Chia sẻ với Tạp chí Hải quan, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, giai đoạn những năm 1990, để doanh nghiệp được thành lập, các loại hồ sơ, giấy tờ phải có 35 chữ ký, 30 con dấu khác nhau, cộng thêm nhiều khoản “bôi trơn”, khiến thời gian và chi phí thành lập doanh nghiệp cực lớn. Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty 1991 được ban hành, các cơ quan quản lý tiếp tục nhận thấy hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nên cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. TS. Lê Đăng Doanh cho biết thêm, phải đến khi Luật Doanh nghiệp vào năm 1999 ra đời, Luật này mới khởi xướng cắt giảm giấy phép con, xem xét về sự quản lý của bộ máy nhà nước. Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận một thực tế, Luật Doanh nghiệp năm 1999 là đóng góp rất lớn cho cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh ở nước ta, nhưng đã phải trải qua cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, thực thi pháp luật nghiêm túc, với một bên là bảo vệ lợi ích nhóm cho các bộ, ngành. |
TS. Lê Đăng Doanh |
Nhắc câu chuyện cũ để thấy được hành trình của công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được nhìn nhận từ rất sớm. Vì việc tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là “đòn bẩy” cho những kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam sau này.
Từ những thành quả đi trước, Việt Nam đã thực sự bước vào “đợt sóng” đầu tiên về cải cách thủ tục hành chính những năm 2007-2010. Điều này là nhờ Quyết định 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30). Nhiều đánh giá khẳng định, Đề án 30 là một điểm nhấn quan trọng để cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước có lòng tin vào công cuộc đổi mới của Việt Nam. |
Trong khuôn khổ Hội thảo ASEAN - OECD về cải cách quy định hành chínhvào tháng 11/2010, đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị, Việt Nam vẫn cần một chiến lược cải cách thể chế tổng thể để tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa các quy định. Ảnh: Chinhphu.vn |
Sau thời điểm nêu trên, những cải cách diễn ra có phần rải rác, nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp đều công nhận, giai đoạn 2016-2020 là “đợt sóng” cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh mạnh mẽ nhất. Giai đoạn này được đánh dấu bằng hàng loạt chương trình cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Điển hình như Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 đến nay… |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bây giờ là Chủ tịch nước) chủ trì phiên họp Chính phủ vào tháng 4/2016. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, qua nhiều năm triển khai, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình. Điểm nổi bật nhất, ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn vào tháng 4/2016, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, các bộ, ngành cần cần tập trung vào giải quyết ngay các nhiệm vụ cấp bách như giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp; bộ máy cồng kềnh, kỷ cương phép nước thực hiện chưa nghiêm… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm, dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính. Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói không đi đôi với làm Với quyết tâm này, vào tháng 5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó yêu cầu các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vì thế, trong 4 năm từ 2016-2019, Chính phủ đã có nhiều đợt rà soát về điều kiện kinh doanh, giúp hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, đơn giản hóa. Năm 2016 tổng rà soát ban hành hơn 50 nghị định về điều kiện kinh doanh; năm 2018, tổng rà soát với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất là 50% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành; năm 2019 yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh vẫn được đặt ra ở các bộ. Báo cáo đánh giá các quy định pháp luật năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong các đợt cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc phải bãi bỏ hoặc cụ thể hoá các điều kiện kinh doanh chung chung, định tính như "doanh nghiệp phải có trang thiết bị phù hợp", "người thực hiện phải có trình độ chuyên môn, nắm vững kiến thức…", "có đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu"… Theo VCCI, các quy định như vậy gây ra nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Nếu pháp luật quy định rõ ràng các điều kiện, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và tự tin nộp đơn, doanh nghiệp chắc chắn được cấp phép. Những kết quả cải cách này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên các xếp hạng thế giới như tại Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN… |
Doanh nghiệp được hoạt động thuận lợi hơn nhờ hàng nghìn rào cản về điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ. Ảnh: H.Dịu |
Nhờ những hành động nêu trên, báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do VCCI thực hiện từ năm 2017-2020 với khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã cho thấy rõ sự cải thiện không ngừng trong cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh. PCI năm 2017 cho biết, gánh nặng thủ tục hành chính có xu hướng gia tăng trong 5 năm trước 2017. Giai đoạn từ 2012 đến 2016 đã có sự gia tăng liên tục về số thời gian mà doanh nghiệp phải dành cho các hoạt động tuân thủ tục hành chính. Nhưng sang năm 2017 thì lĩnh vực này đã có sự cải thiện. Kết quả điều tra doanh nghiệp tại PCI 2017 cho thấy, 52% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản và 92% cho biết phí, lệ phí được công khai. Sang năm 2018, báo cáo PCI tiếp tục ghi nhận kết quả đầy khả quan, khi 68,9% doanh nghiệp được hỏi cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định. Tuy nhiên, thủ tục gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động. 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều tra PCI 2019 và mới nhất là năm 2020 tiếp tục cho thấy những chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính, từ cảm nhận của các doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố. Năm 2020, 66,5% doanh nghiệp cho biết “thủ tục, giấy tờ đơn giản” trong khi năm 2016 chỉ là 49,5%. 76% doanh nghiệp nhận thấy “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định” trong điều tra năm 2020, trong khi năm 2017 là 67%. Đặc biệt, xét theo chuỗi thời gian từ năm 2015 đến 2019, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá phiền hà đã giảm đi như thuế, phí, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường và đăng ký doanh nghiệp. Mới đây, Sách Trắng 2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đánh giá, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã liên tục cải cách quy định pháp luật trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế. |
Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham từ 2020-2021 |
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều quy định, điều kiện kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp; có sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước khác nhau khi thực hiện vai trò quản lý đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến chậm, chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra… Đơn cử, yêu cầu phải có “phương án kinh doanh” tại thời điểm xin cấp giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo nhiều doanh nghiệp, đây là điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, ít ý nghĩa và chưa minh bạch. Bởi “phương án kinh doanh” có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, chiến lược, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, nó có thể thay đổi ngay sau thời điểm được cấp phép, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không có cơ chế nào kiểm soát điều này. |
Riêng với ngành Hải quan, trong nhiều năm qua, thủ tục hành chính đã có sự thay đổi vượt bậc. Theo Tổng cục Hải quan, liên quan đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến nay, toàn Ngành đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện. Trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet. Theo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% Cục Hải quan và 100% Chi cục Hải quan.Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện trực tiếp hoặc bằng máy móc, thiết bị, các biện pháp khác, trong đó có biện pháp kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi.Thủ tục hải quan được đơn giản hóa, pháp luật hải quan đã tạo cơ sở thay đổi cơ bản phương pháp quản lý đối với một số loại hình, đơn giản hóa hồ sơ hải quan, bãi bỏ một số thủ tục hành chính, xác định rõ hồ sơ hải quan đối với từng loại hình xuất nhập khẩu. Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan tham mưu, giúp Bộ Tài chính thường xuyên chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành; rà soát áp mã số HS đối với các danh mục chuyên ngành của các Bộ, ngành; rà soát chi tiết các mặt hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Năm 2019, số lượng tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1% (cuối năm 2015 là 30-35%). Trước năm 2014, cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan thông qua các hình thức điện tử, nộp trực tiếp hồ sơ giấy, qua đường bưu chính. Từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đưa vào vận hành hệ thống VNACCS/VCIS, vì vậy số lượng hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện chủ yếu trên hệ thống này, đến nay chiếm khoảng 99,6%. |
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Q.Hùng |
Vào đầu tháng 12 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định 2764/QĐ-TCHQ về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, tập trung vào 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đặc biệt, để giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, đồng thời tích cực phát huy vai trò chủ trì, đầu mối trong triển khai cơ chế một cửa, cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành… Trong đó, cơ quan Hải quan đang tích cực, tập trung triển khai Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để làm cơ sở pháp lý triển khai các nội dung cải cách tại Đề án. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính trong 1 năm tiết kiệm gần 1.400 tỷ đồng (xấp xỉ 60,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế. |
|
Năm 2020 và 2021, kinh tế Việt Nam và thế giới bị “phủ bóng” bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh không hề dừng lại. Không những thế, làn sóng thứ 3 này còn được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn giai đoạn trước với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 vào ngày 12/5/2020 (Nghị quyết 68). Theo đánh giá, đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách các quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể: trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Do đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, các bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 68 và lập Danh mục thống kê các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. |
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2021, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các doanh nghiệp đều kỳ vọng càng giúp công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh thêm hiệu quả. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến; các thủ tục khởi sự kinh doanh được thực hiện theo phương thức liên thông; bãi bỏ yêu cầu về bổ sung quy hoạch và xác nhận phù hợp quy hoạch điện lực khi doanh nghiệp thực hiện việc cấp điện; thời gian cấp phép xây dựng được rút ngắn, thực hiện đồng thời cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… Luật Đầu tư 2020 đã giải quyết phần lớn những mâu thuẫn, chồng chéo trong trình tự thủ tục đầu tư giữa Luật này và các luật chuyên ngành khác; rút ngắn thêm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227 danh mục…
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo (hàng năm thường lấy tên là Nghị quyết 02), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tiếp tục cách tiếp cận lựa chọn cải cách theo chuẩn mực quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sửa đổi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là yêu cầu thường xuyên trong quan lý nhà nước theo từng giai đoạn. Công tác này khó tránh khỏi sự thiếu cấn đối giữa các nhiệm vụ về bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm soát, quản lý hành chính nên cần phải xác định theo chuẩn mực quốc tế để tạo áp lực cho cải cách mạnh mẽ hơn, cũng như giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan hơn. |
Hiện Chính phủ đã xác định quan điểm “sống chung với dịch bệnh”, giải pháp ngắn hạn là các gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ đã được ban hành cơ bản đầy đủ. Nhưng chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho hay, bên cạnh việc thiết lập chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, thời gian đủ dài đến năm 2022-2023, các doanh nghiệp cần sự đồng hành, vào cuộc trong việc cải thiện những “nút thắt” về thủ tục nhận hỗ trợ, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động thông thoáng hơn. Nhưng trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, trong đó đều nhấn mạnh đến yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… TS. Võ Trí Thành cũng nhận định, Việt Nam cần đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới, hoàn thiện môi trường kinh doanh với những mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ hội nhập... |
Trong Thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền. Rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 đi cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh: VGP |