Việc hàng loạt tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập “cuộc chơi” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực, cũng như cơ chế khuyến khích để gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thành chuỗi giá trị bền vững lại vẫn là nỗi băn khoăn nhiều năm nay. |
Phóng viên có mặt tại Khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Trong tiếng máy móc ồn ã và giữa những người lao động đang bận rộn với công việc, được nghe ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hanpo Vina chia sẻ về những thành quả đã gặt hái được, cũng như nhiều dự định để tiếp tục thành công trong liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Tô Ngọc Phương nói: việc tham gia thành công vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn như Samsung, Canon, Brother, LG, HJC, Tenma… đã mang lại sự ổn định về hoạt động sản xuất cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 150 lao động. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất, tăng năng lực đáp ứng cũng như công suất sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng của khách hàng. Chỉ sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hanpo Vina đã đầu tư mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Yên Phong trên diện tích gần 10.000m2, tổng số vốn đầu tư lên tới 10 triệu USD. Với những kết quả này, doanh thu của Công ty liên tục tăng trưởng ở mức cao vào khoảng 30% mỗi năm, doanh thu năm 2021 – thời gian nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 - vẫn lên tới 6 triệu USD. |
Phóng viên tiếp tục tìm đến Công ty TNHH Thương mại sản xuất và phát triển công nghệ THT. Ông Nguyễn Tiến Thưởng, Giám đốc Công ty THT phấn khởi “khoe” với chúng tôi vừa ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) và hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID Co., LTD) để triển khai dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ với độ chính xác cao, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Dự án này bước đầu sẽ triển khai tổ hợp nhà máy với diện tích gần 10.000 m2 và xây dựng 9.000 m2 nhà xưởng với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Việc hợp tác với công tư ty vấn có các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ giúp Công ty nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện tại, Công ty TNHH Thương mại sản xuất và phát triển công nghệ THT đã có một nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, cung cấp sản phẩm, linh kiện phụ trợ cho các ngành công nghiệp ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, đồ gia dụng, nột thất… cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và đã thực hiện nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Ấn Độ. Ông Nguyễn Tiến Thưởng cho hay, hiện tại, nhu cầu về ốc vít, linh kiện phụ trợ công nghiệp của các doanh nghiệp quốc tế rất lớn, các doanh nghiệp này đều muốn gia tăng mức độ nội địa hóa nhằm đưa giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn. Vì thế, doanh nghiệp đã “chớp” thời cơ, đầu tư máy móc hoàn toàn tự động hóa để giúp sản phẩm đạt độ chính xác cao, chất lượng cao, giá thành tốt.
|
Chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVC) là một chuỗi sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa với sự tham gia của nhiều quốc gia, có sự kết hợp giữa khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại với nguyên liệu sản xuất và lao động. Ví dụ, một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có thể được thiết kế, sáng tạo phần mềm và thực hiện các chiến dịch marketing tại Mỹ, nhưng các công đoạn sản xuất, lắp ráp tạo thành chiếc điện thoại hoàn chỉnh lại được thực hiện tại các quốc gia khác. Hiện nay, các sản phẩm công nghệ, nhất là công nghệ cao đang là minh chứng sống động cho quá trình toàn cầu hóa. Vì thế, cơ hội là rất lớn khi nhiều “gã khổng lồ” công nghệ của thế giới đang coi Việt Nam là điểm đến để tạo thành một phần cho chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm. Mới đây, phía Samsung cho biết sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam. Một phần của khoản đầu tư này đã được hiện thực hóa bằng việc đầu tư 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC – SEHC, phần còn lại được đầu tư cho các nhà máy khác, qua đó góp phần khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử của tập đoàn này tại Việt Nam. Đặc biệt, Samsung còn dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam. Chia sẻ về dự án hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, dự án hy vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận được rất nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh từ làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia. Hãng tin Reuters cách đây không lâu cho biết Pegatron - đối tác sản xuất iPhone cho Apple đang lên kế hoạch mở rộng nhà máy ở các nước khác bên ngoài thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Trước đó, trong tháng 8, Tập đoàn Foxconn - một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới, sau khi đã mở nhà máy sản xuất iPad, AirPods tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang). Ngoài ra, các công ty công nghệ như LG, Intel… cũng đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư thêm dự án mới. Hãng điện thoại Xiaomi đã đánh tín hiệu chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất và lắp ráp điện thoại. Như vậy, hầu hết “ông lớn” trong ngành công nghệ cao, công nghệ điện tử thế giới như: Intel, Samsung, LG, Goertek, Foxconn, Luxshare, Pegaton… đều có mặt và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ. Hơn nữa, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, do bị gián đoạn nguồn cung ứng từ nước ngoài, các doanh nghiệp FDI cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. |
Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ lâu nay đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào trọng tâm trong các chiến lược phát triển kinh tế. Từ năm 2018, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, nghị định về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhờ đó, các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung, phối hợp để phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp chuyên sâu dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng liên tục đưa ra những giải pháp, chỉ đạo để tăng cường liên kết doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Sự hợp tác kinh doanh tạo thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước không chỉ có lợi cho doanh nghiệp hai bên mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Đối với doanh nghiệp FDI, việc tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước giúp doanh nghiệp FDI thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào một cách ổn định với chất lượng tốt và chi phí cạnh tranh. Với các doanh nghiệp trong nước, đây là cơ hội để được tiếp cận, nhận chuyển giao khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng được thị trường. Nhưng để tận dụng được hết những cơ hội từ các doanh nghiệp FDI thì vẫn còn là câu chuyện rất dài của ngành công nghiệp Việt Nam. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra, chỉ có 15% doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI; 8,4% xuất khẩu trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua công ty trung gian. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn, chỉ gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp (30-40%). Khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam còn có phần “hụt hơi” khi so với các nước trong khu vực, hiện chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%. Tỷ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp điện - điện tử chỉ đạt 5-10%, nên mặc dù Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN về xuất khẩu hàng điện tử nhưng 95% giá trị xuất khẩu lại thuộc về các doanh nghiệp FDI. |
Ông Tô Ngọc Phương, Tổng giám đốc Công ty Hanpo Vina cho rằng, để vào được chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp phụ trợ phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, giá cả cạnh tranh, khả năng đáp ứng số lượng, thời gian giao hàng… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, nên còn hạn chế trong việc đầu tư công nghệ và thiết bị, kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống chưa thể tối ưu để tạo ra sức cạnh tranh, nên còn khó khăn để nhận được cái “gật đầu” hợp tác từ các doanh nghiệp FDI. Ví dụ, Samsung – dù đã coi Việt Nam là công xưởng sản xuất lĩnh vực điện thoại thông minh với 6 nhà máy lớn – nhưng vẫn rất khó khăn để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Kể từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng qua nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, số lượng doanh nghiệp cung ứng của Samsung mới đạt 51 doanh nghiệp cấp 1 và 203 doanh nghiệp cấp 2. Hoặc với Panasonic, “gã khổng lồ” điện tử đến từ Nhật Bản, cũng đang có tới 7 nhà máy tại Việt Nam, nhà cung cấp Việt Nam chiếm 51% về số lượng nhưng chỉ chiếm khoảng 35% giá trị tại hãng… Những con số trên cho thấy mức độ khiêm tốn trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. |
Những vấn đề nêu trên cho thấy, để tận dụng cơ hội, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi. Theo các chuyên gia, việc hình thành các hệ sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” và “xã hội sản xuất” đủ mạnh, khi đó công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ bứt phá. Hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều địa phương cũng đang triển khai một số cụm liên kết ngành, khu công nghiệp ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ một số nhà đầu tư, đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" được tổ chức vào ngày 17/9/2022. Ảnh: VGP |
Ngoài ra, những thay đổi về cơ chế, chính sách cũng rất cần thiết. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần tạo nhiều hơn nữa chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ. Chính phủ Việt Nam cần có thêm ưu đãi cho các công ty đầu tư vào ngành công nghệ cao, các chính sách của Việt Nam cũng cần phải nỗ lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, các doanh nghiệp cho rằng, cần phải có những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra, khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng sản phẩm trong nước… nhằm tạo điều kiện liên kết và cộng sinh giữa các doanh nghiệp lớn với chuỗi cung ứng nội địa là các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng rất cần chính sách tín dụng ưu đãi, bởi việc đầu tư máy móc, thiết bị đang “quá sức” với đại đa số doanh nghiệp… Đặc biệt, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc sớm xây dựng và ban hành bộ luật về phát triển công nghiệp, để làm cơ sở phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, làm “bệ đỡ” huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. |
Ông đánh giá như thế nào về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc liên kết thành chuỗi giá trị với doanh nghiệp FDI? Hiện nay, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước bứt phá. Các doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội sau đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng dịch chuyển trong đầu tư sản xuất toàn cầu và có thể tham gia được vào các chuỗi sản xuất của các tập đoàn thế giới, đặc biệt đang có mặt tại Việt Nam như Samsung, Toyota, Honda… Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận, sở hữu các công nghệ mới và các dây chuyền sản xuất mới đảm bảo được các tiêu chí tham gia được các chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như là chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn về tài chính, trình độ lao động… Vì thế, thời gian qua, một loạt chương trình, chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi toàn cầu đã được triển khai. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần đang còn bị bỏ ngỏ rất lớn, với hàng chục tỷ USD được các doanh nghiệp FDI chi ra để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ lắp ráp và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Theo ông, để doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết tốt hơn với doanh nghiệp FDI, các cơ quan quản lý cần những chính sách hỗ trợ như thế nào? Vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng đó là xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội và sớm ban hành trong thời gian sớm nhất. Bởi chúng ta có nền tảng thể chế tốt thì đồng nghĩa với việc có con đường đi đúng và các cơ quan bộ, ngành, Trung ương, địa phương và các hiệp hội có được định hướng để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm ra đời và có thể hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu, cũng như kết nối đầu ra giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng tại các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, giúp các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vậy những hỗ trợ từ phía hiệp hội – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thì như thế nào, thưa ông? Về phía hiệp hội, chúng tôi đã tạo thành một chuỗi để cùng nhau sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Khu công nghiệp này đang tiến tới xây dựng thành “Hệ sinh thái công nghiệp”, bao gồm đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất – làm việc – sinh sống, tối đa hóa phục vụ người lao động – công nhân viên – cán bộ quản lý chuyên gia và các đối tác đến giao dịch sản xuất – kinh doanh dịch vụ tại Khu công nghiệp HANSSIP. Vì thế, các doanh nghiệp tại đây có thể tạo thành một chuỗi để cùng nhau sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia nước ngoài để đạt được theo tiêu chuẩn quốc tế. Xin cảm ơn ông! |