Cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan là một quá trình liên tục, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với những kết quả được các ngành, các cấp, đặc biệt là người dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu thủ tục hải quan, đã hỗ trợ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN, đảm bảo minh bạch, công bằng, giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hải quan, góp phần cải thiện Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. |
Tháng 4/2014, ngành Hải quan triển khai Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). Đây là sự thay đổi có tính tổng thể, toàn diện trong thủ tục hải quan điện tử. Đến nay, tất cả thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc, hơn 99% DN tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian thông quan đối với hàng luồng Xanh chỉ từ 1 đến 3 giây. |
Theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Tổng cục Hải quan về những đóng góp trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. |
Cũng kể từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2017, cơ quan Hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 và ký thỏa thuận hợp tác với 43 ngân hàng thương mại trong đó có 30 ngân hàng tham gia thanh toán điện tử 24/7, với trên 95% số thuế thu được bằng phương thức điện tử. Để đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, mục tiêu điện tử hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Tính đến tháng 10/2021, đã có tổng số 495 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi hoàn thành việc thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin tờ khai/chứng từ của lô hàng XNK đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan thông qua Hệ thống VASSCM. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 (chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). |
Nguồn: VCCI-TCHQ-USAID khảo sát thủ tục hành chính xuất nhập khẩu 2020. |
Hệ thống pháp luật hải quan được xây dựng, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế, đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan, hướng tới quản lý DN. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về hải quan liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh, đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc bất cập phát sinh, phù hợp với sự phát triển của kinh tế-xã hội. Mặt khác, nội dung của các văn bản được ban hành thể hiện rõ nét tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Hồ sơ hải quan đã được đơn giản hơn, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết, sắp xếp lại các khâu trong quy trình thủ tục hải quan để loại bỏ các khâu trung gian, áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra hồ sơ và hàng hoá, giảm thời gian thông quan… Để đạt được những mục tiêu trên, trong quá trình xây dựng văn bản, cơ quan Hải quan tuân thủ cơ chế lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan, người dân, DN bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, đăng tải trên website, thông qua các hiệp hội… tạo điều kiện cho mọi người dân, DN tham gia vào quá trình soạn thảo; làm cho văn bản ban hành đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao. Một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng là Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng các yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động hải quan trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ. |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCX và KCN (Cục Hải quan Hải Phòng) tháng 11/2021. Ảnh: Quang Hùng. |
Liên tiếp từ năm 2014 đến 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết cùng có số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ năm 2019 đến nay) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, chịu trách nhiệm đối với giao dịch thương mại qua biên giới, với mục tiêu năm 2019 tăng từ 3-5 bậc, đến năm 2021 tăng 10-15 bậc. Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của tất cả các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bao gồm cơ quan Hải quan và các đơn vị liên quan khác (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh kho bãi cảng, đơn vị vận tải...). |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô. Ảnh: Q.H |
Căn cứ trên các tiêu chí và phương pháp của Ngân hàng thế giới (WB), Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát ý kiến của DN về thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới nhằm nắm bắt được chính xác, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, những “nút thắt” trong từng khâu, từng thủ tục của từng cơ quan, đơn vị trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cho các bên liên quan nhằm giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực và cải thiện thứ hạng Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam. Khảo sát này được Tổ công tác liên ngành thực hiện từ năm 2019. Để đảm bảo tính khách quan và minh bạch, Tổ công tác liên ngành đã đề nghị Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hoạt động khảo sát DN thông qua kênh online (webform) và gửi phiếu khảo sát giấy đến các DN qua bưu điện. Theo kết quả khảo sát của năm 2019 và 2020 của Tổ công tác liên ngành về Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới (bao gồm thời gian thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu và thời gian chuẩn bị hồ sơ – theo cách tính của WB tại Báo cáo Môi trường kinh doanh) đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ, giảm 57,38 giờ so với năm 2019 (95,78 giờ); tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 338 USD, giảm 81,72 USD so với năm 2019 (419,72 USD). Nếu tính thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới cho mỗi lô hàng tương ứng với mỗi tờ khai thì năm 2020 các DN xuất nhập khẩu đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 730,4 triệu giờ tương ứng với khoảng 981 triệu USD chi phí gián tiếp và khoảng 2.301 triệu USD chi phí trực tiếp; tổng cộng tiết kiệm được khoảng 3.282 triệu USD cho hoạt động xuất nhập khẩu so với năm 2019. |
Từ kết quả khảo sát của Tổ công tác liên ngành về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 cho thấy, trong số các DN trả lời khảo sát có đến 94% DN nhập khẩu và 98% DN xuất khẩu cho biết việc áp dụng chứng từ điện tử đã giúp họ giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan. Một trong những nội dung cải cách giúp DN tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan là quy định việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy và quy định về thời hạn phản hồi kết quả xử lý các thủ tục của cơ quan Hải quan cho người khai hải quan. |
Giao diện Cổng thông tin một cửa quốc gia. |
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân quan trọng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc “điện tử hóa” các chứng từ kiểm tra chuyên ngành được gửi qua Hệ thống một cửa quốc gia, áp dụng C/O điện tử… Hầu hết các DN ghi nhận, việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ cũng như thực hiện thủ tục thông quan như chi phí in ấn hồ sơ, thời gian và chi phí đi lại của nhân viên làm thủ tục; thời gian thông quan nhanh cũng giúp DN đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục giao nhận hàng tại cảng cũng là nguyên nhân giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa XNK. |
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đây chính là một giải pháp để cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Việc đổi mới phương thức kiểm tra theo Đề án được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức, đồng thời cũng không phải tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Mô hình mới sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa. |
Trạm kiểm định di động VILAS của Cục Kiểm định hải quan. Ảnh: H.Nụ |
Việc xây dựng dự thảo Nghị định là nhiệm vụ rất quan trọng, do đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng, đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra… Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho DN và nền kinh tế. Ước tính trong một năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho DN và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế. |
Với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm; lấy sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi…, chính là “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho DN đạt sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư khi thế giới tái định vị chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19. |
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp về Hải quan số, Hải quan thông minh ngày 6/9/2021. Ảnh: Thái Bình |
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. |
Cụ thể, ngành Hải quan đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình quan hệ đối tác Hải quan – DN, với mục tiêu xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện xã hội đối với các chính sách, văn bản pháp luật, quy trình thủ tục hải quan; xây dựng cơ chế thu thập thông tin phản hồi, đánh giá của DN, tổ chức, cá nhân về việc thực thi pháp luật hải quan; từng bước áp dụng các chuẩn mực, khuyến nghị quốc tế trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN. Để thực hiện nhiệm vụ trong 10 năm tiếp theo, Tổng cục Hải quan đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý hải quan hiện đại tại các khâu trước, trong và sau thông quan. Tham gia tích cực vào quá trình xây dựng pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, đồng thời là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu hiện đại, cơ cấu gọn nhẹ, tập trung, giảm đầu mối trung gian, đáp ứng được nhu cầu quản lý của từng địa bàn và yêu cầu tinh giản, sử dụng biên chế hiệu quả. Hoàn thành xây dựng mô hình Hải quan điện tử thông minh, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan số đảm bảo thống nhất với kiến trúc Chính phủ số trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý nhà nước về hải quan. |