MSB: Lãi dịch vụ tăng đột biến, nợ xấu tăng nhẹ

(HQ Online) - Phân tích báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho thấy lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ nguồn thu nhập từ lãi thuần và hoạt động dịch vụ.
Vay tín chấp tới 1 tỷ đồng khi sử dụng gói tài khoản MSB M-Business Fast
Cổ phiếu MSB đã chính thức được cấp margin
MSB phủ nhận tin đồn sáp nhập PG Bank
Hoạt động giao dịch tại MSB.
Hoạt động giao dịch tại MSB.

Theo đó, tổng thu nhập thuần của MSB lũy kế 6 tháng đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 77% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần 6 tháng đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM) đạt 3,73% lũy kế 4 quý gần nhất (so với mức 2,96% cùng kỳ).

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ 6 tháng của MSB đạt gần 2.200 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng quý 2 thì hoạt động dịch vụ đã mang về doanh thu hơn 2.070 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 10 lần cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ phí dịch vụ đại lý bảo hiểm và từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng tới 98% so với cùng kỳ. Trước đó, vào giữa tháng 3, MSB đã ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) với Prudential Việt Nam, bắt đầu triển khai từ tháng 4 và kéo dài trong 15 năm.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 2 lỗ hơn 337 tỷ đồng, trái với con số lãi 263 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, khiến 6 tháng hoạt động này lỗ hơn 8 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tiếp tục lỗ hơn 200 tỷ đồng sau 6 tháng.

Cũng quý 2, chi phí hoạt động của MSB tăng 62%, lên mức 1.081 tỷ đồng, chi phí hoạt động 6 tháng cũng tăng 15% lên gần 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại giảm nhẹ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn 445 tỷ đồng.

Vì thế, kết thúc quý 2/2021, lũy kế MSB đạt được hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021.

Về tín dụng, tổng dư nợ cho vay khách hàng của MSB tăng 15% so với đầu năm đạt hơn 91.300 tỷ đồng. Phân tích dư nợ theo ngành nghề kinh doanh, thì dư nợ của khách hàng doanh nghiệp tại MSB chiếm hơn 73%, tương đương hơn 67.000 tỷ đồng. Dư nợ đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm nhiều nhất gần 14% tổng dư nợ, tăng hơn 41% so với cuối năm 2020.

Về chất lượng tín dụng, khối lượng nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) của MSB đã tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2020, lên hơn 1.800 tỷ đồng, đưa tỷ nợ xấu trên tổng dư nợ lên mức 2%, tăng so với mức 1,96% hồi cuối năm trước. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 12,5% lên hơn 976 tỷ đồng.

Chỉ số ROAA (lợi nhuận trên tài sản) và ROAE (lợi nhuận trên vốn) đều khả quan, tương ứng đạt 2,14% và 20,68%. Với lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của 4 quý gần nhất khoảng 3.361 VNĐ, trên cơ sở mức giá đóng cửa MSB ngày 29/7/2021 đạt 29.200 VNĐ/cổ phiếu, chỉ số P/E (giá trị trên cổ phiếu) của ngân hàng là gần 8,7 lần, thấp hơn P/E trung bình các ngân hàng đang niêm yết.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều