyết liệt: “Mấy năm nay, việc điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 này tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”.
Nhìn lại thời điểm đó, giá dầu thô giảm mạnh, đe dọa lấy đi gần 20-30 nghìn tỷ đồng thu ngân sách mỗi năm. Tốc độ tăng nợ công gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến cuối năm 2015, nợ Chính phủ đã lên tới 50,3% GDP, vượt trần cho phép của Quốc hội 0,3%. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn; tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28,8% giai đoạn trước xuống 23,6% giai đoạn 2011 – 2015 (tính theo quy định của Luật NSNN năm 2002).
Thực tế đã cho thấy năm đầu nhiệm kỳ, khó khăn vô vàn, chồng chất. Từ cuối năm 2015, Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách 2016 với giá dầu là 60 USD/thùng. Quốc hội vừa quyết, giá dầu lại giảm liên tục. Giá dầu giảm sẽ làm hụt thẳng vào túi tiền của ngân sách Trung ương, cũng tức là cái khó lại treo trước mắt ngành Tài chính. Không chỉ giá dầu, trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo; tình hình thiên tai, bão lũ, ô nhiễm môi trường biển xảy ra ở một số tỉnh miền Trung... làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện dự toán thu NSNN, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Tài chính. |
Khó là vậy nhưng người đứng đầu ngành Tài chính chưa từng một phút chùn bước trước khó khăn!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Tài chính đã thực hiện tốt, xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, chủ động tháo gỡ khó khăn, ban hành nhiều chính sách ứng phó với dịch bệnh, khắc phục thiên tai, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, kết quả toàn diện, nổi bật, có những mặt xuất sắc của ngành Tài chính. Tôi chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương đã kề vai sát cánh cùng các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu, đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước. |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Thời điểm đó, nguy cơ mất cân đối ngân sách hiện hữu. Dĩ nhiên, chúng ta không thể cứ án binh chờ đợi. Ngay khi Quốc hội quyết dự toán chung, Bộ Tài chính đã yêu cầu triển khai giao dự toán ngay cho các đơn vị trong hệ thống, triển khai đồng bộ toàn diện các giải pháp. Trên cơ sở đó, các cục Thuế, cục Hải quan đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN và phấn đấu tăng thu”.
Kết quả, quyết toán thu ngân sách năm 2016 đạt 1.107.381 tỷ đồng, vượt 9,2% so với dự toán. Quyết toán thu ngân sách năm 2017 đạt 1.293.627 tỷ đồng, vượt 6,7% so với dự toán. Quyết toán thu ngân sách năm 2018 đạt 1.431.662 tỷ đồng, vượt 8,5% so với dự toán. Và tổng thu NSNN năm 2019 cũng đạt cao, vượt 9,9% so với dự toán.
Chống chọi với “chông gai” năm 2020 và cái kết đẹp
Những kết quả kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả nhiệm vụ tài chính - NSNN từ đầu nhiệm kỳ khá vững vàng giúp nước ta bước sang năm 2020 với rất nhiều kỳ vọng. Vậy nhưng, năm 2020 lại là một năm đầy chông gai.
Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến khiến nền kinh tế thế giới lao dốc. Với Việt Nam còn phải chịu thêm nhiều tác động từ những diễn biến phức tạp trên biển Đông, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, thiên tai, bão lụt…
Kết thúc đợt thực hiện giãn cách xã hội (tháng 4/2020), Việt Nam bước vào thời kỳ “bình thường mới” đồng thời thực hiện mục tiêu “kép”, vừa chống dịch vừa tập trung tăng trưởng kinh tế. Bội chi NSNN tăng cao do phải chi cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chi khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu…, trong khi số thu lại giảm do sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì dịch Covid-19. Thậm chí, ở thời điểm tháng 10, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội giảm thu ngân sách khoảng 190 nghìn tỷ đồng và đề nghị điều chỉnh tăng bội chi để đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển, kích cầu trong nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Trong năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan. Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt trong các mặt công tác: kiểm tra, giám sát hải quan; quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan và quản lý thu ngân sách, đôn đốc thu nợ thuế... Nhờ đó kết quả thu NSNN ước đạt 317.000 tỷ đồng, tăng hơn 17.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, góp phần đảm bảo cân đối NSNN trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và XNK hàng hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Minh chứng cho nỗ lực đó là 5 năm liền, Tổng cục Hải quan được đánh giá đi đầu trong các đơn vị của Bộ Tài chính trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn rất phức tạp, lực lượng Hải quan đã phối hợp các lực lượng chức năng lên kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, qua đó kịp thời phát hiện, bóc gỡ nhiều vụ án quy mô lớn trên nhiều địa bàn, lĩnh vực. Đồng thời, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa liên quan đến vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19… |
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu ngành Tài chính, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành và của DN, kết thúc năm 2020 là một bức tranh với những mảng sáng ấn tượng: tăng trưởng kinh tế ở mức 2,91% - mức tăng trưởng dương hiếm hoi so với các nước trong khu vực và trên thế giới; thu NSNN đạt khoảng 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% (hụt 31,9 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 184 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội trước đó; bội chi ước đạt 248,5 nghìn tỷ đồng (tăng 14 nghìn tỷ đồng so với dự toán), tương ứng dưới 4% GDP ước thực hiện trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh (khoảng 4,99-5,59% GDP).
“Những kết quả quan trọng này có ý nghĩa như thế nào với cả nhiệm kỳ 5 năm qua, thưa Bộ trưởng?”
Đến ngày cuối cùng của năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Nhờ dư địa tài khóa tích lũy được qua 4 năm 2016-2019 do thực hiện cơ cấu lại NSNN, quản lý an toàn nợ công theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính, NSNN 5 năm 2016-2020, nhờ nỗ lực hoàn thành dự toán thu cao nhất có thể năm 2020, chúng ta vẫn đảm bảo được yêu cầu chi tiêu cho nhiệm vụ quan trọng, kể cả nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, cho quốc phòng, an ninh và đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020. Đây có thể coi là điểm sáng của công tác tài chính NSNN trong giai đoạn 2016-2020”.
Cụm từ “đảm bảo yêu cầu chi tiêu” được Bộ trưởng nói ra lúc này có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất chứa đựng đằng sau cả một “gánh nặng”. Đứng trước dịch Covid-19, ngành Tài chính với chức năng, nhiệm vụ của mình luôn quyết liệt trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi triển khai các giải pháp tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Hơn 20 khoản phí, lệ phí được cắt giảm, có loại đưa về 0. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; nghị quyết về điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân; nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác... Kết thúc năm 2020, tổng giá trị gói hỗ trợ tài khóa đạt 123,6 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân.
Không chỉ thu, công tác điều hành chi cũng thực sự là một thành công lớn. Trong câu chuyện về ngân sách giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhiều lần nhắc tới việc tham mưu đúng và trúng về cơ chế quản lý. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nợ công đầu nhiệm kỳ tăng cao, áp lực lớn, năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Sang năm 2017, Bộ tiếp tục trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với những quy định mới chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, toàn Ngành luôn nỗ lực điều hành bám sát mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi đã được hoạch định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bồi hồi nhớ lại: “Năm 2017, lần đầu tiên trong 10 năm Việt Nam quản lý được bội chi ngân sách cả ở con số tuyệt đối cũng như tương đối. Trong các kỳ họp Quốc hội thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc hội gọi đây là kỳ tích khi bội chi năm 2017 là 136.962 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, giảm 41.338 tỷ đồng so với dự toán. Tiếp sau đó, năm 2018, số bội chi NSNN là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP thực hiện, giảm 50.890 tỷ đồng so với dự toán. Năm 2019 cũng thế, bội chi NSNN là 209.500 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP. Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn song bội chi vẫn được kiểm soát chặt chẽ, ước khoảng 248.500 tỷ đồng (tăng 14.000 tỷ đồng so với dự toán), tương ứng dưới 4% GDP ước thực hiện, vẫn trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh (khoảng 4,99-5,59% GDP)”...
Việc kiểm soát tốt bội chi NSNN đã góp phần kiểm soát được nợ công, giảm từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 61,4% GDP năm 2017; 61% GDP năm 2018; 55% năm 2019 và còn 55,8% năm 2020.
Và hơn hết, với tinh thần tăng chi cho đầu tư phát triển là động lực quan trọng, dù thu khó khăn, chi thường xuyên không còn nhiều dư địa tiết kiệm, lãnh đạo ngành Tài chính vẫn quyết tâm chỉ đạo nỗ lực tăng chi cho đầu tư. Với căn cứ là Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, Bộ Tài chính đã tập trung cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Thực tế, chi cho đầu tư đã tăng từ 25,7% tổng chi NSNN năm 2017 lên trên 26,9% năm 2020, tỷ lệ bình quân thực hiện thực tế giai đoạn 2016-2020 đạt trên 28% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 25-26%). Tương ứng, tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 64,9% năm 2015 xuống còn 64% năm 2020, tỷ lệ bình quân thực hiện thực tế giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 63%, trong khi vẫn điều chỉnh tăng tiền lương bình quân 7% hàng năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng...
Nhận định về năm cuối nhiệm kỳ, Bộ trưởng nói: “Một năm đầy vất vả, chông gai nhưng rất đáng tự hào”.
Thành quả của năm 2020 đã đặt một cái kết tròn trịa cho ngành Tài chính hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra về tài chính – NSNN cả giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tới thăm, chúc Tết và tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH may Vạn Lợi (Ninh Bình), ngày 19/1/2020. |
Bài học từ những nỗ lực vượt bậc
Nhìn lại cả chặng đường 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ với chúng tôi rằng, sự nỗ lực ứng phó với khó khăn trong từng thời điểm đã mang lại cho cá nhân ông và toàn Ngành nhiều bài học quý giá.
“Từ câu chuyện giá dầu năm 2016, chúng tôi xác định rõ nét hơn tầm quan trọng của công tác phân tích, dự báo. Phải làm tốt công tác dự báo để đưa ra phương án ứng phó. Như vậy mới có thể chủ động biến khó khăn thành thuận lợi. Từ đó, tiến độ thu đã được cập nhật thường xuyên hơn bên cạnh việc nắm chắc diễn biến về kinh tế, thị trường, giá cả,... để tổ chức đánh giá tác động đến thu NSNN, đánh giá đúng tình hình và dự báo sát khả năng thu hàng tháng, quý và cả năm.
Từ câu chuyện điều hành ngân sách, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với chính quyền các địa phương cũng như với các bộ, ngành liên quan. Thời gian qua, việc này đang được thực hiện chặt chẽ “hơn lúc nào hết”. Trong các chuyến công tác, trao đổi với lãnh đạo địa phương về nhiệm vụ thu ngân sách, tôi luôn đề nghị hai bên cùng phối hợp điều hành. Bộ là ngành dọc, quản lý về tổ chức, nhân sự, chuyên môn nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa phương là hết sức quan trọng. Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tức là tỉnh, thành phố hoàn thành. Tỉnh, thành phố hoàn thành cũng có nghĩa là bộ, ngành hoàn thành. Nếu đồng tâm, khó khăn mấy cũng vượt qua”.
Một điều quan trọng nữa được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh là giải pháp căn cơ, lâu dài để tăng thu ngân sách vẫn là kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ quan Thuế, Hải quan cần đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý, kê khai, nộp thuế. Đến nay, 100% dịch vụ công của ngành Tài chính được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời gian tới, cơ quan Thuế, Hải quan sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hơn nữa thông qua việc nâng cấp các hệ thống làm thủ tục nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa, góp phần công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, năm 2021 là năm có tính chất bản lề của giai đoạn phát triển mới với ngành Tài chính nói chung, Tổng cục Hải quan nói riêng, do vậy, Tổng cục Hải quan cần tập trung nguồn lực để thực hiện thành công Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan gắn với xây dựng mô hình Hải quan thông minh.
“Những giải pháp này đã và sẽ có tác động nhiều mặt, góp phần giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và cũng tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động tốt, kinh tế phát triển tốt thì thu ngân sách cũng sẽ tốt” – Bộ trưởng đánh giá.
Đặc biệt, là đơn vị tham mưu Chính phủ đưa ra các chính sách giảm chi thường xuyên, bài học chính là “làm gương”. Minh chứng rõ nhất cho việc làm gương này chính là câu chuyện sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Với tinh thần quyết liệt vào cuộc, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước đã triển khai hiệu quả công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.544 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị). Năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính đã giảm 4.974 chỉ tiêu, tương đương 6,7% so với số kế hoạch được giao năm 2015 là 74.262 biên chế. Năm 2020, đã giảm 8,7% so với chỉ tiêu được giao năm 2015, đảm bảo lộ trình đến năm 2021, biên chế hành chính giảm 10% so với năm 2015. Chỉ tính riêng hệ thống Thuế, sau sắp xếp, trong 3 năm, mức khoán kinh phí tiết kiệm được gần 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại của Ngành như: kỷ luật tài chính – NSNN mặc dù có chuyển biến song vẫn còn hạn chế; việc quản lý thu, sử dụng ngân sách và tài sản công có lúc, có nơi chưa đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ; công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, ảnh hưởng đến cân đối NSNN; đầu tư công vẫn chưa thực hiện hết kế hoạch, còn lãng phí.
Nền tảng cho thời kỳ mới thành công hơn
Đánh giá về chặng đường vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Theo tôi, một trong những điều thể hiện tiềm lực của đất nước chính là ngân sách, trước thu không đủ chi, làm không đủ ăn, đến nay tiềm lực tài chính đã tăng lên. Nền tảng, tiềm lực tài chính ngày một tốt hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đưa vị thế, uy tín, mức độ tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế lên một tầm cao mới”.
Các thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 là tiền đề quan trọng để cả nước tự tin bước vào năm 2021 - năm đầu của Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới.
Phóng viên Tạp chí Hải quan đặt câu hỏi tới Bộ trưởng: “Trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phụ thuộc nhiều vào kết quả và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19, khó khăn phía trước còn nhiều, mục tiêu lớn và đầy thách thức đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt 6%, thu NSNN tăng 3% so dự toán Quốc hội,... Vậy ngành Tài chính sẽ phải có những giải pháp gì?”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Với quyết tâm tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ‘kép’ vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế”, phát huy tối đa những kết quả đạt được của năm 2020 và các yếu tố nền tảng bền vững, tôi tin rằng cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra”.
Bộ trưởng lưu ý về những nhiệm vụ mà ngành Tài chính cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới.
Trước tiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn kế hoạch, khoảng 6,8%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc đề xuất các chính sách phải căn cứ tình hình thực tiễn, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ...; giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so với dự toán Trung ương giao.
Một điểm cần lưu ý nữa là quán triệt tinh thần tiết kiệm tối đa các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm xe ô tô và các trang thiết bị đắt tiền; đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện giảm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2020; đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới khu vực sự nghiệp công, giảm tối thiểu 5% mức hỗ trợ từ NSNN đối cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần kinh phí; không hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị đã tự chủ toàn bộ kinh phí.
Trong năm 2021, công tác sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, cơ cấu lại khu vực ngân hàng cũng cần phải đẩy mạnh hơn song song với việc xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống. Bộ trưởng cho hay: “Dự toán thu NSNN năm 2021 đã bao gồm 40 nghìn tỷ đồng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn của ngân sách Trung ương. Vì vậy, các bộ, cơ quan có liên quan cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn ngay từ đầu năm, tránh dồn vào thời điểm cuối năm như một số năm gần đây”.
Cuối cùng, trên cơ sở văn kiện Đại hội Đảng XIII, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Báo cáo kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022; xây dựng Đề án phân cấp ngân sách để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành tài chính – NSNN trong thời gian tới, phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh chuẩn nghèo...; quản lý chặt chẽ an toàn nợ công; nợ quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Xuân Tân Sửu 2021 đã đến, chúng tôi cảm nhận rõ rệt niềm vui của vị “Tư lệnh” khi dẫn dắt ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020 và cả nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020. Chúng tôi cũng hiểu những nỗi trăn trở, băn khoăn của người đứng đầu ngành Tài chính khi trước mắt vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Chia tay chúng tôi, Bộ trưởng muốn thông qua Tạp chí Hải quan gửi lời chúc tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan nói riêng và hơn 66 nghìn cán bộ, công chức ngành Tài chính một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch năm 2021.
Tin liên quan
Xuất khẩu dừa bước vào chu kỳ tăng tốc
09:52 | 22/12/2024 Kinh tế
Đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng
13:48 | 22/12/2024 Chính sách và Cuộc sống
Những thông tin hấp dẫn trên Tạp chí Hải quan số 102 phát hành ngày 20/12/2024
20:04 | 19/12/2024 Thông báo
Chìa khóa để TPHCM tiến vào kỷ nguyên mới, vươn lên cùng khát vọng dân tộc
15:46 | 23/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Báo động tai nạn tự chế pháo nổ
13:51 | 22/12/2024 Người quan sát
Đột phá cho chuyển đổi số
06:51 | 22/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
15:53 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong hoạt động giáo dục và đào tạo
10:41 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam tăng trưởng vượt trội
09:06 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thích ứng và đổi mới trong môi trường toàn cầu luôn biến động
07:45 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổ chức trưng bày các thành tựu xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân
16:31 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, xăng RON95-III ở mức hơn 21.000 đồng/lít
15:16 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
“Cán bộ có ô tô thuê nhà ở xã hội”
09:15 | 19/12/2024 Người quan sát
Hợp tác kết nối thị trường
07:48 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Cafe Giảng
07:45 | 19/12/2024 Người quan sát
Tạp chí Hải quan đứng đầu về mức độ chuyển đổi số trong khối tạp chí Trung ương và địa phương
08:49 | 17/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Chìa khóa để TPHCM tiến vào kỷ nguyên mới, vươn lên cùng khát vọng dân tộc
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
Thu giữ khoảng 11 tấn pháo trong các thùng hàng có hình quả táo
Thêm cẩu giàn được bố trí tại bến số 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Bridgestone thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại Việt Nam
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics