Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có hoạt động giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đã cùng chung tay vượt khó. Nhờ đó, năm 2020, Việt Nam vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa duy trì được sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận, đặc biệt lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng khi thiết lập kỷ lục mới với con số ấn tượng hơn 545 tỷ USD. |
Tiếp đà khởi sắc của năm 2019 khi lần đầu tiên Việt Nam cán mốc quy mô kinh ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD, quý I/2020, hoạt động giao thương của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Cả quý, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 122,73 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 6,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng 7,5% và nhập khẩu tăng 3,7%. Cán cân thương mại hàng hóa trong quý I/2020 đạt mức thặng dư 3,74 tỷ USD. |
Đang có sự khởi đầu ấn tượng, hoạt động xuất nhập khẩu đột ngột lao dốc khi dịch Covid-19 lan rộng ở thế giới và Việt Nam (làn sóng Covid-19 lần thứ nhất) vào cuối tháng 4. Để kiểm soát dịch bệnh, nước ta thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh hưởng rõ nét của dịch bệnh khi tháng 4/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt 36,11 tỷ USD, giảm 22% so với tháng 3 năm 2020, tương ứng giảm tới 10,17 tỷ USD. Dù xuất nhập khẩu trong tháng 4 sụt giảm, nhưng với nỗ lực quyết liệt trong phòng, chống dịch, nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tạo điều kiện để khôi phục sản xuất, xuất nhập khẩu. Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5, 6 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng (so với tháng trước liền kề) là 3,5% và 15,8%, tạo đà cho sự tăng trưởng những tháng cuối năm. |
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện “mục tiêu kép”, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2020, Chính phủ tiếp tục nêu rõ: Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại, đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phần đầu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020…
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, sự chuyển động là hết sức rõ nét. Tháng 7, xuất nhập khẩu tăng mạnh 8,5% so với tháng 6; tháng 8 tiếp tục tăng 11,4%. Bước vào 4 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng có phần thấp hơn hoặc tháng 11 có giảm nhẹ (so với tháng liền kề trước đó, tháng 9 tăng 1,9%; tháng 10 tăng 0,4%; tháng 11 giảm 3,2%), nhưng thời điểm này quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã ở mức cao trên dưới 50 tỷ USD/tháng nên dù tốc độ chưa cao nhưng con số kim ngạch tăng thêm cũng rất đáng ghi nhận. Đặc biệt tháng 12 quy mô kim ngạch (theo tháng) đạt 55,56 tỷ USD, lớn nhất cả năm 2020, tăng 11,3% so với tháng 11/2020, qua đó giúp Việt Nam cán đích năm 2020 với quy mô xuất nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay là 545,36 tỷ USD, tăng trên 18 tỷ USD so với năm 2019. |
Đóng góp quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu là những đối tác thương mại, địa phương, nhóm hàng trọng điểm với quy mô kim ngạch từ 10 tỷ USD/năm trở lên. |
Những bạn hàng “chục tỷ đô” Với nhiều Hiệp đinh thương mại tư do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đã giúp hàng hóa Việt Nam tìm được chỗ đứng ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giữ vai trò trụ cột về thương mại với Việt Nam là những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng chục tỷ USD/thị trường. Cụ thể, thương mại Việt Nam- Trung Quốc đạt 133 tỷ USD (trong đó xuất khẩu của Việt Nam 48,87 tỷ USD). Với 3 thị trường lớn còn lại, kết quả lần lượt là: với Mỹ đạt gần 91 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam hơn 77 tỷ USD); với Hàn Quốc đạt 66 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam hơn 19 tỷ USD); với Nhật Bản đạt gần 40 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam gần 19,3 tỷ USD). |
Động lực hai đầu đất nước Xuất nhập khẩu phân bố khá đều trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, động lực kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn nằm ở 2 địa bàn quan trọng là khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với các địa phương chủ lực Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang; khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt từ 10 tỷ USD trở lên. Trong đó, TPHCM dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu 43,35 tỷ USD, nhập khẩu 51,3 tỷ USD. Các địa phương kế tiếp với các chỉ số xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng là: Bắc Ninh (39 tỷ USD, 33,4 tỷ USD); Bình Dương (27,7 tỷ USD, 21,5 tỷ USD); Thái Nguyên (24,4 tỷ USD, 14,5 tỷ USD); Hà Nội (15,2 tỷ USD, 29,2 tỷ USD); Đồng Nai (18,8 tỷ USD, 14,6 tỷ USD); Hải Phòng (18,9 tỷ USD, 15,4 tỷ USD); Bắc Giang (10,8 tỷ USD, 10,4 tỷ USD). |
Những nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu chục tỷ USD Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia. Do vậy, hoạt động xuất khẩu không chỉ gói gọn trọng một vài mặt hàng chủ lực, truyền thống như dệt may; giày dép; nông sản; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ… mà Việt Nam cũng đang định hình được vị thế trên bản đồ thế giới nhờ những nhóm hàng chủ lực về công nghệ cao như điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Trong đó, 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị; giày dép; gỗ và sản phẩm. Trong đó, điện thoại và linh kiện giữ vị thế số 1 với hơn 51 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, gia công hàng xuất khẩu nên các nhóm hàng nhập khẩu cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Trong đó, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; điện thoại và linh kiện; vải may mặc. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có quy mô kim ngạch lớn nhất cả nước với con số xấp xỉ 64 tỷ USD. |
Hình ảnh điện thoại, máy vi tính, quần áo, giày dép, tôm cá, trái cây, biểu đồ kim ngạch các nhóm hàng chủ lực… |
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, toàn ngành Hải quan đã bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp nhằm góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn cho cán bộ trong toàn ngành nhưng vẫn đảm bảo chống buôn lậu và gian lận thương mại, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ được giao. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến xuất nhập khẩu, kịp thời báo cáo tình hình hàng ngày đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Tài chính và Chính phủ. Đặc biệt, ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người làm thủ tục liên quan, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh… |
Thực hiện: Thái Bình Hoàng Anh |