Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh Tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dù không thể ngay lập tức tạo ra sự bứt phá đột biến cho XK hàng hoá Việt Nam, song FTA thế hệ mới này được nhìn nhận sẽ góp phần quan trọng tạo lập thị trường XK ổn định trong dài lâu. |
Trải qua thời gian 8 năm, 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp Bộ trưởng, cuối cùng các nước đã đạt được thỏa thuận RCEP. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP là FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới; có trình độ phát triển của các nước thành viên đa dạng nhất với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản) và cả các nước kém phát triển (Lào, Campuchia, Myanmar). Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Hiệp định này sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế NK giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm. |
Bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu, Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho XK. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)…, do đó phù hợp với trình độ của phần lớn DN trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho DN Việt Nam tăng cường XK và mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản,... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Trung Quốc đã phục hồi tương đối nhanh (so với các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ), ý nghĩa của RCEP đối với XK của Việt Nam càng quan trọng hơn. Bộ Công Thương phân tích, mặc dù trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các FTA rộng khắp, nhưng RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan. Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang: “RCEP có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng XK sang các nước trong khu vực. Đồng thời, các DN dệt may Việt Nam cũng có thể NK nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất, XK vào những thị trường ngoài khối tăng sức cạnh tranh. Ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 đạt kim ngạch XK từ 42,5-43 tỷ USD một phần dựa vào các lợi thế từ RCEP mang lại”. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam): trong ngắn hạn, RCEP khó tạo ra “cú huých” lớn cho XK của Việt Nam vì các nước trong khối hầu hết có ký kết FTA với nước ta và các dòng thuế giảm sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng đó nên XK sẽ tăng lên. Khi XK theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. |
Ngày 15/11/2020, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định RCEP từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký Hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Từ đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào tới các nhà lãnh đạo ASEAN và lãnh đạo 5 nước đối tác trong lễ ký kết Hiệp định RCEP ngày 15/11/2020. Ảnh: VGP. |
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Hiệp định RCEP là được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ XK hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Các thành viên tham gia Hiệp định RCEP cơ bản đã có FTA với Việt Nam và với ASEAN. Ngoài ASEAN, 5 nước đối tác còn lại tham gia Hiệp định RCEP đều đã có FTA với ASEAN nói chung, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, RCEP không chỉ là phiên bản nâng cấp các FTA của ASEAN đã có với các nước đối tác. Hiệp định này có sự nâng cao về các tiêu chí, phạm vi, tiêu chuẩn. Việc có thêm Hiệp định RCEP tạo thêm mặt bằng mới so với các FTA mà ASEAN đã ký với các đối tác trong khoảng 10 năm qua. Với Hiệp định RCEP, DN Việt Nam cũng có thêm lựa chọn về mức độ ưu đãi, đặc biệt là khi DN cải cách các quy trình sản xuất để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Ví dụ, hiện nay DN XK sang Nhật Bản, bên cạnh FTA Việt Nam-Nhật Bản, FTA ASEAN-Nhật Bản, DN có thêm lựa chọn là Hiệp định RCEP để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, với Hiệp định RCEP khả năng cộng gộp nguồn nguyên liệu cũng lớn hơn. DN có thể NK nguyên liệu từ Trung Quốc nhưng XK sản phẩm sang các thị trường như Australia, New Zealand... vẫn được hưởng ưu đãi từ Hiệp định RCEP. Trong các FTA giữa ASEAN với từng nước đối tác không có điều đó. Đây là hướng để các DN có thể đẩy mạnh tận dụng trong thời gian tới. |
Từ góc độ ngành hàng, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: RCEP tích hợp một số FTA mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, DN XK có thể dùng chung một mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường, giúp đơn giản thủ tục hơn cho DN. Tương tự, theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TPHCM, trong tất cả FTA mà Việt Nam đã ký kết từ trước đến nay, quan trọng nhất với DN là quy định về xuất xứ. Khi đáp ứng được quy định này, hàng hoá mới được hưởng ưu đãi về thuế NK. Trong RCEP, quy tắc cộng gộp đang được quy định tương tự với nguyên liệu sản xuất. Theo đó, nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác. Điều đó có khả năng giúp DN dệt may Việt Nam tận dụng được cơ hội đẩy mạnh mở rộng XK sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia, New Zealand. Nhiều DN cũng đang đẩy mạnh XK trong khu vực ASEAN. Ông Việt kỳ vọng với RCEP, năm nay hoạt động XK của ngành dệt may sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 15%. Khẳng định tại RCEP quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) so sánh: “Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc thì khi tham gia RCEP, gánh nặng chi phí NK nguyên liệu đầu và sẽ được giảm bớt nhờ những ưu đãi thuế quan”. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm: trong ngắn hạn, DN cần nghiên cứu kỹ RCEP để tận dụng tốt nguyên tắc xuất xứ cộng gộp nhằm đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, về dài hạn DN cần xây dựng thương hiệu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong một thị trường rộng lớn hơn. |
Ở thời điểm hiện tại, nhiều DN XK đánh giá khá cao cơ hội thúc đẩy XK từ Hiệp định RCEP, đã và đang xây dựng những kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng tốt FTA này. Ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cholimex nhận định: Hiệp định RCEP mở ra nhiều cơ hội XK hàng hóa cho DN bởi DN không bị những rào cản về thuế quan, kỹ thuật vào một số thị trường, điển hình như Trung Quốc. Dự kiến, lượng hàng hóa XK của DN sẽ tăng trưởng không dưới 20% so với trước đây. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI cho biết: trong 5 quốc gia ngoài khối ASEAN tham gia ký kết Hiệp định RCEP, IDI đã XK thủy sản tới 4 nước gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, thuế NK sẽ được cắt giảm, tăng tính cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam so với các loại thủy sản, thực phẩm của các quốc gia khác. Do đó, các DN Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để tăng thị phần ở các thị trường này. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May chia sẻ: “Hiện tại, Công ty đang XK gạo thơm cao cấp bằng thương hiệu riêng sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Australia, Canada…; đồng thời DN đang XK tiểu ngạch cá tra sang thị trường Trung Quốc. Công ty đang tính toán để chuyển dần sang XK theo đường chính ngạch, đặc biệt quan trọng hơn là mở rộng thêm thị trường mới trong năm nay. DN sẽ nghiên cứu kỹ để mở rộng thị trường nếu có cơ hội”. Với Công ty CP Quốc tế Phong Phú (DN chuyên XK hàng dệt may-PV), Nhật Bản vốn là thị trường truyền thống nên khi RCEP có hiệu lực, DN không giấu tham vọng chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính khác trong khối. “Hiện, Công ty đang tiến hành thăm dò nhu cầu khách hàng ở các thị trường mới để đưa ra sản phẩm phù hợp. New Zealand và Australia là 2 thị trường DN đang nhắm tới”, đại diện DN này cho biết. |
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các DN Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu NK từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các DN Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội. |
Một số chuyên gia kinh tế phân tích, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định RCEP. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa XK được hưởng ưu đãi. Cụ thể, để được hưởng ưu đãi theo FTA, các mặt hàng XK phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều DN không chứng minh được tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA còn bị ảnh hưởng bởi chi phí tuân thủ quy tắc xuất xứ. |
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP; yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản NK vào thị trường Trung Quốc. Thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc nên việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Do đó, các DN khó có thể tận dụng nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của thị trường Trung Quốc. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thách thức đặt ra là nguy cơ gian lận xuất xứ. Các quốc gia, đặc biệt Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu rất lớn. Trong khi đó, hiện nay chuyển tải bất hợp pháp, gia công đơn giản lấy xuất xứ Việt Nam là nguy cơ có thật. Phạm vi Hiệp định RCEP khá rộng, bên cạnh Trung Quốc mối nguy có thể gia tăng từ một số quốc gia khác. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cho đến các DN phải có ý thức cao hơn, cùng ngăn chặn, lên án hành vi gian lận xuất xứ, tránh gây tổn hại đến hoạt động XK nói chung cũng như tổn hại uy tín các mặt hàng XK của Việt Nam nói riêng. |
Để việc tận dụng Hiệp định RCEP hiệu quả, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đã và đang có sự vào cuộc tương đối đồng bộ. Điển hình có thể kể tới như, ngày 4/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP. Kế hoạch đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này; thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP tại Bộ Công Thương nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến Hiệp định. Tiếp đó, ngày 10/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 328/QĐ-TTg chỉ định cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định RCEP. Bộ Công Thương được giao làm đầu mối chủ trì thực hiện các Chương về: Quy tắc xuất xứ; phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ; cạnh tranh… Bộ Tài chính được giao làm đầu mối chủ trì thực hiện Chương về các thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại… |
Ở góc độ bộ, ngành, ngày 18/2/2022, thực hiện cam kết quốc tế trong Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP. Ngay đầu tháng 3/2022, Bộ này cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 – 2026, tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính là: xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP. Bên cạnh sự chuẩn bị, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởngViện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và RCEP nói riêng sẽ khó có thể được hiện thực hóa nếu thiếu sự chuẩn bị, đồng lòng và quyết tâm thực hiện của DN. Một điều kiện quan trọng là DN phải nắm rõ những nội dung cơ bản của RCEP; trên cơ sở đó, tính toán thành cơ hội và thách thức cho chính DN của mình. |