e magazine
16:09 | 16/01/2024
LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

16:09 | 16/01/2024

(HQ Online) - Sau một năm hoãn thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, từ ngày 1/1/2024, việc xếp hạng tín nhiệm bắt đầu thực hiện lại.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Xin ông cho biết khái quát về hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Xếp hạng tín nhiệm là công tác đánh giá và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) phát hành chứng khoán hoặc công cụ nợ. Mục đích của xếp hạng tín nhiệm là công ty xếp hạng tín nhiệm khảo sát khả năng trả nợ của nhà phát hành. Sau khi điều tra về khả năng trả nợ, bao gồm việc khảo sát báo cáo tài chính, khảo sát hoạt động kinh doanh của DN và đặc biệt là khảo sát về dòng tiền của DN, các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ đưa ra kết luận.

Mỗi công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ có một thang điểm riêng, nhưng tựu trung lại, các công ty xếp hạng tín nhiệm có hai mức xếp hạng tín nhiệm là mức “đầu tư” và mức “không đầu tư” hay còn gọi là “không khuyến khích đầu tư”.

Trên thang điểm, hai mức xếp hạng này có nhiều mức độ cộng trừ khác nhau do kết quả khảo sát trên các nhóm chỉ tiêu, thường là trên 5 nhóm chỉ tiêu.

Nhóm chỉ tiêu thứ nhất là kinh tế vĩ mô, xem kinh tế vĩ mô ảnh hưởng thế nào, tác động thế nào đến việc trả nợ của nhà phát hành.

Nhóm chỉ tiêu thứ hai là khảo sát lĩnh vực kinh tế mà DN phát hành hoạt động, khảo sát sự phát triển ngành nghề đó ảnh hưởng thế nào đến khả năng trả nợ của DN.

Riêng đối với các DN phát hành, họ khảo sát, đánh giá trên 3 nhóm tiêu chí. Nhóm tiêu chí thứ nhất là những chỉ tiêu về hoạt động của DN. Nhóm tiêu chí thứ hai là những chỉ tiêu về tài chính và nhóm chỉ tiêu thứ ba là vấn đề quản lý rủi ro của nhà phát hành.

Cuối cùng, tất cả những khảo sát này được tổng hợp, tính toán theo thang điểm và trọng số để tính ra được mức xếp hạng của từng DN.

PV: Ông có thể chia sẻ những thông tin về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Mỹ - nơi ông từng có quãng thời gian dài công tác?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Tại nhiều quốc gia, họ không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Chẳng hạn như tại Mỹ, các công ty muốn được xếp hạng tín nhiệm để phát hành trái phiếu thì họ có thể được Moody hay S&P xếp hạng. Còn nếu DN không có nhu cầu xếp hạng thì cũng không sao, miễn là DN đó phát hành trái phiếu và tìm được người có mong muốn mua trái phiếu của họ.

Tuy nhiên, có một thị trường bắt buộc DN phải xếp hạng, đó là các quỹ hưu trí. Ở Mỹ, những quỹ hưu trí này rất phổ biến, chủ yếu là các quỹ hưu trí tư nhân. Ở Việt Nam thì chưa có.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Ví dụ như ở 7-8 ngân hàng tôi từng làm việc thì ngân hàng nào cũng có quỹ hưu trí. Mỗi nhân viên của ngân hàng đóng tiền vào quỹ hưu trí. Quỹ hưu trí đó dùng tiền của nhân viên cùng với tiền của DN bỏ trong quỹ để đầu tư và họ chỉ được phép đầu tư vào những trái phiếu, chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm ở mức “đầu tư”.

Chính vì thế, nếu DN phát hành không có xếp hạng tín nhiệm thì chắc chắn sẽ bị loại bởi các quỹ hưu trí ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là anh bị loại trừ ra khỏi một cái rổ vốn dài hạn rất lớn.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Ông có nhận định gì về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam trong thời gian qua?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tại Việt Nam, liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, trước hết chúng ta có Nghị định 153/2020/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 65/2022/NĐ-CP và đầu năm 2023 chúng ta có Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.

Nghị định 153/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ không quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, có xếp hạng cũng được, không có cũng được.

Sau khi nhận thấy quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu DN riêng lẻ trong Nghị định 153/NĐ-CP có phần dễ dàng, lỏng lẻo, dẫn tới xảy ra những vụ án lừa đảo trái phiếu DN, như chúng ta đã biết, Chính phủ đã siết lại việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ thông qua việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong đó, với quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu DN nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với những DN có lô phát hành lớn.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Nhưng đến cuối năm 2022, thị trường trái phiếu đóng băng do sự việc tại Tân Hoàng Minh xảy ra vào đầu năm và vụ việc tại Tân Thịnh Phát vào cuối năm dẫn tới các nhà đầu tư mất niềm tin, không ai đầu tư vào trái phiếu.

Đầu năm 2023, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu DN, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP, theo đó hoãn việc thực hiện một số quy định tại Nghị định 153 và Nghị định 65, trong đó hoãn việc thực hiện quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cho đến hết năm 2023. Ngày 1/1/2024, quy định này bắt đầu chính thức được áp dụng trở lại.

Như vậy, quy định về xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam đã có những thay đổi. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, quy định xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam có tính chất bắt buộc là điều cần thiết. Lí do là vì các nhà đầu tư riêng lẻ, các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ không có hiểu biết về tài chính, không có khả năng phân tích về khả năng trả nợ của các nhà phát hành và họ rất dễ bị dẫn dụ bởi hai yếu tố.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Thứ nhất là lãi suất cao. Trước đây những nhà phát hành áp dụng mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm.

Thứ hai, các tổ chức phát hành trái phiếu hiểu được tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là rất dễ tính, rất dễ bị cuốn hút bởi những danh tiếng được thổi phồng lên. Những vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu DN thời gian qua cho thấy các DN đã đánh bóng tên tuổi để dễ dàng cuốn hút, thu hút nhà đầu tư. Chính vì thế mà nó tạo ra một thị trường đầy cạm bẫy, rủi ro, lừa đảo. Hai vụ đại án của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và mức thiệt hại cho nhà đầu tư, cho nền kinh tế tại Vạn Thịnh Phát là rất lớn.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Xin cho biết nhận định của ông về vai trò của xếp hạng tín nhiệm, những thuận lợi, khó khăn cho hoạt động xếp hạng nhiệm tại Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Trở lại vấn đề vai trò của xếp hạng tín nhiệm như thế nào với nền kinh tế, liệu có giúp cho các nhà đầu tư hay không và giúp như thế nào? Câu trả lời chắc chắn là có, bởi như tôi đã nói, rất nhiều nhà đầu tư họ không có khả năng phân tích tài chính DN.

Xếp hạng tín nhiệm tạo ra sự minh bạch, hỗ trợ nhà đầu tư trong đánh giá khả năng tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành. Đối với các DN, xếp hạng tín nhiệm cũng giúp DN khẳng định uy tín đối với các nhà đầu tư, đồng thời có thể giúp các DN tiếp cận được các nguồn vốn trên thị trường.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Thế nhưng mặt khác, bất lợi của xếp hạng tín nhiệm là sẽ siết chặt lại thị trường trái phiếu, vì trước hết, chi phí cho xếp hạng tín nhiệm không phải là nhỏ, nó rất lớn, lên tới hàng trăm triệu đồng. Với những nhà phát hành nhỏ lẻ thì số tiền này là rất lớn.

Thêm vào đó, nếu kết quả xếp hạng tín nhiệm DN không được ở mức “đầu tư”, dĩ nhiên, DN sẽ cảm thấy rất e ngại trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm.

Theo nhận định của tôi, chúng ta chưa có văn hóa về xếp hạng tín nhiệm. Đối với các nhà đầu tư, đa phần cho rằng, nếu có xếp hạng tín nhiệm tại thời điểm này thì tốt, nhưng nếu không có thì cũng không phải là yếu tố quan trọng bởi đa phần chỉ quan tâm lãi suất trái phiếu như thế nào, tên tuổi nhà phát hành ra sao.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Tại thời điểm này, vấn đề xếp hạng tín nhiệm chỉ dùng cho giới chuyên môn, các ngân hàng mua trái phiếu, các công ty kinh doanh chứng khoán, những nhà đầu tư có hiểu biết, còn đối với đại bộ phận dân chúng thì có lẽ vấn đề xếp hạng tín nhiệm cũng chưa phải là công cụ mà họ mong muốn.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Nhưng theo tôi, cần phải có xếp hạng tín nhiệm, vì những thông tin đưa ra từ các nhà phát hành không phải tất cả đều chuẩn xác. Ngay cả với những công ty kiểm toán, nhiều công ty cũng không có đủ sự tin cậy.

Vậy nhà đầu tư dựa vào ai? Các công ty kiểm toán, các cơ quan quản lý không bao giờ đưa ra đề nghị nên hay không nên mua trái phiếu của DN nào đó. Còn các nhà kinh doanh, các công ty kinh doanh chứng khoán thì dĩ nhiên nói tốt cho trái phiếu mà họ phát hành hoặc phân phối vì họ không thể bán trái phiếu mà lại nói rằng trái phiếu đó không tốt.

LONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tưLONGFORM: Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Theo ông, xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cần được thực hiện như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm là hợp lý, tuy nhiên theo tôi là chưa đủ. Tôi đề nghị, để tạo ra sự ổn định trên thị trường trái phiếu, luật pháp nên quy định tất cả các trái phiếu phát hành đều phải xếp hạng tín nhiệm, không kể lớn, nhỏ.

Đây là một đề nghị rất khó, vì xếp hạng tín nhiệm có chi phí của nó, và nếu bây giờ 100% DN Việt Nam phải xếp hạng tín nhiệm thì không biết có bao nhiêu % DN được xếp vào hạng “đầu tư”?

Nhưng, thị trường TPDN của chúng ta hiện tại là một thị trường đang thiếu sự tin tưởng của nhà đầu tư. Điều cần thiết hiện nay là cần phải củng cố niềm tin trên thị trường. Do đó, cần tạo ra một văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các thành viên trên thị trường, không chỉ cho các nhà phát hành mà còn cho các nhà đầu tư và cho tất cả các cơ quan quản lý. Hiện tại đối với cơ quan quản lý, vấn đề xếp hạng tín nhiệm cũng rất mới mẻ.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Thưa ông, vậy việc bắt đầu áp dụng lại quy định về xếp hạng từ đầu năm 2024 sẽ tác động như thế nào tới thị trường trái phiếu DN?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, về tác động tiêu cực, như trên tôi đã nói, việc áp dụng quy định về xếp hạng tín nhiệm sẽ làm siết lại thị trường.

Đó là điều mà có lẽ thị trường không mong muốn vì thị trường đang kỳ vọng năm 2024 sẽ được phục hồi, hoạt động bình thường và khởi sắc trở lại.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Nhưng tôi cho rằng, một thị trường nếu phục hồi và phát triển trên một nền tảng không vững chắc thì cuối cùng có thể lại phải trả giá. Do đó, nếu thị trường được siết lại trên một nền tảng vững chắc thì sự phát triển đó mới bền vững, ổn định và có lợi cho tất cả các thành viên thị trường, cho nhà phát hành cũng như cho nhà đầu tư. Và chỉ khi thị trường ổn định thì mới trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế.

Thị trường có thể sẽ bị siết lại ít nhất là trong năm 2024, nhưng qua năm 2025 có thể thị trường sẽ tốt hơn, bởi các DN bắt đầu làm quen với xếp hạng tín nhiệm.

Hiện nay, chúng ta có 3 công ty xếp hạng tín nhiệm đã được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động. Các công ty này phải tăng cường năng lực xếp hạng của mình để đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Theo ghi nhận của tôi thì các DN xếp hạng tín nhiệm hiện nay không đủ đơn đặt hàng vì có rất ít DN đặt hàng xếp hạng tín nhiệm. Nhưng sắp tới, khi quy định xếp hạng tín nhiệm được áp dụng trở lại thì tôi cho rằng DN xếp hạng tín nhiệm sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm đối với nhiều DN Việt Nam chưa trở thành văn hoá, các DN có nhu cầu xếp hạng tín nhiệm không hiểu họ sẽ được xếp hạng như thế nào. Nếu bị xếp hạng ở mức thấp thì thị trường không đón nhận nồng nhiệt, trừ trường hợp DN trả lãi suất rất cao, nhà đầu tư có thể vì lãi suất cao mà tham gia đầu tư trái phiếu của DN. Còn nếu lãi suất mức bình thường nhưng mức xếp hạng không được tốt thì chắc chắn những trái phiếu đó không trở thành trái phiếu hấp dẫn.

Do đó, trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ quan sát xem thị trường sẽ chịu tác động cụ thể như thế nào. Nhưng chúng ta phải khẳng định, thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm chắc chắn sẽ tốt cho thị trường về lâu dài.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

PV: Về phía các cơ quan quản lý, các công ty xếp hạng tín nhiệm, cần phải có những giải pháp gì để hỗ trợ thúc đẩy văn hoá xếp hạng tín nhiệm, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Bài học của Mỹ cho thấy, năm 2008, Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng về tài chính, đến năm 2010 Mỹ ban hành Đạo luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của Phố Wall Dodd – Frank. Đạo luật này đã cải tổ lại toàn hệ thống tài chính của Mỹ, trong đó có việc cải tổ lại các công ty xếp hạng tín nhiệm. Tại thời điểm đó, họ nhìn thấy những thiếu sót, tiêu cực trong hệ thống xếp hạng tín nhiệm và họ đưa ra quy định siết chặt lại, đồng thời thành lập một ủy ban để kiểm tra các công ty xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình này.

Trước hết, việc giao cho Bộ Tài chính ban hành giấy phép và thanh tra các công ty xếp hạng tín nhiệm là tốt, nhưng chưa đủ. Cần phải có một uỷ ban độc lập. Đó có thể là một ủy ban liên ngành, trong đó có thành viên của Quốc hội, Chính phủ để xem xét công việc của các công ty xếp hạng tín nhiệm và đề nghị có sự cải cách nếu cần.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần nắm rõ việc các công ty xếp hạng tín nhiệm đó họ xếp hạng tín nhiệm như thế nào, các phương pháp luận của họ ra sao, họ sử dụng công nghệ mới như thế nào để xếp hạng tín nhiệm.

Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: “Chìa khoá” để củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Về phía các công ty xếp hạng tín nhiệm, cần phải nâng cấp trình độ về xếp hạng tín nhiệm. Hiện cả 3 công ty xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam gồm FiinRatings, Saigon Ratings và VIS Ratings còn khá mới mẻ, nhưng cả ba công ty đều được hỗ trợ bởi những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín như Moody’s, S&P… và mỗi công ty đều có thế mạnh của mình.

Việc các công ty được hỗ trợ bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là một điều tốt, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cấp chính mình, nâng cấp về nghiệp vụ, về khả năng, nâng cấp về công nghệ để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đặc biệt, các DN xếp hạng cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn tới đại chúng về vai trò quan trọng, sự cần thiết của xếp hạng tín nhiệm để giúp người dân hiểu rõ hơn về xếp hạng tín nhiệm và bắt đầu tạo ra văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy xây dựng một thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền - Thanh Hải

Phiên bản di động