Tổng quan hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019
(HQ Online)- Theo Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước lập kỷ lục mới khi đạt con số 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%.
Trong năm 2019 đạt thặng dư của Việt Nam cũng lập kỷ lục với con số xuất siêu 11,12 tỷ USD.
Từ một nước thiếu ăn, đói ăn, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Với kim ngạch lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả châu Phi cộng lại.
Tổng cục Hải quan ghi nhận một số nhóm hàng có kim ngạch giảm mạnh như: Xăng dầu các loại giảm 1,68 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,3 tỷ USD; kim lọai thường và sản phẩm giảm 1 tỷ USD; lúa mì giảm 455 triệu USD… |
Đến nay nhiều ngành hàng xuất khẩu đã nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Việt Nam đã trở thành ‘thủ đô’ của ngành sản xuất, xuất khẩu điện thoại di động của thế giới, xuất khẩu nông sản cũng trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN.
Đáng phấn khởi hơn khi trong năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá trong bối cảnh thương mại toàn cầu có chiều hướng sụt giảm...
Để đạt được sự tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng vừa qua là nhờ Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như CPTPP và sắp tới là thực hiện EVFTA; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp; nỗ lực của các bộ, ngành địa phương như Tài chính, Công Thương... đặc biệt là cố gắng, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHÍNH
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019 đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4%, tương ứng tăng 20,49 tỷ USD so với một năm trước đó.
Trong đó các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng lớn có thể kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,36 tỷ USD, tương ứng tăng 21,5%; hàng dệt may tăng 2,37 tỷ USD, tương ứng tăng 7,8%; điện thoại các loại tăng 2,16 tỷ USD, tương ứng tăng 4,4%; giày dép các loại tăng 2,08 tỷ USD, tương ứng tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 1,94 tỷ USD, tương ứng tăng 11,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,74 tỷ USD, tương ứng tăng 19,5%; đá quý kim loại quý và sản phẩm tăng 1,45 tỷ USD, tương ứng tăng 3,3 lần...
Kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước lập kỷ lục mới khi đạt con số 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%. |
Các nhóm hàng xuất khẩu chục tỷ USD năm 2019 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt mốc kỷ lục 51,38 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2018.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,93 tỷ USD tăng 21,5% so với năm 2018.
Hàng dệt may đạt 32,85 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm trước.
Nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) đạt 16,91 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm trước (tương ứng giảm 876triệu USD).
Giày dép các loại đạt 18,32 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2018.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 18,3 tỷ USD, tăng 11,9 % so với năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,65 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm trước.
Công chức hải quan Lào Cai kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Thái Bình |
NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH
Trong cả năm 2019 trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 253,07 tỷ USD. Với kết quả này, trị giá nhập khẩu hàng hóa cao hơn năm 2018 tới 16,2 tỷ USD, tương ứng tăng 6,8%.
Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,22 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 3,87 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 1,33 tỷ USD; than các loại tăng 1,24 tỷ USD; dầu thô tăng 849 triệu USD…
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận một số nhóm hàng có kim ngạch giảm mạnh như: Xăng dầu các loại giảm 1,68 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,3 tỷ USD; kim lọai thường và sản phẩm giảm 1 tỷ USD; lúa mì giảm 455 triệu USD…
Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ ngoại thương, có tới 8 thị trường đã đạt quy mô kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Với tổng trị giá kim ngạch hơn 357 tỷ USD, riêng 8 thị trường chủ lực này chiếm đến 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm ngoái. |
Trong các nhóm hàng nhập khẩu lớn có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.
Dẫn đầu tiếp tục là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 51,35 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm 2018.
Nhóm hàng lớn thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 36,75 tỷ USD tăng 11,8% so với năm 2018.
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) với kim ngạch 24,13 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước và đứng vị trí thứ ba.
Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đứng vị trí thứ tư với kim ngạch đạt 15,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2018.
Nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” thứ 5 là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 14,62 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2018.
CÁC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHỦ YẾU
Từ dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ ngoại thương, có tới 8 thị trường đã đạt quy mô kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Với tổng trị giá kim ngạch hơn 357 tỷ USD, riêng 8 thị trường chủ lực này chiếm đến 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm ngoái.
Cụ thể, Trung Quốc với tổng kim ngạch 116,86 tỷ USD (xuất khẩu 41,41 tỷ USD, nhập khẩu 75,45 tỷ USD).
Hoa Kỳ: 75,712 tỷ USD (xuất khẩu 61,347 tỷ USD, nhập khẩu 14,365 tỷ USD).
Hàn Quốc: 66,655 tỷ USD (xuất khẩu 19,72 tỷ USD, nhập khẩu 46,935 tỷ USD).
Nhật Bản: 39,938 tỷ USD (xuất khẩu 20,413 tỷ USD, nhập khẩu 19,525 tỷ USD).
Đài Loan: 19,564 tỷ USD (xuất khẩu 4,391 tỷ USD, nhập khẩu 15,173 tỷ USD).
Thái Lan: 16,928 tỷ USD (xuất khẩu 5,272 tỷ USD, nhập khẩu 11,656 tỷ USD).
Ấn Độ: 11,212 tỷ USD (xuất khẩu 6,674 tỷ USD, nhập khẩu 4,538 tỷ USD).
Đức: 10,252 tỷ USD (xuất khẩu 6,555 tỷ USD, nhập khẩu 3,697 tỷ USD).
Nhìn vào kết quả trên có thể thấy, châu Á đang là khu vực chiếm ưu thế áp đảo với 6 thị trường.
Điều này cũng dễ hiểu và phù hợp khi châu Á đang là châu lục có quan hệ ngoại thương lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 65,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu chiếm thị phần 51,3% và nhập khẩu chiếm đến 80,2%.
Trong 8 thị trường nêu trên, Việt Nam xuất siêu ở 8 thị trường (Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản) và nhập siêu ở 4 thị trường còn lại.
Trong rổ thống kê các nhóm hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam được cơ quan Hải quan công bố định kỳ, 8 thị trường nêu trên đều xuất hiện, thậm chí như trường hợp của Trung Quốc có mặt ở cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu.
NHỮNG MỐC KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU NỔI BẬT
Đến nay, Việt Nam đã chứng kiến 5 dấu mốc “trăm tỷ USD” về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu vào các năm 2007, 2011, 2015, 2015 và 2019.
Trong 20 năm gần đây, (giai đoạn 2000-2019) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt tới 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm gần đây (từ năm 2015 đến năm 2019) ghi nhận kim ngạch đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).
Nếu năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
4 năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm tiếp theo (đến năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Hoạt động tuần tra trên biển của Hải quan Bình Định. Ảnh: M.Hùng |
Những năm gần đây, việc lập kim ngạch 100 tỷ USD xuất nhập khẩu được rút ngắn ½ thời gian so với trước. Cụ thể, giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.
Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD.
Nhờ những bước bứt phá trong những năm gần đây, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt.
Năm 2006 Việt Nam đang xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu.
Đến năm 2018, nước ta đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ ba về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Tổ chức nội dung: Ánh Hồng-Mạnh Hùng- Thái Bình
Infographics: Trần Ánh- Mạnh Hùng
Đồ họa: Tiến Thành
Số liệu: Tổng cục Hải quan