Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (10/9/1945-10/9/2023), Hải quan Việt Nam có sự lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tạo nền tảng quan trọng để phát triển ngành Hải quan trong kỷ nguyên số, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan NGUYỄN VĂN CẨN nhấn mạnh thông điệp quan trọng này khi dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan.
Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, Hải quan Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, xin Tổng cục trưởng điểm lại những kết quả nổi bật, những đóng góp tiêu biểu của ngành Hải quan vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của cả nước? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: 78 năm qua, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Hải quan Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác hàng năm của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những năm gần đây, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, xung đột địa chính trị xảy ra, kéo dài đã ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và trong nước. Ngành Hải quan luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung hoàn thiện về thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích, kết quả công tác nổi bật trên các mặt công tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Tiêu biểu như: duy trì tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu ngày càng được củng cố, phát huy; kết quả thu ngân sách nhà nước đảm bảo thu đúng, thủ đủ và kịp thời, góp phần đảm bảo ổn định tiềm lực tài chính quốc gia; vai trò, vị trí, uy tín quốc tế của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao… |
Ngành Hải quan được lãnh đạo các cấp, người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao về vai trò tạo thuận lợi thương mại. Xin Tổng cục trưởng chia sẻ thêm về kết quả nổi bật trong lĩnh vực này và những định hướng, giải pháp thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại được ngành Hải quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều năm. Đặc biệt những năm gần đây, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường áp dụng trang thiết bị hiện đại như: máy soi container, camera giám sát, seal định vị điện tử… để giảm thời gian thông quan, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam lần đầu tiên đạt được quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD vào năm 2022. Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thời điểm hậu đại dịch, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tạo thuận lợi thương mại như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan trên tất cả các khâu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ CNTT, sử dụng trang thiết bị hiện đại… Ngoài ra, với vai trò cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến ngày 15/8/2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64.700 doanh nghiệp. Về ASW, Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN và đang tích cực mở rộng kết nối với một số nước ngoài ASEAN. Thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại như: tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO; tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan… Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. |
Nhiệm vụ, vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu của ngành Hải quan ngày càng được củng cố, phát huy và thể hiện rõ nét hơn. Xin Tổng cục trưởng cho biết những chuyển biến nổi bật để tiếp tục khẳng định vị thế của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu trước diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Ngoài những phương thức, thủ đoạn truyền thống, tội phạm đã triệt để lợi dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán hàng hóa, thanh toán qua phương thức điện tử. Đặc biệt, tội phạm ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan ngày càng có diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, toàn Ngành phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã sớm nhận diện được những nguy cơ, rủi ro về hoạt động tội phạm trong tình hình mới và chủ động xây dựng, triển khai các biện pháp đấu tranh. Để phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu hiệu quả, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, huy động sự vào cuộc của các lực lượng nòng cốt như: Kiểm soát hải quan; Kiểm tra sau thông quan; Thanh tra-Kiểm tra. Vì vậy, kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển hàng cấm như ma túy, vũ khí, các loại động, thực vật hoang dã… khẳng định được vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/8/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.329 vụ việc vi phạm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.435 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 22 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 78 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 363 tỷ đồng. Điển hình như trong quý 1/2023, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ trì bắt giữ 3 vụ, thu giữ hơn 8 tấn ngà voi nhập lậu từ châu Phi; tháng 4/2023, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 16 kg sừng tê giác và ngà voi nhập lậu qua đường hàng không; tháng 6/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra, phát hiện 5 hành khách nhập cảnh có hành vi chuyển trái phép 352.000 USD và 245.900 EUR… Ngoài công tác đấu tranh trực tiếp, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực 389 của Bộ Tài chính. Kết quả trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hải quan Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trong đó có vai trò đồng sáng kiến thực hiện Chiến dịch Con rồng Mê kông đang phát huy hiệu quả trong đấu tranh với tội phạm ma túy và động, thực vật hoang dã. |
Một ví dụ tiêu biểu thể hiện vai trò quan trọng của ngành Hải quan trong bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng là đấu tranh với tội phạm ma túy. Xin Tổng cục trưởng chia sẻ rõ hơn về kết quả nổi bật trên mặt trận đấu tranh đầy hiểm nguy, gian khổ này? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới gia tăng mạnh những năm gần đây cả ở đường bộ, đường không và đường biển, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người; cất giấu trong phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. |
Qua kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng cho thấy, Việt Nam chịu áp lực lớn từ các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Tam giác vàng, từ các nước có chung đường biên giới; từ các nước châu Âu về theo đường hàng không… Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 tội phạm ma tuý tập trung tại tuyến hàng không, bưu điện, chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, trong đó có sự chuyển dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam… |
Trước tình hình đó, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan là tất cả các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy trọng địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng Hải quan phải chủ trì, chủ động, ngoài địa bàn phải phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, lực lượng Hải quan đã phối hợp với lực lượng Công an không chỉ bắt được tang vật mà còn bắt giữ nhiều đối tượng. Đây là nhiệm vụ hết sức gian nan, vất vả. Ngoài ra, xác định đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, năm 2018, Chiến dịch Con Rồng Mê kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất lớn từ Văn phòng Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng như sự đồng thuận tham gia của cơ quan Hải quan 6 nước trong tiểu vùng sông Mê kông. Đến nay, Chiến dịch ngày càng phát huy hiệu quả và tiếp tục được mở rộng với sự tham dự của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Với nỗ lực của toàn Ngành, 8 tháng năm 2023 (Từ 16/12/2022 đến 15/8/2023), Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 182 vụ, 194 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 83 vụ. Tang vật thu được trên 1,4 tấn ma túy các loại (thuốc phiện, cần sa, heroin, cocain, ketamin, ma túy tổng hợp...). Trong đó có nhiều chuyên án lớn như: Chuyên án HP323 do Cục Hải quan Hà Nội chủ trì phối hợp với PC04 (Công an TP Hà Nội) triệt phá ngày 20/2/2023 tại nhà ga T2, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bắt giữ 1 đối tượng, thu giữ 108 kg ma túy các loại… Ngoài ra, các đơn vị như Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Quảng Trị, Cục Hải quan Điện Biên, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Hà Tĩnh… đã chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều vụ án ma túy quy mô lớn. |
Mục tiêu quan trọng hàng đầu đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, hiện đại. Thưa Tổng cục trưởng, toàn Ngành cần tập trung vào những giải pháp nào để đạt được mục tiêu quan trọng này? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: Ngoài các giải pháp về mặt thể chế; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra là xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xác định vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt, vì vậy, ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. |
Trong công tác xây dựng lực lượng, vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ luôn được Tổng cục Hải quan xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xin Tổng cục trưởng cho biết những giải pháp quyết liệt đã và đang được ngành Hải quan triển khai để thực hiện hiệu quả công tác này? TỔNG CỤC TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CẨN: Để thực hiện nghiêm minh vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những năm qua, ngành Hải quan đã đề ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa phòng và chống. Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2023, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan. Quy chế nêu rõ 12 nhóm hành vi vi phạm hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ của công chức, viên chức Hải quan sẽ bị xem xét xử lý như: hành vi vi phạm trong lĩnh vực chấp hành kỷ cương, kỷ luật; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và công tác tổ chức cán bộ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực giám sát quản lý về hải quan; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu; hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm soát hải quan và điều tra chống buôn lậu; hành vi vi phạm trong lĩnh vực Thanh tra - Kiểm tra… Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng! |