Việt Nam đang chú trọng tới chất lượng dự án, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030. Năm 2024 được coi là năm có thể tạo bước ngoặt trong thu hút FDI khi Chính phủ Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh, điều này đã tạo dựng niềm tin và thu hút các nhà ĐTNN đầu tư vào các dự án, sáng kiến tập trung vào ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 để đo lường các yếu tố liên quan tới phát triển bền vững cũng như những tác động của doanh nghiệp (DN) tới cộng đồng... Chiến lược đầy tham vọng này nhằm thúc đẩy đáng kể nền kinh tế xanh, dự kiến mức tăng từ 6,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050, bên cạnh cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26. Đồng thời, Việt Nam cũng định hướng FDI vào các ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt Nam với các DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia. Song song với đó, để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam và tập trung thu hút đầu tư theo đúng định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, cạnh tranh quốc tế, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. |
Là “thủ phủ" công nghiệp của miền Bắc, địa chỉ hút dòng vốn FDI, 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về quy mô thu hút vốn ĐTNN, đạt hơn 4,5 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chất bán dẫn… thu hút nhiều vốn đầu tư nhất. Đáng chú ý, mới đây tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Bắc Ninh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án mới, chứng nhận điều chỉnh vốn đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác cho các dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực với số vốn đầu tư hơn 5,58 tỷ USD. Sự tăng vốn của loạt dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn… của nhà ĐTNN cho thấy triển vọng và tiềm năng của hoạt động đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ mới này tại Bắc Ninh. Kết quả này cũng cho thấy, Bắc Ninh đang nắm được cơ hội từ sự phục hồi của dòng vốn FDI và trở thành nơi các nhà ĐTNN quan tâm. Đánh giá về kết quả này của Bắc Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, với tiêu chí thu hút nguồn vốn đầu tư FDI theo hướng: "ít đất, ít sử dụng lao động nhưng vốn, công nghệ, hiệu quả cao và sẵn sàng mặt bằng, nhân lực chất lượng cao, cơ chế, tháo gỡ khó khăn", nên dù là địa phương có quy mô diện tích nhỏ nhất cả nước, Bắc Ninh vẫn thuộc nhóm dẫn đầu thu hút các dòng vốn FDI. Lợi thế từ 17 Hiệp định thương mại tự do đã và đang tạo vị thế rất lớn cho Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng, trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI. |
Không chỉ Bắc Ninh, theo Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 2.492 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 13,55 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,3% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,77 tỷ USD, chiếm 35,2% tổng vốn đăng ký cấp mới và đứng thứ hai là Trung Quốc gần 1,86 tỷ USD, chiếm 13,7%... Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.027 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,64 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,98 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. |
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, thu hút ĐTNN trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kì dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn. Các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số Chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn FDI tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. |
Tại dự thảo “Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị” đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ 5 hạn chế của các chính sách đầu tư hiện tại. Thứ nhất, chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam chưa đa dạng, chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập mà hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, theo đó chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các ưu đãi thuế dựa trên thu nhập có thể phản tác dụng do công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, điều này tạo ra các "kẽ hở" để các DN thực hiện các hành vi dịch chuyển lợi nhuận. Thứ hai, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập. Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến và là các thông lệ hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… Thứ ba, chính sách ưu đãi chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chính sách thuế Tối thiểu toàn cầu (TTTC) có hiệu lực vào năm 2024. Theo đó, các chính sách ưu đãi thuế Thu nhập DN (TNDN) hiện hành sẽ không còn nhiều ý nghĩa, gián tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút các Tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược và các DN vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư này. Phân tích rõ hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do bối cảnh vừa áp dụng TTTC từ đầu năm 2024, các ưu đãi miễn, giảm thuế hiện tại của nhà đầu tư lớn sẽ không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư "đại bàng" đang đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Về nguyên tắc, Việt Nam có thể không có các phản ứng chính sách và giữ nguyên ưu đãi cho các dự án đã cấp trước đó. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp thì mức ưu đãi mà Việt Nam đã cấp sẽ là vô nghĩa với nhà đầu tư (vì mức ưu đãi này dựa trên thu nhập và không đạt chuẩn đối với quy tắc Trụ cột II do mang tính bồi hoàn với số thuế TNDN bổ sung mà DN phải đóng, do đó, điều này vẫn sẽ khiến cho DN phải nộp số thuế bổ sung tương ứng với số ưu đãi thuế được hưởng). Thứ tư, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật nhưng không có hướng dẫn cụ thể để triển khai nên chưa có tác dụng trong thực tế. Thứ năm, các ưu đãi thuế được quy định tại nhiều luật thuế khác nhau, gây ra vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi, áp dụng ưu đãi và gia tăng chi phí tuân thủ của DN. Sự phức tạp này có nguy cơ khiến cho việc thực thi các chính sách ưu đãi kém hiệu quả hơn và cản trở các nỗ lực cải cách chính sách. Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn thiếu nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn. Nhiều thủ tục hành chính vẫn còn mất thời gian, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy chữa cháy… Bên cạnh những rào cản trên, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi lần này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN do có nhiều đề xuất đáng lưu ý và có thể tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Một số nhà ĐTNN cũng đang có ý kiến góp ý về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi. Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều DN kiến nghị và bày tỏ ý kiến với Chính phủ và các cơ quan liên quan là đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhóm dịch vụ xuất khẩu. Hiện nay, Dự thảo luật thuế GTGT sửa đổi đang đề xuất giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế GTGT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ vận tải quốc tế; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế. |