Triển khai thực hiện hoá đơn điện tử (HĐĐT) là một đột phá lớn của ngành Tài chính trong công cuộc đổi mới quản lý thuế nói chung và cải cách hành chính thuế nói riêng. Việc ra đời HĐĐT đã thổi một luồng sinh khí mới vào bức tranh quản lý tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đưa HĐĐT vào sử dụng, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, có các hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để trốn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước. Trước thực trạng này, ngành Tài chính đã và đang nỗ lực, phối hợp triển khai một loạt các giải pháp nhằm đấu tranh với các hành vi trục lợi ngân sách nhà nước thông qua gian lận HĐĐT. |
Cùng với đó, theo kết quả giám định của Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam (C09B, Bộ Công an) xác định, trên một số tài liệu, hợp đồng với đối tác nước ngoài của Thuduc House có hình dấu và chữ ký có cùng nguồn gốc nhưng đã bị chỉnh sửa. Kết quả điều tra, từ giữa tháng 12/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã bắt 20 đối tượng, thu giữ 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước. Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu thu giữ của đối tượng, doanh nghiệp có liên quan, cơ quan Hải quan xác định có 70 doanh nghiệp có liên quan đến vụ án, trong đó có cả những doanh nghiệp “ma”. Một số doanh nghiệp do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 30/12/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C03 đã họp và thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án về: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2018 đến năm 2020, đối tượng Trịnh Tiến Dũng (chủ mưu của vụ án hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo đồng phạm thành lập nhiều công ty “ma” ở Việt Nam và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động phạm pháp. Nhóm này lập khống hàng trăm hợp đồng xuất nhập khẩu mua bán lòng vòng linh kiện điện tử giả và nâng khống giá trị gấp nhiều lần để chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT thông qua 3 công ty trung gian. Trong đó, thông qua Thuduc House giúp chiếm đoạt 365 tỷ đồng của Cục Thuế TPHCM. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Trịnh Tiến Dũng, các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa. Sau đó, các công ty trong nước lập hồ sơ bán hàng đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. |
Tháng 10/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Phú Thọ) đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can trong đường dây mua bán trái phép HĐĐT, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với tổng số tiền hơn 25 nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng cho NSNN. |
Cụ thể, hai đối tượng cầm đầu đường dây là: Nguyễn Minh Tú, sinh năm 1992 (thường gọi là Hùng) cùng Võ Tấn Lộc, sinh năm 1997 (thường gọi là Long) ở phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức (TPHCM) đã thông qua ứng dụng Zalo để mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước (chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội), sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khoảng hơn 400 người có phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng khai thác trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho họ. Rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước đã mua HĐĐT của nhóm này. Bước đầu xác định, các đối tượng thu lời bất chính khoảng hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương 5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán). |
Nhận thấy có dấu hiệu rủi ro cao nên Cục Thuế Đồng Nai tiếp tục rà soát từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2023, phát hiện rất nhiều doanh nghiệp bán hàng cho LiOA Đồng Nai ngừng, nghỉ kinh doanh như trên. Trước tình trạng trên, Cục Thuế Đồng Nai chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ tháng 2 và tháng 3/2023 từ diện “hoàn trước, kiểm sau” sang diện “kiểm trước, hoàn sau”. Kết quả kiểm tra cho thấy LiOA Đồng Nai có dấu hiệu sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào không hợp pháp của 66 doanh nghiệp với trị giá gần 5.880 tỷ đồng, tương ứng với số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gần 588 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng tháng 2, tháng 3/2023, số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 60 tỷ đồng. Cục Thuế Đồng Nai đã phối hợp với chính quyền xác minh 9/13 doanh nghiệp cung cấp đồng phế liệu cho LiOA Đồng Nai thì 9/9 doanh nghiệp cung cấp hóa đơn cho LiOA Đồng Nai đều không có thật. Trước những dấu hiệu vi phạm trên, ngày 15/8/2023, Cục Thuế Đồng Nai đã chuyển hồ sơ của LiOA Đồng Nai qua cơ quan Công an để điều tra làm rõ. |
Trước tình hình gian lận trong sử dụng HĐĐT diễn biến phức tạp, Tổng cục Thuế và các cục thuế trong cả nước đã có cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp. Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các cục thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp có rủi ro về HĐĐT; rà soát, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp này. Theo danh sách, nhiều nhất là trên địa bàn TPHCM có 491 doanh nghiệp, Hà Nội có 33 doanh nghiệp. Cùng với việc rà soát hoá đơn của các DN có rủi ro về HĐĐT theo yêu cầu của Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương cũng chủ động, tích cực giám sát, kiểm tra, rà soát việc sử dụng hoá đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về HĐĐT trên địa bàn quản lý. |
Trên thực tế, do mức thu lợi lớn nên hiện tượng chào bán hóa đơn giá trị gia tăng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp đang diễn ra khá công khai trên Zalo, Facebook, Viber… Nhiều hội nhóm mua bán HĐĐT được lập ra thu hút sự tham gia của rất đông các thành viên. Khi mua hóa đơn khống, người bán còn hỗ trợ đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như: hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho với chi phí phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn với mức giá khá rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập. Thậm chí, các đối tượng còn đưa ra những chính sách trích hoa hồng để thu hút các cộng tác viên giới thiệu người cần mua hóa đơn giá trị cao, mở rộng hoạt động ra nhiều địa bàn. |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và được sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ngành Thuế đã nhận diện được các dấu hiệu bất thường, qua đó đấu tranh nhằm “lôi ra ánh sáng” các hành vi gian lận. Theo đó, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn khống. Một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng tham gia mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp gây thất thu cho NSNN. Hành vi, thủ đoạn của các doanh nghiệp này hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước, thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện. Các hành vi đó đã ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của cơ quan Thuế. Theo thống kê của Tổng cục Thuế tại Công văn 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023, riêng tại địa bàn thành phố Thủ Đức, hiện có 103 doanh nghiệp “ma” nằm trong danh sách 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống. Qua thực tế kiểm tra của Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức cho thấy, 103 doanh nghiệp này hiện đều không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong đó có không ít trường hợp doanh nghiệp sử dụng “chiêu” đăng ký địa chỉ kinh doanh “ảo” sai số nhà, sai tên phường… khiến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp khó khăn. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TPHCM đã ban hành thông báo cho hơn 21.000 doanh nghiệp để thực hiện rà soát, giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn liên quan đến các doanh nghiệp mà cơ quan chức năng đang xử lý về hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật. Ông Mai Long Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thủ Dầu Một, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình theo dõi công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế phát hiện có những doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ với mục đích bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Các doanh nghiệp trên thường có những dấu hiệu như giả mạo hồ sơ đăng ký, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan Thuế quản lý trực tiếp… Song các trường hợp này hầu hết đều khó phát hiện trên hệ thống khai báo điện tử, HĐĐT, chỉ bị phát hiện khi cơ quan kiểm tra, thanh tra thực tế tại doanh nghiệp. Bà Hà Thái Hạnh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM cho biết thêm, các doanh nghiệp này thường không có tài sản cố định, thuê một địa điểm làm văn phòng cho nhiều công ty, chỉ treo bảng hiệu nhưng không hoạt động, sử dụng giấy tờ, chữ ký giả để thực hiện tất cả mọi giao dịch, bán hóa đơn cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức cần hợp thức chi phí đầu vào đối với hàng hóa nhập lậu, trôi nổi hoặc hàng hóa cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất đá, cát sỏi, nông lâm, thủy hải sản, xăng dầu, thực phẩm… để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. |
Phát hiện, xử lý nghiêm gian lận HĐĐT là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Tài chính. Theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã nỗ lực quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, nhờ đó đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN, kiên quyết phòng chống gian lận và sử dụng HĐĐT giả mạo trái pháp luật và gian lận trong hoàn thuế GTGT. |
Tại Hội nghị triển khai công tác tài chính 6 tháng cuối năm 2023 được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ mong muốn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và cùng vào cuộc với Bộ Tài chính để kiên quyết xử lý hành vi gian lận trong sử dụng HĐĐT bất hợp pháp và hoàn thuế GTGT nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. |
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Công an tổ chức hội nghị phối hợp công tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực thuế, hải quan, an ninh tài chính. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất hai Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, chủ trương, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực thuế, đấu tranh với những phương thức, thủ đoạn trốn thuế, gian lận thuế. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với các pháp nhân, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế, nhất là các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, kinh doanh dịch vụ. |
Theo đại Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), hệ thống này áp dụng phân tích nâng cao trong công tác quản lý hóa đơn. Ví dụ, đối với xác định giá mua bán bất thường, công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc phân tích ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa, từ đó xác định hóa đơn có giá mua bán bất thường. Trên thực tế, hàng tỷ hóa đơn với đa dạng các hàng hóa, dịch vụ khác nhau, khi cần tập trung kiểm soát những hàng hóa trọng điểm rủi ro, công cụ sẽ giúp cơ quan Thuế lọc được những hóa đơn mua bán mặt hàng trọng điểm để phân tích chuyên sâu. Nhiều trường hợp gian lận hoàn thuế qua xuất khẩu đã nâng khống giá hàng hóa xuất khẩu gấp hàng chục lần. Do đó, kiểm soát giá bất thường giúp sàng lọc các trường hợp cần giám sát, giúp ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế. |
Để phòng chống gian lận HĐĐT trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tăng cường xử lý các trường hợp sai lệch khi đối chiếu dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế; triển khai kiểm soát HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn; tăng cường quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro. Theo đó, ngành Thuế nghiên cứu bổ sung thêm một số chức năng kiểm soát, đưa ra danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro gian lận hoặc người nộp thuế có liên quan đến các trường hợp nghi ngờ giúp quản lý người nộp thuế hoặc cảnh báo tới người nộp thuế; tăng cường kiểm soát hàng ngày để kịp thời phát hiện nhanh các nghi vấn liên quan tình hình sử dụng hóa đơn, kịp thời ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ xuất hóa đơn khống... Đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn theo Bộ chỉ số tiêu chí và quy trình ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-TCT và Quyết định số 575/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế nhằm đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn, giúp cơ quan Thuế phân tích thông tin, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao để chuyển sang hình thức sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan Thuế hoặc đưa vào diện kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn. |
Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng tiếp tục đề xuất sửa đổi nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp phải có quy định theo hướng người đại diện pháp luật phải được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; người đại diện pháp luật mà có vi phạm pháp luật thuế, là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và/hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, trường hợp muốn thành lập doanh nghiệp mới thì cần có chế tài xử lý cụ thể, tạm thời chưa cấp phép giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp mới và đưa ra các thông tin cảnh báo rủi ro, có biện pháp ngăn chặn. |