Thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam nói chung và một số tỉnh thành trọng điểm phía Nam nói riêng. Trước xu hướng ấy, đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp, cũng như có sự thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI nhằm “biến thách thức thành cơ hội”. |
Hơn 17 năm trước, năm 2006, Tập đoàn Intel là công ty của Mỹ đầu tiên công bố đầu tư dự án trị giá hơn 1 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao TPHCM, đánh dấu sự bắt đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn có mặt tại Việt Nam. Đến nay, ước tính Intel đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để mở rộng nhà máy thử nghiệm và sản xuất chip. Kết quả xuất khẩu của Intel luôn chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao và chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. |
Khu công nghệ cao TPHCM - điểm đến của nhiều nhà đầu tư FDI. Ảnh: SHTP |
Năm 1995, Công ty Nestlé Việt Nam, 100% vốn đầu tư nước ngoài, trực thuộc Tập đoàn Nestlé S.A. (Thụy Sỹ) - tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới ra đời. Với cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam, Tập đoàn Nestlé đã không những đầu tư xây dựng mới, mở rộng dây chuyền sản xuất tại các nhà máy và đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu về thực phẩm, dinh dưỡng và sống vui khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam. Hiện Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng sản xuất và đến nay đã có 4 nhà máy tại Việt Nam với hơn 2.200 lao động. Trong đó, riêng Đồng Nai có 3 nhà máy. Năm 2021, dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng Nestlé Việt Nam vẫn đầu tư thêm khoảng 130 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này vào Việt Nam lên gần 730 triệu USD. Vào cuối năm 2022, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp (KCN) VSIP III của tỉnh Bình Dương trên diện tích hơn 44 hecta với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại châu Á của Tập đoàn. Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam cho biết, nhà máy LEGO Manufacturing Vietnam dự kiến đi vào hoạt động trong quý 3/2024 sẽ cung cấp sản phẩm đồ chơi đến với trẻ em trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự án này sẽ giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Tập đoàn trong khu vực và thế giới. LEGO Manufacturing Vietnam nhận được sự hợp tác và hỗ trợ vô cùng to lớn từ các cơ quan chính quyền tỉnh Bình Dương ngay từ những ngày đầu tiên. Bên cạnh lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu, Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua với hạ tầng phù hợp trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế, đảm bảo cho tầm nhìn của LEGO tại nhà máy trong 20 năm tới. Đây cũng chính là một trong những lý do mà Tập đoàn LEGO đã chọn Bình Dương làm nơi để xây dựng nhà máy thứ 6 của Tập đoàn, ông Preben Elnef nhấn mạnh. |
Nhà máy LEGO - dự án tỷ đô đã được khởi công xây dựng tại KCN Mỹ Phước, Bình Dương. Ảnh: Ngọc Thanh |
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có dự án liên doanh với nước ngoài đầu tiên từ năm 1991. Cũng từ đây, tỉnh này bắt đầu xây dựng và phát triển các KCN)để đón những nhà đầu tư. Năm 1995-1996, những KCN tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động. Với những ưu thế, quan điểm về thu hút vốn đầu tư những năm gần đây, “để lót ổ đón đại bàng” chủ trương tỉnh này là bằng mọi giá phải thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách làm để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, để doanh nghiệp tốt đến với Bà Rịa - Vũng Tàu. Minh chứng của quan điểm trên là trong những năm qua, đã từng có nhiều cá nhân lãnh đạo của tỉnh phải đích thân đi thúc đẩy, đi gõ cửa làm việc với các cơ quan trung ương để triển khai nhanh các dự án lớn. Điển hình, Dự án nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2018. Sau 3 năm xây dựng dự án đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Giai đoạn 1 của dự án bắt đầu xây dựng từ nửa cuối năm 2018 gồm Nhà máy Polypropylene số 1 với công suất 300.000 tấn/năm và một bến cảng có khả năng tiếp nhận các tàu chở LPG siêu lớn được hoàn thành vào cuối năm 2019 và bắt đầu khai thác từ đầu năm 2020. Giai đoạn 2 bắt đầu vào năm 2020 gồm một kho ngầm chứa LPG 240.000 tấn, một nhà máy sản xuất Propylene và Ethylene với công suất 600.000 tấn/năm và một nhà máy sản xuất Polypropylene số 2 với công suất 300.000 tấn/năm. |
Một góc dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung tại khu vực Cái Mép-Thị Vải. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN Hay như Tổ hợp hóa dầu Long Sơn của Tập đoàn SCG (Thái Lan) có tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD. Dự án được nhận quyết định đầu tư vào năm 2008 và được khởi công tháng 2/2018 trên diện tích khoảng 464 ha và 194 ha mặt nước cho cảng biển. Theo ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc của The Siam Cement Group (Tập đoàn SCG), dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại Việt Nam sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào giữa năm 2023. Đây cũng sẽ là nguồn doanh thu chính, đóng góp 10% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn trong năm nay. |
Ngay trong tháng đầu năm 2023, nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên tục “đổ" vào các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu...) với nguồn vốn lớn.
Ghi nhận tại TPHCM, trong những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn đã có 50 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 86,86 triệu USD. Có 20 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt gần 37,51 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 179,04 triệu USD, tăng gần 74% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Thông qua Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), liên tục trong mấy tuần qua, nhiều đoàn doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến TPHCM tìm hiểu kết nối với doanh nghiệp Việt Nam như Singapore, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc)… Đồng Nai cũng có khởi đầu ấn tượng khi thu hút dòng vốn ngoại tiếp tục giữ ở vị trí top đầu với gần 245 triệu USD trong tháng 1/2023, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, cấp mới 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 45 triệu USD và 10 dự án tăng vốn thêm gần 200 triệu USD. Tại địa bàn Bình Dương, tính đến 20/3/2023, toàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư FDI đạt khoảng 445,85 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.086 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD. Trong đó, các KCN có 2.638 dự án với tổng vốn 27,6 tỷ USD, ngoài KCN có 1.448 dự án với tổng vốn 12,1 tỷ USD. Trong những ngày đầu tiên của năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón 3 dự án đầu tư FDI mới với tổng vốn đăng ký 35,38 triệu USD. Trong đó có nhà máy chế tạo cơ khí và kết cấu thép Vard Vũng Tàu của Công ty TNHH Vard Vũng Tàu; nhà máy sản xuất vật liệu tinh luyện, vật liệu gia nhiệt dạng viên dùng cho ngành sản xuất sắt, thép của Yabashi Industries Co., Ltd và nhà máy sản xuất ống thép và phụ kiện Meide Việt Nam của Công ty Meide Investment Hong Kong Holding Company Limited. Việc các nhà đầu tư liên tục “đổ bộ” tìm hiểu cơ hội đầu tư ngay từ đầu năm 2023 cho thấy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, tới đây, thuế hấp dẫn sẽ không còn là lợi thế khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Trước bối cảnh mới, việc sớm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để Việt Nam nói chung và các tỉnh trọng điểm phía Nam nói riêng không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời bảo đảm được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư… là yêu cầu cấp bách được đặt ra. |
Ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố khung giải pháp hai Trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó Trụ cột 2 đặt ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập. Việt Nam đã đồng thuận với quy tắc này. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017. Đến nay, BEPS đã có gần 140 quốc gia tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100. Việt Nam hiện đang có 36.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 435 tỷ USD. Qua đánh giá của Tổng cục Thuế, sẽ có khoảng 1.017 doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trong mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có 335 doanh nghiệp có mức đầu tư trên 100 triệu USD và có mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ đi theo đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 130 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Kèm theo các doanh nghiệp này sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn có điều chỉnh chính sách đầu tư. Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang nộp khoảng trên 110.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, số thuế bị tác động truy thu của các nước phát triển khoảng từ 12.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trọng tài viên VIAC, trong những năm qua, Việt Nam dùng công cụ ưu đãi thuế là chủ đạo. Theo ước tính sơ bộ, thuế thực tế đối với FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%. Thậm chí có một số tập đoàn lớn chỉ ở mức 2,75%-5,95%. Do đó, với tác động trước tiên của thuế tối thiểu toàn cầu có thể giảm hiệu quả chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sân chơi này Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thu hút thêm dòng vốn ngoại, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, hạ tầng. Trong đó, vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì hướng tới ưu đãi về thuế. Đây là những lợi thế mang lại gấp hơn nhiều lần chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải trải qua. |
Trước tác động của thuế thiếu tối thiếu toàn cầu, TS. Lê Trung Đạo, trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, Trụ cột 2 của chương trình BEPS không loại bỏ hoàn toàn tác dụng của các biện pháp ưu đãi thuế nhưng có tác dụng hạn chế các biện pháp ưu đãi thu hút đầu tư hiệu quả thấp. Do đó, Việt Nam cần phải điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của mình để đảm bảo không bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh “nâng hạng” sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Một hệ thống thuế tốt, minh bạch, hiệu quả và không quá phức tạp, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, các điều kiện để thủ tục và chi phí cho kê khai, nộp thuế phải ở mức thấp nhất có thể... sẽ là điểm được các nhà đầu tư đánh giá cao. Để đạt được điều này, chính sách thuế nhằm mục tiêu thu hút FDI luôn được song hành cùng với các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào phát triển kinh tế. TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến bắt đầu từ năm 2024, sẽ tác động tới các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam nói chung và các tỉnh trọng điểm phía Nam nói riêng. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn ý nghĩa và điều này sẽ ảnh hưởng đến thu hút FDI của Việt Nam cũng như TPHCM (một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI). |
Thuế suất không phải là lợi thế thu hút đầu tư duy nhất của Việt Nam. Ảnh: T.D Dẫn chứng số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) cho thấy, TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư FDI còn hiệu lực. Theo đó, việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tại TPHCM. Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho biết, qua ước tính sơ bộ, có khoảng 10 doanh nghiệp FDI hoạt động tại các KCN của TPHCM bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, thuế suất không phải là lợi thế thu hút đầu tư duy nhất của TPHCM. Hiện nay có rất nhiều quy định mới tác động đến các dự án đầu tư, đòi hỏi sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư. Luật Đầu tư nêu cụ thể các hình thức hỗ trợ đầu tư và được các doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao khi tìm hiểu môi trường đầu tư vào TPHCM. Thế nhưng trên thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ này chưa hiệu quả vì thiếu chính sách cụ thể cho từng quy định. Do vậy, trong bối cảnh tìm công cụ ưu đãi thay thế, chỉ cần có giải pháp thực hiện các quy định hỗ trợ đầu tư hiện hữu một cách thiết thực, hiệu quả sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm của HEPZA là đồng hành, theo sát với nhà đầu tư để kiến nghị TPHCM hoặc Chính phủ tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Thay vào đó là cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Không thể lấy ngân sách ra để ưu đãi mãi cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó nên tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong quyết định… |