Ngày 17/5/2011, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Sau hơn 10 năm quyết liệt cải cách, đến nay, "diện mạo" của ngành Thuế đã không ngừng thay đổi theo hướng tích cực. Điều này được thể hiện không chỉ ở những điều "mắt thấy, tai nghe" mà còn ở cả những con số "biết nói". Cùng Tạp chí Hải quan nhìn lại những kết quả đáng ghi nhận mà ngành Thuế đạt được trong giai đoạn vừa qua! |
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 tập trung vào các mục tiêu tổng quát bao gồm: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hoá cao. |
"Lấy người nộp thuế làm trung tâm cải cách" là mục tiêu xuyên suốt trong qúa trình thực hiện cải cách hành chính của ngành Thuế trong giai đoạn vừa qua. Kết quả đạt được như thế nào thì chỉ có người dân, doanh nghiệp - những đối tượng chịu tác động trực tiếp của công cuộc cải cách này cảm nhận và hiểu rõ nhất. Chị Nguyễn Hải Yến, kế toán Công ty TNHH kết cấu thép Vsteel, Hà Nội có 6 năm công tác tại vị trí kế toán của doanh nghiệp nhận xét, thời gian qua, ngành Thuế đã thực hiện cải cách hành chính nhanh đến "chóng mặt" khi liên tục hỗ trợ, động viên, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện điện tử hoá các khâu khai, nộp, hoàn thuế, sử dụng hoá đơn điện tử... Nhờ vậy, việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp ngày càng nhanh gọn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. "Khi tôi bắt đầu công việc kế toán cũng là lúc công ty triển khai đăng kí khai thuế điện tử. Lúc này, quy trình thực hiện đã khá nhanh gọn. Tuy nhiên, công đoạn nộp thuế vẫn còn khá gian nan bởi mỗi khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hay quyết toán thuế thu nhập cá nhân thường tốn khá nhiều thời gian và chi phí đi lại. Đến cơ quan Thuế xếp hàng lấy số, mang theo một tập hồ sơ dày bao gồm cả hóa đơn chứng từ, rồi trao đổi với cán bộ thuế... Cũng có không ít lần hồ sơ chứng từ còn có sai sót hoặc chưa đầy đủ, tôi phải đi lại rất nhiều lần", chị Yến chia sẻ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, khi việc nộp thuế điện tử được "phủ sóng" đến hầu hết doanh nghiệp và các yếu tố như đường truyền, các bước thực hiện được ngành Thuế liên tục nâng cấp, cải cách, những kế toán như chị Yến đã nhàn hơn rất nhiều. Chính việc điện tử hóa các giao dịch thuế đã khiến bộ mặt của ngành Thuế hoàn toàn thay đổi trong mắt người nộp thuế và việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước trở nên công khai, minh bạch hơn. |
Nếu như những năm 2015 trở về trước, các thủ tục hành chính thuế còn khá nhiều công đoạn "thủ công" như đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thì từ năm 2015, khi Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) được đưa vào vận hành trên phạm vi toàn quốc, các dịch vụ thuế trên đã từng bước được điện tử hóa trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tự động, cán bộ thuế thay vì phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm bằng tay như trước kia thì nay chỉ phải làm công việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả. |
Nhìn vào kết quả cắt giảm các thủ tục hành chính cũng như tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai, nộp thuế điện tử có thể hình dung được sự thuận tiện mà ngành Thuế đã nỗ lực dành cho người nộp thuế như thế nào. Những thủ tục hành chính - phương tiện để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước - ngày càng đơn giản, gọn nhẹ và hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp, người dân với cán bộ thuế, từ đó giảm bớt tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà. Không phải ngẫu nhiên mà mức độ tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp được nâng cao lên hàng năm (theo đánh giá của Tổng cục Thuế). |
Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu do Tổng cục Thuế tổ chức cuối năm 2020, ông Lê Thành Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) nói: Trong quá trình suốt 30 năm qua, ngành Thuế đã đồng hành với doanh nghiệp nói chung và Vinamilk nói riêng. Công tác tuyên truyền hỗ trợ chính sách thuế được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức, phục vụ công tác chấp hành nghĩa vụ thuế tốt hơn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế mà cụ thể là việc áp dụng hệ thống khai, nộp thuế điện tử đã giúp Vinamilk có thể dễ dàng kiểm soát thông tin. Đặc biệt, gần đây, việc áp dụng hoá đơn điện tử đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong chuỗi bán hàng, có thể nhanh chóng kiểm soát chính xác doanh số, hàng năm tiết kiệm từ 4-5 tỷ đồng so với việc áp dụng hoá đơn giấy. |
"Tìm được giám đốc doanh nghiệp khó lắm" Cho dù ngành Thuế có phát triển ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ đến mức nào đi nữa thì đâu đó vẫn có những "điểm nghẽn" buộc phải dùng đến "sức người". Trong một chuyến đi công tác tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên, phóng viên được nghe cán bộ thuế nơi đây kể về công cuộc vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sử dụng các ứng dụng thuế điện tử và công tác quản lý thuế đầy gian nan. Nậm Pồ là một huyện miền núi có trung tâm cách TP Điện Biên hơn trăm cây số, trong đó, có những xã để có thể đến được đó phải đi mất nửa ngày trời do đường núi hiểm trở, khó đi. Trong khoảng thời gian năm 2015, khi toàn Ngành bắt đầu triển khai các ứng dụng thuế điện tử, trên địa bàn này chỉ có hơn 10 doanh nghiệp với quy mô cực nhỏ nhưng cán bộ thuế của huyện vẫn quyết tâm vận động, hỗ trợ họ tham gia khai thuế điện tử. “Tìm được giám đốc doanh nghiệp khó lắm, có khi họ ở tít trên núi, mời họ về cũng khó, may thì gặp được kế toán” - một cán bộ thuế huyện Nậm Pồ chia sẻ. Kiên trì, nhẫn nại, sau một thời gian dài, Chi cục Thuế huyện Nậm Pồ cuối cùng cũng hoàn tất việc vận động doanh nghiệp tham gia dịch vụ khai thuế điện tử theo chủ trương của Ngành. |
"Bất cứ khi nào có chính sách mới, email, tin nhắn của tôi luôn "bị spam" bởi những thông tin ngắn gọn, súc tích và cụ thể của cơ quan Thuế". Đó là chia sẻ của một người nộp thuế khi nói về công tác tuyên truyền hỗ trợ của ngành Thuế. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển, đến nay, hoạt động tuyên truyền của ngành Thuế ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người nộp thuế và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Người nộp thuế được hỗ trợ kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, giải đáp các vướng mắc thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ trực tiếp qua bộ phận “một cửa” tại cơ quan Thuế các cấp, bằng văn bản, định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại, hội thi tìm hiểu chính sách thuế hoặc hỗ trợ bằng hình thức điện tử trực tuyến để người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế. |
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cùng kích hoạt hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế vào ngày 5/10/2020. |
Trước thực tế số lượng người nộp thuế tăng lên đến hàng chục triệu với đủ thành phần như cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn..., Tổng cục Thuế đã thực hiện phân loại người nộp thuế để áp dụng các hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng (nhóm hộ kinh doanh cá thể; nhóm cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân; nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ; và nhóm các doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài thuộc từng nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...) như: mở chuyên trang, chuyên mục về thuế trên các đầu báo lớn; tổ chức giao lưu trực tuyến trên các kênh truyền hình, đài tiếng nói, cổng thông tin điện tử về những vấn đề dư luận quan tâm… Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng liên tục tổ chức các "Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế" để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; công khai thông tin về thủ tục hành chính thuế và quy trình giải quyết thủ tục hành chính thuế theo cơ chế “một cửa” trên website Tổng cục Thuế, Cục Thuế và tại trụ sở cơ quan thuế các cấp để tất cả mọi người cùng nắm bắt. Đến nay, công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đã từng bước được điện tử hóa thông qua Hệ thống thông tin do ngành Thuế thiết lập (eTax). Đây là hệ thống được thiết lập thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 415 chi cục thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục, hỗ trợ người nộp thuế 24/7. Các câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế sẽ được chuyển tới 479 kênh thông tin, căn cứ mã số thuế do người nộp thuế cung cấp, hệ thống sẽ chuyển vướng mắc về cơ quan thuế quản lý trực tiếp để giải đáp kịp thời. "Chưa bao giờ tiếp cận với chính sách thuế dễ dàng đến như vậy" là nhận xét của rất nhiều người nộp thuế ở thời điểm hiện tại. |
Một trong những mục tiêu trọng tâm của chiến lược cải cách ngành Thuế trong suốt giai đoạn 2010-2020 là tăng trưởng thu, đưa thuế nội địa đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn vào ngân sách nhà nước. Và chính nhờ những cải cách hành chính, sự đồng thuận trong toàn Ngành và sự hợp tác, hưởng ứng của người nộp thuế mà kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế tăng đều qua từng năm. Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 có thể thấy có rất nhiều biến động, diễn biến phức tạp tác động đến số thu. Thế nhưng, mỗi khi Tổng cục Thuế nhận định đang ở thời điểm khó khăn trong công tác thu thì toàn Ngành lại thể hiện rõ quyết tâm gỡ khó. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020 - năm cuối của thời kỳ thực hiện Chiến lược cải cách - đại dịch Covid-19 với sức tàn phá nặng nề đã bùng phát tại Việt Nam và lan rộng trên khắp toàn cầu khiến kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng chưa từng có, kinh tế Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thêm vào đó, thiên tai, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề về người và của khiến kinh tế của Việt Nam khó càng thêm khó. Vào thời điểm gần hết quý 2/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã phải thừa nhận rằng công tác thu ngân sách của Ngành đang hết sức khó khăn và mục tiêu của Ngành chỉ là "hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất" thay vì phấn đấu thu vượt dự toán được giao như đầu năm. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, bằng nhiều kế hoạch và biện pháp quyết liệt cụ thể, vừa động viên, hỗ trợ người nộp thuế bằng những chính sách gia hạn, hỗ trợ (tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP hay Nghị quyết 42/2020/NQ-CP), vừa cương quyết quản chặt các nguồn thu, đến cuối năm 2020, ngành Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách mà Quốc hội, Bộ Tài chính giao, tạo tiền đề quan trọng cho công tác thu năm 2021. |
Infographic về tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế thực hiện trong 10 năm, tỷ trọng thu nội địa giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. |
Cứ nghĩ, ngành Thuế cải cách càng mạnh thì công tác quản lý thuế càng đơn giản hơn nhưng thực tế không phải vậy. Có đi tận nơi, nhìn tận mắt và lắng nghe câu chuyện của cán bộ thuế tại các địa phương mới thấy hết được sự gian nan, vất vả của các anh, chị làm công tác thuế tại nơi đây trong công tác thu hồi nợ thuế. Đơn cử như tại Cục Thuế Lai Châu. Đó là thời điểm cuối năm, chúng tôi có mặt tại nơi đây và được chứng kiến cảnh bận rộn, khẩn trương của tất cả cán bộ nhân viên trong Cục. Hỏi ra mới biết, mọi người đang được trưng tập để đi thu hồi nợ thuế, bất kể bộ phận nào, công nghệ thông tin, quản lý nợ hay tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bởi việc đòi nợ thuế không chỉ ngày một, ngày hai mà kéo dài hàng tuần, có khi ròng rã cả tháng trời. Lãnh đạo phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế của Cục thuế Lai Châu kể cho chúng tôi nghe về nỗi vất vả thu hồi nợ thuế tại huyện Mường Tè – địa bàn cách thành phố Lai Châu hơn trăm cây số. Cả đoàn thường phải mất hàng tuần dưới địa bàn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Cá biệt, có những doanh nghiệp không chịu hợp tác, gọi điện thoại không nghe, đoàn công tác phải mất nhiều thời gian đi lại mới có thể làm việc được với các bên liên quan. Đã vậy, doanh nghiệp lại phân tán trên địa bàn rộng nên việc tìm được doanh nghiệp cũng không phải là dễ. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp xây dựng cơ bản, trong khi phần vốn bố trí cho doanh nghiệp thường chậm dẫn tới chậm thanh toán nên các doanh nghiệp cũng không có nguồn để nộp thuế. Lúc đó cơ quan Thuế kết hợp với công an thì cũng không thu được. Đây cũng là một trong những khó khăn thách thức mà các cục thuế địa phương thường gặp phải và nỗ lực để vượt qua.
|
Như vậy, để có kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp; sự nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế của đại bộ phận các doanh nghiệp, cá nhân trong cộng đồng người nộp thuế. Đặc biệt, đó còn là kết quả của sự phấn đấu, nỗ lực không ngơi nghỉ của cán bộ công chức toàn ngành Thuế trong cải cách hành chính, thay đổi bản thân để ngày càng đáp ứng tốt hơn các giá trị đã cam kết trong Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam là "Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới". |
Để có kết quả thu ngân sách nhà nước ấn tượng như trên, một phần quan trọng không thể thiếu là sự hỗ trợ của hệ thống chính sách pháp luật về thuế ngày càng được hoàn thiện. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành 01 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội; 7 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 57 Thông tư. |
Nổi bật trong đó phải kể đến việc Tổng cục Thuế đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 (thay thế cho Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế theo hướng toàn diện, thống nhất. Đến nay, sau 1 năm có hiệu lực, cùng với hệ thống Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể, Luật Quản lý thuế sửa đổi đang từng bước đi vào cuộc sống với nhiều nội dung quan trọng, nổi bật như: tăng cường công tác quản lý thuế trên cơ sở hiện đại, hiệu lực hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng quyền của người nộp thuế, kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân; siết chặt hành động chuyển giá của doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng... Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, ngành Thuế đã và đang tăng cường cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin để quản lý thuế đối với nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài cũng như nhà cung cấp trong nước và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Điều này được kì vọng sẽ tránh thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hơn nữa, trong những giai đoạn khó khăn, ngành Thuế cũng đã cùng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) xây dựng những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nghiêm túc triển khai thực hiện. Đơn cử như chính sách gia hạn tiền thuế năm 2020 và năm 2021; chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong năm 2020... Từ đó, tạo tiền đề cho người nộp thuế vượt khó, tiếp tục có "lực" để phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Trong những năm qua, Bộ Tài chính, trong đó có Tổng cục Thuế là những đơn vị tiên phong đưa ra công thức sửa đổi Luật, Nghị định ở Việt Nam. Đó là 1 Luật sửa nhiều Luật, 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định, 1 Thông tư sửa nhiều Thông tư. Vì vậy, trong quá trình cải cách của ngành Thuế không chỉ là quá trình ngành Thuế thúc đẩy cải cách của mình mà còn đưa ra một thực tiễn tốt về cách tiếp cận phương pháp luận cải cách quản lý nhà nước ở Việt Nam. Trong chính sách cải cách, ngành Thuế đã rất chú trọng đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, tạo điều kiện cho khu vực này thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngành thuế cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ những nỗ lực bền bỉ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, đến các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp. Tôi lần đầu được chứng kiến một đơn vị cùng ngồi trao đổi, phối hợp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh từng điều, từng thông tư, dự thảo Luật. Đây rõ ràng là cách tiếp cận cách thức quản lý mới đáng trân trọng, giúp cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ thuận lợi trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế. |
Trong giai đoạn 2011-2020, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin thì yếu tố nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng và then chốt đối với ngành Thuế. Hiện nay, bộ máy quản lý thuế đã được cải cách theo hướng tinh gọn đầu mối, khoa học, hiệu quả, đảm bảo tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ của cơ quan Thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo nguyên tắc tập trung thống nhất. |
Đến thời điểm hiện tại, ngành Thuế đã kiện toàn, tinh giảm bộ máy ở tất cả các cấp Tổng cục, Cục Thuế và Chi cục Thuế. Theo đó, giảm cơ cấu cấp phòng tại các vụ/đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục; giảm số lượng các phòng tại các Cục; sáp nhập tinh giảm đầu mối các Chi cục. Việc phân bổ lại nguồn nhân lực theo nguyên tắc ưu tiên biên chế cho những địa bàn trọng điểm, số thu lớn, số đối tượng nộp thuế nhiều. Ngành Thuế cũng đã tăng cường nguồn lực cho chức năng quản lý thuế chính, đặc biệt là chức năng thanh tra, kiểm tra thuế. |
Đến nay, mô hình mới của ngành Thuế ngày càng gọn nhẹ nhưng nhiệm vụ thu thuế - nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách nhà nước vẫn luôn được bảo đảm và tăng thu qua từng năm cho thấy ngành Thuế đang đi đúng hướng. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn: "Việc triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao. |
Sau 10 năm triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, Tổng cục Thuế đang triển khai kế hoạch xây dựng dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Trong chiến lược giai đoạn mới này, ngành Thuế sẽ tập trung cùng Bộ Tài chính và cả nước tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. |
Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung triển khai thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030) với 2 mục tiêu: Thứ nhất, đổi mới, đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Thứ hai, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số. |
PGS.TS. Lê Xuân Trường- Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính: "Để có thể hoàn thành những mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, ngành Thuế cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, đảm bảo việc kê khai thuế, nộp thuế điện tử được đơn giản và dễ dàng nhất. Phấn đấu đến năm 2022, 100% bộ thủ tục hành chính thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia ở cấp độ 4 và nâng lên mức độ cao hơn vào những năm tiếp theo. Cùng với đó, ngành Thuế cũng cần hoàn thiện việc kết nối thông tin tự động quản lý thuế với các cơ quan nhà nước, chậm nhất vào năm 2025; hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất; tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Đặc biệt, cần nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dự báo thu hiện đại, tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo thu ngân sách của Việt Nam. |
Nội dung và Ảnh: Thùy Linh Thiết kế: Hoàng Anh Infographics: Phương Anh |