Mở đầu cuộc phỏng vấn Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn dành thời gian ôn lại truyền thống và nhắc nhớ về những hy sinh, đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để hun đúc nên bề dày truyền thống đáng tự hào qua 77 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Việt Nam. Tổng cục trưởng khẳng định: Đến nay, Hải quan Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Đó là, cơ bản hoàn thiện thể chế về lĩnh vực hải quan; cơ cấu tổ chức, lực lượng Hải quan lớn mạnh từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được củng cố, tăng cường, đảm bảo năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trang thiết bị phục vụ công tác từng bước được đầu tư hiện đại. Qua đó giúp ngành Hải quan luôn đảm đương và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thể hiện qua quy mô, khối lượng công việc ngày một lớn, kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu, số thu ngân sách tăng trưởng cao qua từng năm; thể hiện qua kết quả đấu tranh chống buôn lậu gắn với thực hiện vai trò, nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực; thể hiện qua vai trò chủ trì trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, công tác kiểm tra chuyên ngành… Ngoài ra, vai trò của Hải quan Việt Nam còn được nâng cao trên trường quốc tế thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác hải quan song phương, đa phương với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); Hải quan Hoa Kỳ, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Nhật Bản, Hải quan trong khu vực ASEAN, ASEM… Với những kết quả, thành tựu đạt được, ngành Hải quan đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước, nhất là đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước hàng năm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, nhưng trước yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong tình hình mới, Hải quan Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn. |
Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 628/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Xin Tổng cục trưởng cho biết, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến lược trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực, tập trung các nguồn lực, bám sát các yêu cầu, nội dung đã được đề ra, triển khai thành công Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (tại Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Những kết quả rất quan trọng tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 là tiền đề để Hải quan Việt Nam đề ra những mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Những mục tiêu tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Tài chính, lĩnh vực Hải quan nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam trong thời gian tới theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Tổng cục trưởng có thể phân tích rõ hơn về mục tiêu trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Mục tiêu tổng quát đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia. Các giải pháp đã và đang được ngành Hải quan triển khai để sớm thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược là gì, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Để thực hiện mục tiêu đề ra, toàn Ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi, triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO; quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, Chiến lược đặt ra sẽ xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (Tổng cục, Vùng và Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại… |
Thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số. Tổng cục trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu, vai trò của chuyển đổi số trong tiến trình hiện đại hóa hải quan? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn tới, vì các lý do sau: Thứ nhất, về xu hướng quốc tế, từ năm 2018 các nước tiên tiến, đặc biệt là WCO đã phân loại sự phát triển của cơ quan Hải quan thành 6 cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là Hải quan số. Thứ hai, hiện đại hóa không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Hải quan mà là nhiệm vụ chung của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng và đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thứ ba, chuyển đổi số là chu kỳ tất yếu trong tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan. Mặt khác, quá trình thực hiện các chu kỳ hiện đại hóa đều phải trải qua các bước và hiện nay hệ thống CNTT không còn đáp ứng xu hướng của thời đại, cũng như yêu cầu quản lý nên phải đặt ra vấn đề chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất, tập trung thực hiện tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Hải quan số, mô hình hải quan thông minh theo chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ Tài chính. Thứ hai, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu đến năm 2025, chúng ta sẽ có một hệ thống CNTT để có thể thực hiện 100% thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động XNK. Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hàng hóa XNK để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan Hải quan và các bộ, ngành liên quan.
|
Ngoài việc tập trung xây dựng, thực hiện các kế hoạch và định hướng lớn về phát triển Hải quan Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã tổ chức, triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Đại dịch Covid-19 gây tác động lớn đến thương mại toàn cầu, làm ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Hải quan Việt Nam đã có những sáng kiến, giải pháp gì để tạo thuận lợi thương mại, khơi thông dòng chảy hàng hóa, góp phần đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng của nền kinh tế, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Trước khó khăn mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp phải do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine (từ đầu năm 2022) ngành Hải quan đã có nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu. Về cơ chế chính sách, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội; Tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ; Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19… Về giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, Tổng cục Hải quan thiết lập cơ chế cập nhật thông tin phục vụ công tác đánh giá tác động của chiến tranh Nga - Ukraine đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. |
Trước tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp; tăng thời gian làm việc của các đơn vị hải quan liên quan từ 8 giờ lên 10 giờ, bố trí làm việc ngoài giờ hành chính, thực hiện thủ tục hải quan 24/7… Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã trao đổi Công hàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các giải pháp tạo điều kiện thông quan hàng hóa. Điểm sáng đáng ghi nhận trong kết quả công tác của Ngành là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tổng cục trưởng có thể phân tích rõ hơn về kết quả đạt được? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 439/CT-TCHQ về thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022. Thu ngân sách từ đầu năm đến 21/8 đạt 285.331,48 tỷ đồng, tăng 14,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả thu ngân sách đạt khá do toàn Ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; gắn với tăng cường các biện pháp chống thất thu với sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng phòng, chống buôn lậu; kiểm tra sau thông quan; thanh tra kiểm tra… |
Cùng với cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thời gian qua, ngành Hải quan đã quan tâm, tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, đặc biệt là phòng chống buôn lậu trong tình hình mới, Tổng cục trưởng có thể cho biết rõ hơn về sự chuyển biến này? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng phức tạp, khó lường với chiêu thức, thủ đoạn mới như gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp; vi phạm về sở hữu trí tuệ; buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã nguy cấp; tội phạm ma túy xuyên quốc gia… Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp nhiều kế hoạch, chuyên đề đấu tranh để chỉ đạo triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan luôn quan tâm xây dựng lực lượng chuyên trách kiểm soát, chống buôn lậu đáp ứng yêu cầu về năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tình hình mới thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong Ngành và phối hợp với các Trường, Học viện thuộc ngành Công an để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm soát hải quan, điều tra tội phạm, ngoại ngữ, tin học... Song song đó, chú trọng đầu tư mua sắm, triển khai đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều trang thiết bị hiện đại như: tàu cao tốc, ô tô chuyên dụng, các hệ thống máy soi container, hệ thống camera giám sát, hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa, máy phát hiện sớm chất ma túy, seal điện tử, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật, chó nghiệp vụ... qua đó giúp lực lượng kiểm soát hải quan đủ sức mạnh thực thi nhiệm vụ và răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan. Công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự theo thẩm quyền nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có sự móc nối của các đối tượng trong nước với tổ chức tội phạm nước ngoài ngày càng có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Liên quan đến tội phạm ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, ngành Hải quan đã sớm nhận diện về phương thức, thủ đoạn và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, triệt phá nhiều vụ vi phạm quy mô lớn. Đặc biệt là bắt giữ được cả tang vật và đối tượng trong đường dây tội phạm. Điển hình như: tháng 5/2022, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đồng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Đức về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. Đến nay, lực lượng chức năng thu giữ hơn 50 kg ma túy tổng hợp các loại, bắt giữ 11 đối tượng. |
Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, vậy, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với toàn Ngành trong thời gian tới là gì, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Thời gian tới, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến các mặt hoạt động hải quan, trong đó có công tác phòng, chống buôn lậu. Để chủ động, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm, toàn Ngành cần tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Tăng cường kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao... Các đơn vị phổ biến, quán triệt toàn thể cán bộ, công chức về vai trò, vị trí, chức năng của cơ quan Hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật Hải quan, Luật Biên phòng. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn; khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Hải quan với C04, Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả bắt giữ, phòng, chống ma túy… Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng! |