|
Trở lại bối cảnh tháng 4/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh lần thứ 4 đã gây tác động tiêu cực trên diện rộng. 23 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Điều này đã gây ra những tổn thất lớn trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Thời điểm đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin còn rất khiêm tốn trong khi các chủng virus mới liên tiếp xuất hiện, để lại những mất mát lớn về người và của. Các phương án làm sao để có tiền mua đủ vắc xin tiêm chủng diện rộng cho người dân luôn là nỗi đau đáu của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn. Thế rồi, ý tưởng thành lập quỹ để huy động nguồn lực tài chính trong xã hội để có thêm tiền mua, nhập khẩu, sản xuất vắc xin phục vụ công tác phòng chống dịch đã nhen nhóm. |
Dịch bùng phát gây tổn thất lớn thúc đẩy ý tưởng hình thành Quỹ vắc xin. Ảnh: ST. |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tài chính ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 ra đời nhanh chóng có một phần đóng góp không nhỏ của Bộ Tài chính. Theo chia sẻ của Thủ tướng, đêm hôm trước Thủ tướng Chính phủ gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Tài chính về ý tưởng thành lập quỹ thì ngày hôm sau, Bộ Tài chính với vai trò tham mưu đã có ngay tờ trình về việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Thủ tướng khẳng định, ông đánh giá rất cao điều này. Quỹ Vắc xin đã huy động sức mạnh toàn dân để phòng chống dịch Covid-19, giúp huy động thêm nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống Covid-19, nhưng quan trọng nhất là nó thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp khi chúng ta gặp khó khăn. |
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ trong đêm ngày 18/5/2021, với vai trò là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương, tích cực chuẩn bị nội dung, phối hợp với các cơ quan liên quan gấp rút hoàn thiện hồ sơ. Và ngay trong ngày hôm sau, ngày 19/5, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 và dự thảo Quyết định thành lập Quỹ. Theo tờ trình của Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc xin phòng Covid-19, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) chia sẻ: “Sau khi nhận được chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Vụ Ngân sách nhà nước đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị để ngay ngày hôm sau đã có tờ trình trình lên Bộ Tài chính và Bộ trưởng đã ký trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để tổng hợp nội dung, hoàn thiện tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng dự thảo thông tư về hướng dẫn cơ chế tài chính của Quỹ”. |
Một tuần sau khi nhận được tờ trình của Bộ Tài chính, ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và giao cho Bộ Tài chính quản lý Quỹ. Ngay sau đó, ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTC về việc thành lập Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 để triển khai Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19. Với nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Quỹ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện vận động, quyên góp, tiếp nhận, vinh danh các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ cho Quỹ; quản lý thu, chi kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tới ngày 2/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19. |
Tối 5/6/2021, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Như vậy, kể từ khi hình thành ý tưởng đến lúc ý tưởng trở thành hiện thực chỉ gói gọn trong 3 tuần. Đây có thể nói là một trong những bước đi thần tốc chưa từng có trong lịch sử đối với một quyết định có tính sống còn: bảo toàn tối đa sinh mệnh của người dân. Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh: Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương. Đồng thời yêu cầu đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết. |
Phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Đồng tiền trong Quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân, do đó Bộ Tài chính phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng Quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ xuất Quỹ kịp thời để Bộ Y tế mua vắc xin về phục vụ nhân dân. Bộ Tài chính sẽ công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. |
Ngay từ khi Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 được thành lập, không chỉ doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân trên mọi miền của Tổ quốc đều đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp cho Quỹ. Làn sóng, phong trào ủng hộ không ngừng lớn mạnh và lan xa. Những con số của Quỹ liên tục được cập nhật với niềm vui, sự hy vọng của cộng đồng, lan tỏa mãi. Có những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ở nước ngoài đã trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp... Mỗi đóng góp, dù từ vài trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức hay vài chục nghìn đồng của các em nhỏ, học sinh, sinh viên hay người già… đều được thấu hiểu và trân quý. Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ, chung tay với Chính phủ lo cho người dân và cũng sẵn sàng chi phí tiêm phòng cho người lao động trong doanh nghiệp. |
Nhiều cá nhân tích cực đóng góp ủng hộ quỹ. Ảnh: ST |
Vào thời điểm giữa năm 2021, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại nhiều nhất. Phan Mỹ Linh (hướng dẫn viên du lịch Công ty lữ hành PSY Travel) cũng như rất nhiều người làm việc trong ngành này đã phải nghỉ việc. Khi đó, Linh đã phải cầm cự bằng việc buôn bán những món ăn vặt trên mạng xã hội để có tiền trang trải, sống qua ngày. Thế nhưng ngay khi Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 ra đời, Linh đã ngay lập tức kêu gọi bạn bè trên Facebook cùng tham gia ủng hộ. Chính bản thân Linh và gia đình cũng đã dùng những khoản tiền dành dụm cuối cùng của mình để gửi tới Quỹ. Linh chia sẻ: "Mình chỉ mong muốn bản thân mình và tất cả những người xung quanh có thể nhanh chóng được tiêm vắc xin, được hoạt động trở lại bình thường, được khoẻ mạnh để làm việc và cống hiến. Vắc xin lúc này là liều thuốc quý giá và là con đường nhanh nhất để những hướng dẫn viên như chúng mình có thể được làm việc trở lại. Hơn hết, gia đình, con cái đều được mạnh khoẻ". |
Các địa phương đóng góp ủng hộ Quỹ). Ảnh: Thùy Linh |
Hay như trường hợp của bà Cao Thị Long (74 tuổi, ngụ tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), ngay sau khi nghe được lời kêu gọi ủng hộ cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bằng Luân qua loa phát thanh, bà đã mong muốn được chia sẻ tấm lòng của mình trong công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 của cả nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do thu nhập duy nhất của bà chỉ đến từ lương hưu, điều kiện gia đình cũng không dư dả nên bà đã mong ngóng từng ngày cho đến kì nhận lương hưu để có thể ủng hộ. "Lương hưu hàng tháng của tôi hiện là hơn 3 triệu đồng. Hơn 20 ngày sau khi nghe được lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, đến ngày mùng 5 đầu tháng, vừa nhận được được lương tôi đã lập tức mang toàn bộ số tiền đó đi ủng hộ. Của ít lòng nhiều, tôi chỉ mong cả nước sớm qua "cơn hoạn nạn", con cháu chúng tôi được tiêm đầy đủ vắc xin và luôn luôn mạnh khỏe", bà Long tâm sự. Có thể thấy, ngay từ khi Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 chính thức được thành lập, những thông tin liên quan đến Quỹ luôn được quan tâm, theo dõi sát sao bởi hàng chục, hàng trăm triệu người dân trong và ngoài nước. Với trách nhiệm và sự tự nguyện, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân từ vùng núi tới đồng bằng, miền biển; từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa; từ trong nước đến ngoài nước, người dân Việt Nam đã tự nguyện góp một phần sức lực, vật chất của mình cho công tác phòng chống dịch với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Chưa bao giờ, tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” mạnh mẽ như lúc này. Dường như, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống “tương thân, tương ái” và sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc lại được phát huy cao độ. Trong thời chiến, người dân Việt Nam đã từng san sẻ, thực hiện “hũ gạo kháng chiến” thì nay, trong thời bình, tinh thần ấy lại được nhân lên. Mỗi cá nhân có điều kiện hơn, ngoài phần đóng góp cho mũi tiêm của mình thì còn đóng góp thêm mũi tiêm cho những người có điều kiện khó khăn hơn, những người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong cuộc chiến chống Covid-19 này, sẽ không một người dân Việt Nam nào “bị bỏ lại phía sau". |
Bên cạnh hiệu quả trong công tác huy động nguồn lực, việc Chính phủ cam kết "bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết" được dư luận đánh giá cao. Về bản chất, Quỹ vắc xin không chỉ là nơi nhận tiền và chi tiền mà còn là nơi lưu giữ sự nhân ái, niềm tin, tinh thần sẻ chia, sự kết nối trái tim của người đóng góp. Cam kết đó đã được Bộ Tài chính cụ thể hóa bằng Thông tư số 41/2021/TT-BTC. Theo đó, Quỹ vắc xin sẽ công khai báo cáo tài chính hàng tháng, sáu tháng, cả năm và báo cáo quyết toán Quỹ. Các nội dung công khai bao gồm: số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại… Có thể khẳng định, việc sử dụng hiệu quả cũng là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Chính phủ (Bộ Tài chính) với đóng góp của người dân. Chính điều này đã giúp cho Quỹ thu hút thêm nhiều nguồn lực hơn nữa và người dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự điều hành của Nhà nước cũng như hoạt động của Quỹ. |
Nhiều doanh nghiệp lớn đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 |
Đáng chú ý, trong suốt thời gian Quỹ hoạt động, tất cả các ngân hàng thương mại và sở giao dịch của Kho bạc Nhà nước tham gia mở tài khoản cho Quỹ đều không thu lợi về tài chính, bởi lẽ tất cả số huy động vào các ngân hàng thương mại đến cuối ngày phải chuyển hết về sở giao dịch của Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước chuyển sang Ngân hàng Nhà nước với lý do lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cao hơn các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại này đều miễn phí giao dịch chuyển tiền. Đây là sự chung tay rất lớn của các ngân hàng thương mại. Có thể nói, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 là một Quỹ rất đặc biệt. Số tiền trong Quỹ chỉ có tăng chứ không giảm và bất cứ các hoạt động nào không liên quan đến việc mua - sản xuất - tiêm vắc xin đều không được "động" vào tiền của Quỹ. |
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bao phủ tiêm vắc xin cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng - một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới. Đây là điều rất quan trọng để bảo vệ tính mạng người dân và điều này cần tiếp tục được thúc đẩy thời gian tới. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 đã phát huy được vai trò, sức mạnh của mình. Chúng ta mong chờ rằng một Việt Nam thực sự "bình thường mới" sẽ không còn xa và Covid-19 sẽ không còn là đại dịch nữa. |