Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực hơn 10 tháng đã tạo cú huých mạnh mẽ cho XK hàng hóa vào thị trường EU. Dự báo, thời gian tới hàng Việt vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy XK nhờ EVFTA. Tuy nhiên, các DN cũng phải nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng các cam kết về quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại… |
Ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam-EU, mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng, người lao động ở châu Âu và Việt Nam. Phát biểu tại thời điểm đó khi vẫn đang giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "2 Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các DN hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt, DN EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị trường các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á- Âu và toàn cầu". |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về "Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA" |
Đến ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Chủ trì Hội nghị trực tuyến về "Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA" sau khi Hiệp định có hiệu lực vài ngày, người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại thời điểm đó một lần nữa nhấn mạnh rằng: "Cơ hội đã có, "đường cao tốc" đã mở, để vượt lên, vượt qua thách thức, nhất là thách thức suy giảm kinh tế rất khó khăn hiện nay, thực hiện khát vọng giàu mạnh, chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy, phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa. Đó là tinh thần hướng tới mục tiêu nâng tầm trình độ và phát triển của DN và cả nền kinh tế khi mà các DN Việt Nam được chơi và tiến tới được đua với những tập đoàn, DN lớn, phát triển cao của EU". |
Infographics: Những mốc thời gian chính trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định EVFTA |
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4,57-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Về XK, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. |
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Kể từ khi được thực thi đến nay, Hiệp định đã chứng tỏ là cú huých lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định EVFTA (từ đầu tháng 8 đến hết tháng 12/2020), kim ngạch XK của Việt Nam sang EU đã đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Giá trị XK bình quân tháng đạt khoảng 3,12 tỷ USD/tháng. Ngay 3 tháng đầu năm 2021, XK của Việt Nam sang EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, nhờ đó kết quả xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2021 với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử... Thị trường NK đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. |
Một trong những mặt hàng nông sản tiêu biểu được hưởng lợi ích từ EVFTA là gạo. Trước đây, gạo Việt Nam XK vào EU chịu thuế rất cao trên 65 EUR/tấn, nhưng ngay từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, một số DN XK gạo đã ký được những đơn hàng XK gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được XK với giá trên 1.000 USD/tấn. Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình XK gạo của Việt Nam cả về lượng và giá. Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng XK sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như: Chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long, vali, túi xách, giày dép...
Ngay từ những ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã gây ấn tượng không nhỏ ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine cho 3 khách hàng tại Đức với mức giá khá "khủng". Cụ thể, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây được nhìn nhận là mức giá đáng mơ ước, kỷ lục của ngành lúa gạo Việt Nam trong quá trình XK nhiều năm qua. Xúc động chia sẻ về kỷ lục này, ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, khi thực thi EVFTA, thuế suất giảm về 0%, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ có sức cạnh tranh lớn với các quốc gia XK gạo khác. Giá trị của gạo Việt Nam đã được nâng cao tại thị trường EU, sức cạnh tranh của gạo Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới. “Đã qua thời Việt Nam XK gạo lấy số lượng làm chủ lực, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường đã thay đổi rất nhiều”, ông Bình nói. |
Bên cạnh “hạt ngọc trời”, da giày cũng là mặt hàng điển hình tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. Tại chuyên san “EVFTA với thương mại Việt Nam” kỳ đầu tiên do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng, ban hành ngày 1/6/2021 vừa qua đã đưa ra những phân tích khá kỹ lưỡng về ngành hàng XK mỗi năm đem về hàng chục tỷ USD này. Cụ thể, tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam XK sang EU được các cơ quan, tổ chức được cấp C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA là 1,37 tỷ USD. Con số này đã đạt 1,17 tỷ USD trong quý 1/2021. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: “Có thể nói da giày là một trong những mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong Hiệp định. Trong quý 1/2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép XK sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA lên tới 98,98%”. |
Infographics: EVFTA thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường EU. |
Lý giải cho những con số ấn tượng nêu trên, khi chia sẻ với báo giới không ít lần bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA nói chung, EVFTA nói riêng được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của DN Việt. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch XK cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi XK sang các thị trường có FTA. |
Những “trái ngọt” bước đầu thu được từ EVFTA không phải tự nhiên mà có. Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước còn là sự chủ động, lấy đà sớm từ động đồng DN. Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường theo quy định từ thị trường EU và tìm kiếm cơ hội thâm nhập sâu hơn vào EU, trong thời gian qua nhiều DN đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU. Đối với hàng nông sản, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho các DN và nông dân Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho các nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu mà còn mở ra cơ hội cho nhiều đặc sản khác tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam đã có năng lực đáp ứng các yêu cầu từ phía những nhà NK EU về hàng nông sản, thực phẩm khi có hơn 6.335 ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn XK; hơn 5.000 ha trang trại thuỷ sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa XK được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép (IUU fishing)... Tập đoàn Lộc Trời là một trong những cái tên khá “đình đám”, điển hình trong nắm bắt cơ hội thúc đẩy XK nông sản vào thị trường EU. Ngày 22/9/2020, tại An Giang, Tập đoàn này tổ chức công bố XK lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo EVFTA với tổng khối lượng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85. Để có thể nhanh chóng hưởng “trái ngọt” ngay khi EVFTA có hiệu lực chưa lâu, DN đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng trước đó. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, chuẩn bị cho những bước đi dài hạn, Tập đoàn đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo, bao gồm cả khâu sản xuất và chế biến. Đến nay, Lộc Trời đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất gạo có vị trí trung tâm các vùng nguyên liệu lúa, liên kết tốt hệ thống đường bộ và đường thủy để vận chuyển thuận tiện nhất. Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Trong đó, nhà máy Thoại Sơn (An Giang) có đầy đủ các chứng nhận HACPP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn-PV), HALAL (là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm-PV) và BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc thiết lập vào năm 1998 –PV) đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cao cấp của các thị trường khó tính tại EU. “Nhà máy Vĩnh Hưng (Long An) có dây chuyền sản xuất gạo mầm Vibigaba từ lúa mùa ruộng tôm, tiến tới có chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt-PV) để xây dựng thương hiệu thực phẩm chức năng, đem lại lợi nhuận cao hơn nữa cho nông dân trồng giống lúa đặc sản này của Lộc Trời”, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết. |
Câu chuyện thực tế của ngành thuỷ sản cũng là ví dụ khá điển hình cho việc chuẩn bị kỹ lưỡng thu ngay “trái ngọt” từ EVFTA. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, suốt 7 tháng đầu năm 2020, XK thuỷ sản giảm liên tục 2 con số. Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, kim ngạch XK thuỷ sản sang EU bắt đầu tăng 1%, tháng 9/2020 tăng 19%, tháng 10/2020 tăng 20%, tháng 11/2020 tăng 30% và tháng 12/2020 tăng 15%. DN thuỷ sản sẵn sàng tận dụng cơ hội khi “mâm cỗ” EVFTA bày ra như thế nào? Đáp lại câu hỏi này của phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Nguyễn Hoài Nam hồ hởi chia sẻ: Vasep đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương suốt 2 năm trước đó và kỳ vọng cộng đồng DN có thể nắm bắt được nhiều nhất có thể thông tin về EVFTA. Sự chủ động của DN thủy sản được thấy khá rõ thông qua việc DN rất quan tâm về thông tin liên quan tới EVFTA. Điều này được thể hiện khá rõ qua việc, các chương trình Vasep phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tập huấn về EVFTA riêng cho lĩnh vực thủy sản, các DN hội viên Vasep đều có người tham dự trực tiếp, đưa ra nhiều vấn đề hỏi đáp. |
Ngoài nông, thuỷ sản, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như ngành dệt may, Bộ Công Thương thông tin, nhiều DN đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ nội địa hóa cao, nhiều vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả DN trong và ngoài nước, như Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong… Bên cạnh đó, các DN cũng dần chuyển hướng NK nguyên liệu sang các thị trường có FTA với EU, đáp ứng được yêu cầu quy tắc “xuất xứ cộng gộp” mà EVFTA đưa ra như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Minh chứng sinh động cho sự vận động của DN dệt may kể trên là câu chuyện của Công ty Việt Thắng Jean. Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty thì, ngay từ khi EVFTA được ký kết, Việt Thắng Jean đã ký kết thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ dài hạn (thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc) nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo cam kết của EVFTA. |
Infographics: Các nhóm hàng xuất khẩu chính vào EU đều tăng trưởng mạnh |
Đối với các ngành hàng khác, Bộ Công Thương đánh giá, nhiều DN cũng đã tích cực chủ động tìm hiểu nhằm đáp ứng các điều kiện C/O để tận dụng ưu đãi và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc thông tin để phát triển sản phẩm tại thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi. |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đẩy mạnh XK thông qua thương mại điện tử được nhìn nhận là bước đi khôn ngoan, thiết thực sang các thị trường, đặc biệt là thị trường EU.
Thông tin đáng chú ý trong thúc đẩy tận dụng EVFTA XK sang thị trường EU nhờ thương mại điện tử là cuối tháng 3/2021, Sàn thương mại điện tử DN Việt Nam – EU đã được ra mắt tại chương trình "Hợp tác hỗ trợ DN khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử". Sàn thương mại điện tử DN Việt Nam - EU hình thành là nền tảng giao dịch giữa các DN (B2B Marketplace), từ đó, góp phần hiện thực hóa "tuyến đường cao tốc quy mô lớn" để kết nối DN Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Sàn giao dịch này sẽ giúp các DN Việt Nam, DN EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại, mở đường cho XNK. Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Hải quan, khi hoàn thiện, sàn thương mại điện tử này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, thành phố, các ngành hàng, từ đó, xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các DN Việt. Sàn đồng thời là cổng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng DN Việt cũng như các đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. "Chúng tôi cũng nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp (thanh toán số, logistics, hóa đơn điện tử, chữ ký số...) giúp cho DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất", ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, nền tảng sàn thương mại điện tử DN Việt Nam-EU sẽ là bước đầu trong lộ trình tạo ra giải pháp mang tính nền tảng, lấy công nghệ làm cốt lõi hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh gia đình và tận dụng tối đa cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Khuyến nghị các tổ chức, DN xây dựng nền tảng cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để DN an tâm kinh doanh trên hệ sinh thái số. Dự kiến, cuối năm 2021 phiên bản đầu tiên của Sàn thương mại điện tử DN Việt Nam-EU sẽ được vận hành. Khi đó, các giao dịch cơ bản giữa các DN Việt Nam và DN EU đều có thể thực hiện. Từ góc độ đại diện cho tiếng nói của các DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đã thành công cho ra đời một sàn thương mại điện tử mang thương hiệu “Made by Vietnam”, tuy nhiên cũng cần phải lưu ý tới việc nuôi dưỡng và phát triển một cách bền vững, có chiến lược. Tôi đề nghị Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để duy trì, phát triển hệ thống, con người, trang thiết bị, yếu tố bảo mật để không những tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam được đi ra quốc tế, mà còn phải bảo vệ họ khỏi những nguy cơ, thách thức tiềm tàng khi đưa sàn thương mại điện tử vào vận hành chính thức”. |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng hiệu quả các cam kết trong EVFTA, DN cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đó là các cam kết về quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại, các vấn đề về pháp lý, thể chế, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: Quy mô và nguồn lực nhỏ, nhiều hàng hóa chưa đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước... Ngoài ra, nhiều DN vẫn chưa hiểu đầy đủ, rõ ràng và tường tận về Hiệp định EVFTA, bao gồm toàn bộ những cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan… Là chủ 1 DN chuyên sản xuất bánh kẹo và trái cây sấy muốn XK hàng hoá đi EU, bà Nguyễn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát bộc bạch, bản thân các DN vừa và nhỏ thiếu rất nhiều nguồn lực, không chỉ về cơ sở vật chất mà cả còn hệ thống kiến thức. “Các khóa đào tạo ngắn hạn hay nhiều hội thảo về EVFTA hiện nay đều đưa ra và mổ xẻ các vấn đề 1 cách rời rạc chứ không dựa trên vấn đề cốt lõi của DN, điều này khiến DN càng thêm loay hoay. Các DN quy mô như Tây Cát rất cần được hỗ trợ kiến thức và phương pháp tiếp cận thị trường một cách hệ thống”, bà Thuỷ nói. Với đáp ứng quy tắc xuất xứ, câu chuyện của ngành dệt may là ví dụ khá điển hình. Tại chuyên san “EVFTA với thương mại Việt Nam” kỳ đầu tiên do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng, ban hành ngày 1/6/2021 đã nêu khá rõ, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 của hàng dệt may Việt Nam XK sang EU nhằm mục đích tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA chưa đạt được mức kỳ vọng. |
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, tính từ ngày 1/8/2020 đến 31/12/2020, kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam XK sang EU cấp C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA đạt 216 triệu USD.Trong quý 1/2021, con số này đã đạt hơn 199 triệu USD. Mặc dù kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong năm 2021 có sự gia tăng so với năm 2020, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch XK hàng dệt may nói chung sang thị trường EU (chiếm gần 30% kim ngạch XK quý 1/2021). Quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn so với nhiều FTA mà Việt Nam đang tham gia (như Hiệp định ATIGA hay các Hiệp định ASEAN+). Đây là một thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam gia tăng XK và hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Giữa những bộn bề khó khăn, Bộ Công Thương vẫn đánh giá, trong dài hạn, khi DN Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường EU buộc phải tiếp tục thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đã quy định. Thách thức của EVFTA là sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. |
Nói như ông Trần Thanh Hải thì: “Các DN Việt Nam có thể tận dụng được các lợi ích của Hiệp định EVFTA trước hết chính là từ việc hiểu rõ hiệp định có thể mang lại những thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, trong những mặt hàng của mình. Qua đó, DN có thể thay đổi được quy trình sản xuất, thay đổi được nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp mà hiệp định mang lại”. |
Nội dung: Thanh Nguyễn Thiết kế: Hoàng Anh Infographics & photos: Phương Anh- Tạp chí Hải quan |