Nếu như cách đây 4-5 tháng nhiều chuyên gia đã cảnh báo về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ suy giảm và chưa thể phục hồi ngay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021. Nhưng tiếp nối kết quả đạt được của quý 1/2022, tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. |
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực. Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng 4, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng của năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu NSNN ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% cho thấy sự cố gắng của chúng ta trong bối cảnh lạm phát, lãi suất, giá dầu và nhiều hàng hóa thiết yếu trên thế giới gia tăng. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 5/2022 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục tăng trưởng cao. |
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 62,69 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9% Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh nên trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 7,71 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 5 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2022 đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 26,9% và tăng 15,6%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022. Những con số trên đã cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả. |
Nhận định về triển vọng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, với việc tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới. |
Đánh giá về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, theo các chuyên gia, việc nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài lạc quan hơn. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong quý 2/2022. Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Tuy nhiên, thời gian tới, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, rủi ro, trong đó nguy cơ xuất hiện những biến thể mới còn hiện hữu, xung đột địa chính trị đang có ảnh hưởng tiêu cực và chặn đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng trong khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam – một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hồi phục trong nước vẫn đang trong quá trình triển khai. Từ thực tế đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung với Covid-19". Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới. Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động…Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản. |
Động lực tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu. Đồng thời, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của đại dịch, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022. Những chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm được thực hiện giúp tăng các mức chi tiêu, đóng góp lớn vào quy mô nền kinh tế. Ngành sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Đây cũng là ngành có vai trò lớn trong đóng góp vào tăng trưởng trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng năm 2022 cũng được dự báo ở mức cao hơn, thông qua dự báo tăng trưởng TFP và năng suất lao động được cải thiện. Trên cơ sở đó, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị Chính phủ cần quán triệt 3 quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách. Đầu tiên, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”. Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Đồng thời, trong khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế. |
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo công tác này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Tài chính phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Tiếp tục tháo gỡ các vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng lưu ý tinh thần "quyền lực phân cấp, nhưng nguồn lực tập trung", phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, tăng cường giám sát, kiểm tra. Khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Ban để chỉ đạo và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng để đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hiệu quả, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình phương án xử lý các vấn đề theo các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài chính trình phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2021, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy định, tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông của chương trình phục hồi và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… |