Nắng gắt, người Hà Nội khốn khổ vì thiếu nước sạch
Đến hẹn lại... lo
Nhiều năm nay người dân sống ở khu tập thể Khí tượng thủy văn, Đống Đa, Hà Nội phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè. Theo lời anh Trần Trung sống tại Khu tập thể 5T2, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, tình trạng mất nước kéo dài cả gần 10 ngày nay. Nước chỉ được cấp vào khoảng từ 7 giờ đến 9 giờ sáng trong ngày, có khi còn mất cả ngày. Các gia đình phải “tranh thủ” sử dụng nước vào khung giờ từ 7 đến 9 giờ sáng, song do đây là giờ mọi người chuẩn bị đi làm, đi học nên nhu cầu sử dụng nước không cao. Khi buổi chiều về, nhu cầu về nước cấp thiết thì lại không có.
Để đối phó với tình trạng mất nước triền miên nhiều năm nay mỗi khi hè về, các gia đình sống tại đây đều phải tự trang bị các dụng cụ trữ nước, phổ biến nhất là các bể chứa lớn trên tầng thượng tòa nhà, hay các xô chậu cỡ lớn trong nhà tắm. Tuy nhiên, việc trữ nước trong nhà không phải lúc nào cũng khả thi, bởi vì nhà trong khu tập thể, diện tích nhỏ hẹp, phòng tắm không thể đủ rộng rãi để chứa được các dụng cụ chứa nước, do vậy sinh hoạt các gia đình thường xuyên bị đảo lộn.
Khi bị cắt nước, các gia đình có bể chứa nước trên tầng thượng còn có thể dùng nhỏ giọt, đáp ứng phần nào nhu cầu, còn với các gia đình chưa kịp mua bể chứa thì tình trạng thật là khủng khiếp. Bác Đào Thị Hồng, tập thể Khí tượng thủy văn, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh cho biết, gia đình bác mới chuyển về sinh sống tại đây, có thể chủ hộ trước do lo ngại thiếu nước sinh hoạt nên đã bán nhà, gia đình bác khi mua nhà chủ quan đã không tìm hiểu về tình trạng nước sạch. Từ khi chuyển về đây mới được gần 1 tháng mà đã sống trong cảnh thiếu nước gần 10 ngày.
Theo bác Hồng, nếu muốn trữ nước, bác phải sắm một bể chứa trên tầng thượng, song điều này giờ không thể thực hiện được do trên tầng thượng đã được quây kín, làm lán che chống nóng, do vậy không có không gian để kéo bể trữ nước từ tầng 1 lên. Nhiều khi không có nước dùng, gia đình phải xách xô chậu đi xin các nhà lân cận. “Mới vài ngày hè mà cuộc chiến dùng nước của gia đình tôi đã vất vả nhọc nhằn như vậy không biết đến cao điểm nắng nóng, tình trạng còn khủng khiếp cỡ nào”, bác Hồng than thở.
Chung nỗi lo, thiếu nước khi hè về, chị Dương Thị Thu Hà, nhà D1, Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết việc cấp nước cho các hộ dân ở khu nhà chị lâu nay vẫn theo hình thức 2 ngày/lần. Vì vậy, các hộ dân ở khu tập thể 5 tầng này đều mua bể trữ nước đặt trên mái nhà. "Vào những ngày nắng nóng kéo dài, để an toàn, chúng tôi tranh thủ hứng nước thêm vào xô, chậu, đề phòng nguồn nước ít vẫn có để dùng, song cuộc sống thiếu nước thật bất tiện, khổ sở, do vậy cứ mỗi khi hè đến mỗi người đều lắc đầu ngao ngán”, chị Hà nói.
Còn anh Phan Văn Mạnh, phố Hàng Bè, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm khi được phóng viên hỏi về tình trạng mất nước mùa hè cũng lo lắng cho rằng, ước mơ của người dân sống trong khu vực này không có gì quá cao xa, chỉ mong ngày nào cũng đủ nước dùng, bởi những năm trước, tình trạng mất nước thường xuyên diễn ra. Thời điểm hiện tại nước sinh hoạt tuy có nhưng rất yếu vào giờ cao điểm. “Còn nhớ cách đây 1 năm, mặc dù ở trung tâm Thủ đô nhưng nhiều người phải di chuyển sang nhà người thân tắm rửa nhờ vì mất nước kéo dài”, anh Mạnh kể.
Nguy cơ thiếu nước rình rập nhiều nơi
Mùa hè năm nay, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo nắng nóng sẽ không quá gay gắt. Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch của TP được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm nên áp lực thiếu nước sạch sinh hoạt dự báo sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, do số lượng khách hàng đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị tăng khoảng 6% so với năm 2017, vào cao điểm mùa hè 2018, nhu cầu dùng nước dự báo tăng 5- 10% so với bình thường, nên một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ gặp khó khăn về nước. Thêm nữa, đường ống nước sông Đà, truyền tải gần 220.000m3 nước sạch/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội, vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Tây Nam thành phố, gồm 100% khách hàng quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình...
Thông tin về khả năng cung ứng nước mùa hè cho người dân Hà Nội, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng giám đốc Công ty Viwaco cho biết, nhiều chung cư cao tầng, khu tái định cư, khu công nghiệp được hình thành nên địa bàn cấp nước liên tục mở rộng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt càng tăng. Với tổng số 140 nghìn khách hàng khu vực phía Tây Nam Hà Nội, dự kiến trong mùa hè năm 2018, nhu cầu sử dụng khoảng 200 nghìn m3/ngày đêm, tăng 9 nghìn m3/ngày đêm so với năm 2017. Trong khi đó, khả năng cấp nguồn của Công ty chỉ là 176 nghìn m3/ngày đêm, còn lại thiếu hụt khoảng 24 nghìn m3/ngày đêm. Do đó vẫn còn một số khu vực tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... khó khăn về cấp nước.
Về phía Sở Xây dựng Hà Nội, thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây, đại diện cơ quan này cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước. Cụ thể như, Dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long lên 150.000m3/ngày đêm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2018, qua đó sẽ bổ sung nguồn cấp 75.000m3/ ngày đêm. Dự án xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội 30.000m3/ ngày đêm sử dụng nguồn nước ngầm, do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thực hiện, hiện đã chạy thử và đang hiệu chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành phục vụ cấp nước mùa hè 2018.
Như vậy, việc bổ sung nguồn nước từ hai dự án này sẽ góp phần nâng công suất tối đa của hệ thống cho mùa hè năm 2018 lên khoảng 1,07 triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất từ 300.000m3/ ngày đêm lên 600.000m3/ngày đêm, dự kiến trong tháng 7/2018 sẽ bổ sung nguồn cấp cho nội đô khoảng 80.000m3/ngày đêm. Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống cũng đang được nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm trong tháng 10/2018.
Hy vọng thời gian tới, khi những dự án nêu trên đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm bớt nỗi lo thiếu nước sạch của người dân Thủ đô. Song trong thời gian chờ đợi, một số hộ dân Hà Nội vẫn phải khốn đốn, “vật vã” vì nỗi lo thiếu nước.
Tin liên quan
Giá xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 9/1
16:46 | 09/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá" năm 2025
19:17 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm
16:29 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn
16:29 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Nhiều nét mới tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025
12:22 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Lên các kịch bản điều hành giá phù hợp cho năm 2025
21:32 | 07/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Vượt chỉ tiêu đề ra, GDP năm 2024 đạt 7,09%
15:13 | 06/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Theo dõi hoạt động của tàu cá và ngư dân sản xuất trên biển dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
14:36 | 06/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
2025 drone sẽ tỏa sáng trong chương trình Hòa nhạc ánh sáng tại hồ Tây
10:10 | 06/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) Giấy phép lái xe môtô gồm những hạng nào?
08:51 | 06/01/2025 Xe - Công nghệ
Cú hích cho ngành công nghiệp hỗ trợ từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
06:35 | 05/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu đồng loạt tăng trong kỳ điều hành ngày 2/1
15:39 | 02/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) Đối tượng áp dụng chính sách, chế độ trong sắp xếp tổ chức bộ máy
07:34 | 02/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chăm lo Tết cho người nghèo
Tổng cục Hải quan giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp VBF
6 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2024
Vì sao lạm phát ở Việt Nam ở mức thấp trong 10 năm qua?
Hải quan triển khai cải cách công tác quản lý trị giá hải quan
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics