Trong "Đối thoại 2045" vào đầu tháng 3/2021 tại TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy còn là Thủ tướng Chính phủ, đã nhắc đến lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "Mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang". Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đó là tinh thần tuyệt vời của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Nhưng theo các doanh nghiệp, tinh thần và niềm tin là điều kiện đủ, điều kiện cần là sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ các cơ quan quản lý để doanh nghiệp được tiếp thêm sức mạnh vượt khó, phục hồi sản xuất và kinh doanh. |
Cuối năm 2019, thế giới đều bàng hoàng và sửng sốt trước căn bệnh viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó chính thức được gọi tắt là dịch Covid-19 và lây lan khắp toàn cầu. Tại Việt Nam, ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1/2020, tới nay, sau hơn một năm rưỡi hoành hành, hàng loạt doanh nghiệp, nặng thì đổ sụp, nhẹ thì sụt giảm kinh doanh, “vừa vừa” thì lợi nhuận đi ngang. Chỉ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, y tế, hóa chất… có cơ hội bứt lên, nhưng với những doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, vận tải… thì gần như đều bị “quật ngã”. Các doanh nghiệp đều nhận định, Covid-19 là một rủi ro không ai có thể tưởng tượng ra và nghĩ tới. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, hoạt động của họ trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp lao dốc khi người tiêu dùng phải hạn chế ra khỏi nhà để bảo vệ sức khỏe hoặc tuân thủ lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt của chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều thị trường xuất khẩu hàng đầu trong chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia như Mỹ, EU… bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tình trạng đình trệ sản xuất tại nhiều công xưởng nguyên phụ liệu như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng khiến nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp Việt Nam bị đứt gãy. Vì thế, những doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày – những ngành hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam đều ảnh hưởng nặng nề. |
Tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp. |
Tuy khó khăn là thế, nhưng trong câu chuyện với nhiều bạn bè và chuyên gia quốc tế, họ đều ca ngợi Việt Nam phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. "Mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội đã liên tục được Chính phủ nhắc đến trong mọi chỉ đạo, trong các cuộc họp với bộ, ngành, địa phương… để tất cả phải chấp hành và thực hiện. |
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,7% vào năm 2021 và 7,0% vào năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Lạm phát sẽ được kiểm soát, mặc dù dự kiến sẽ tăng lên 3,8% trong năm nay và 4,0% vào năm 2022 do giá dầu quốc tế tăng do kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước tăng. |
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam: Trong bối cảnh khó khăn chung thì hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam vẫn khả quan hơn, nhờ các hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19 bắt đầu từ năm 2020. Các thành viên của EuroCham cũng lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tất nhiên, dịch Covid-19 quay lại gần đây có thể làm giảm phần nào sự lạc quan này, nhưng số đông doanh nghiệp châu Âu vẫn có niềm tin vào khả năng Việt Nam vượt qua cơn bão này và trở lại mạnh mẽ một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Những nhân tố đóng góp vào sự phát triển thành công của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 là nền tảng từ nhiều năm trước. Ngoài ra, những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua, với việc xỏa bỏ hàng nghìn giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử… đều là những yếu tố quan trọng của môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển trong bối cảnh bình thường, trụ vững trong bối cảnh Covid-19. |
Trên thế giới, đại dịch Covid-19 cũng trở thành mối hiểm họa nên Chính phủ các nước cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tại châu Âu, các giải pháp thích ứng với đại dịch nhấn mạnh vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì việc làm. Chính phủ các nước như Mỹ, Nhật Bản… lại đưa ra các gói hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách. Nhật Bản còn phê duyệt hàng trăm tỷ USD hoãn thanh toán thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp và cho phép bảo lãnh vay ưu đãi tài chính thông qua các tổ chức tài chính công và tư. Theo báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của Đại học Kinh tế quốc dân, phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô của các nước trước đại dịch là khá nhanh chóng và quyết liệt. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính và tiền tệ chủ yếu đến từ các nước có tiềm lực kinh tế mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển có quy mô nới lỏng tiền tệ nhỏ hơn nhiều do gặp phải sức ép lạm phát, mất giá tiền tệ và giới hạn về dư địa chính sách. Chính vì thế, Việt Nam phải tìm được những chính sách phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế. Điều đáng mừng là ngay khi nhận diện được mối nguy từ đại dịch, Chính phủ đã ngay lập tức bắt tay vào công cuộc phòng chống và cứu trợ nền kinh tế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đã nhận định các chính sách có "quy mô, tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử". |
Dòng thời gian đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp |
Theo Bộ Tài chính, kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 đã gia hạn 21 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. |
Nhận xét về các chương trình hỗ trợ này, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với các tác động kinh tế của Covid-19, có công cụ mạnh để bảo đảm khả năng phục hồi của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ phù hợp thông qua việc cắt giảm lãi suất chính cùng với việc thực hiện các gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã tạo không gian “hồi sức” cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SeABank khẳng định, nhờ tinh thần kiến tạo, một mô hình điều hành đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững đã được hình thành. Một minh chứng sống động là Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự linh hoạt của Chính phủ với những quyết sách quan trọng đã kiềm chế đại dịch Covid-19, đảm bảo sự phát triển ổn định của kinh tế đất nước. |
Không chỉ có sự hỗ trợ từ Chính phủ, việc "chia lửa", chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp đã lan tỏa xuống từng bộ ngành, trong đó có ngành Hải quan. Các doanh nghiệp đều hồ hởi nhận xét về sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể giữa các cán bộ Hải quan với doanh nghiệp, mối liên kết đối tác Hải quan – Doanh nghiệp nhờ đó càng thêm ý nghĩa. |
Đầu năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TCHQ ngày 9/1/2021 về Kế hoạch triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên có liên quan năm 2021. Kế hoạch đề ra 4 yêu cầu chủ yếu đối với cơ quan Hải quan: Tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan đối với doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động đối thoại và tham vấn để lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời cập nhật các quy định mới cho doanh nghiệp; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo pháp luật hải quan được thực thi một cách minh bạch, công bằng. |
Chia sẻ về những lợi ích mà doanh nghiệp nhận được, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, câu chuyện của doanh nghiệp trong năm 2021 rất khác năm 2020. Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm của May 10 xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Thậm chí đến quý 2/2020, May 10 phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động. Tuy nhiên, năm 2021 thì ngược lại, ông Việt cho hay, doanh nghiệp đang có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Lý giải về sự khác biệt này, lãnh đạo May 10 chia sẻ, một phần đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đưa ra rất nhanh chóng trong năm 2020-2021. Theo đó, May 10 đã được hưởng lợi từ các chính sách như hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, giảm lãi suất, thông quan hàng hóa nhanh chóng... để có thêm dòng tiền phục vụ phục hồi sản xuất – kinh doanh. Tương tự, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đức Thành cho biết, doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan hướng dẫn thủ tục hải quan thông qua email, điện thoại… giúp hoạt động thông quan không bị gián đoạn. Đặc biệt, khi tình hình khan hiếm container rỗng xảy ra, doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan hỗ trợ thông tin về tình hình khai thác các chuyến tàu từ các đơn vị kinh doanh cảng, hãng tàu để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ những khó khăn phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan như: giải quyết nhanh chóng thủ tục để doanh nghiệp vận chuyển container ra khỏi cảng, tránh phát sinh các chi phí lưu container, lưu bãi... |
Mặc dù vậy, mức độ tiếp nhận chính sách không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng. Theo các doanh nghiệp, chính sách ban hành nhiều và rất hữu ích, nhưng dư địa để cải thiện tính hiệu quả vẫn còn. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhận xét, từ chính sách đến hành động thực tiễn, khoảng cách vẫn còn rất lớn. |
Biểu đồ về mức độ dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp. Nguồn: VCCI, WB |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Một số chính sách hỗ trợ còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, mà cơ bản là các điều kiện tiếp cận được các gói hỗ trợ quá ngặt nghèo, thiếu thực tế. Doanh nghiệp phải chứng minh rất nhiều thứ, không chỉ là về vấn đề tiêu chuẩn mà còn phải chứng minh về tài chính. Doanh nghiệp thì rất ngại phải đi chứng minh trên sổ sách kế toán là doanh nghiệp mình “không có khả năng chi trả” để rồi các cơ quan Nhà nước vào kiểm tra đánh giá. Nhiều doanh nghiệp bỏ qua các quyền lợi vì để đạt được quyền lợi thì gặp rất nhiều "rắc rối". Vì thế, một số chính sách hỗ trợ cần kéo dài thời gian dài hơn bởi tác động của đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến 1-2 năm tiếp theo nên cần có các giải pháp giúp doanh nghiệp dần dần phục hồi. |
Trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp và chưa tổ chức nào trên thế giới có thể chắc chắn khi nào có thể kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh. Mặc dù các chiến lược về tiêm vắc xin đã và đang được triển khai quyết liệt, trên quy mô lớn, nhưng với những biến thể liên tục của vi rút SARS-CoV-2, thì mọi chuyện vẫn chưa thể đi đến hồi kết, nhiều quốc gia đã tính đến phương án “sống chung với lũ”. Do đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và phát triển tại Việt Nam càng cần được nghiên cứu theo chiều sâu và phù hợp hơn nữa. Tuy vậy, nhìn vào thực tế, Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Theo khuyến nghị của PGS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Đồng quan điểm, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, nếu đợt dịch lần thứ 4 mạnh hơn, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Còn theo kiến nghị của các doanh nghiệp, trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính. |
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham): Để đánh bại Covid-19 ở Việt Nam, chúng ta cần sự tiếp tục lãnh đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, cùng sự tiếp tục hợp tác từ cộng đồng và sự khẩn trương hơn nữa của các nhà lãnh đạo trong việc mua sắm và cung cấp vắc xin hiệu quả cho người dân. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Trong bối cảnh hiện nay, điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi và kiến nghị chính là thực hiện thành công một Chính phủ hành động. Phương châm "sống chung với dịch" phải được thể hiện trong mọi thiết kế chính sách cũng như trong mô hình quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Những quy định của Nhà nước cũng cần linh hoạt hơn trong điều kiện dịch bệnh, để bảo đảm doanh nghiệp có thể xây dựng được mô hình kinh doanh linh hoạt. Bên cạnh có một vắc xin y tế, cần có một "vắc xin" về thể chế và cấu trúc của doanh nghiệp, cần phải có một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình, tăng cường khả năng chống chịu. |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Chúng ta phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản, sau đó là phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách. Có những doanh nghiệp ngay cả khi nhận được hỗ trợ vẫn không thể tồn tại được, khiến nguồn lực của Chính phủ bị lãng phí. Vì thế, việc hỗ trợ phải ưu tiên những doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nên phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch... |
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse: Nghịch lý ở Việt Nam là hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nhóm doanh nghiệp khó khăn, như thế là khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối. Do đó, các cơ quan quản lý cần chia nhóm hỗ trợ theo quy mô và đặc trưng. 500 doanh nghiệp đứng đầu cả nước nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh. |
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. |
Nội dung: Hương Dịu Thiết kế: Hoàng Anh Infographics: Phương Anh |