Trước khi đi vào chia sẻ những nội dung cụ thể, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đánh giá: Nhiều sự kiện, nhiều kết quả công tác nổi bật diễn ra trong năm qua giúp uy tín, vị thế của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao. Dấu ấn thứ nhất phải kể đến đó là: Trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” có đề cập 4 nội dung về hợp tác trong lĩnh vực hải quan, gồm: Thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh; nghiên cứu triển khai hợp tác cấp “Chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên” (AEO) của nhau; tăng cường giao lưu, hợp tác “một cửa”; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác về thực thi pháp luật chống buôn lậu, thúc đẩy hành động phối hợp thực thi pháp luật quốc tế Con Rồng Mê Kông đạt được nhiều thành quả hơn nữa. Đặc biệt, đây là lần thứ hai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến (thực hiện từ năm 2018-PV) được đề cập trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Các nội dung nêu trên cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của Hải quan Việt Nam đã được đặt ra trong Luật Hải quan, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… |
Dấu ấn thứ hai là tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Hội nghị có sự tham dự và phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổng Thư ký WCO Tiến sỹ Kunio Mikuriya và khoảng 1.000 đại biểu đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên, Tổng cục Hải quan đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm quốc tế lớn nhất thường niên của WCO, đã giúp nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan quốc tế. Sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm Hải quan Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCO. Tổng cục Hải quan đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, lời khen và cảm ơn từ WCO, các đại biểu hải quan quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đối với công tác tổ chức sự kiện khoa học, chuyên nghiệp, sự tiếp đón trọng thị, chu đáo và giàu bản sắc văn hóa của nước chủ nhà Việt Nam. |
Năm 2023 cũng chứng kiến nhiều nội dung hợp tác song phương, đa phương của Hải quan Việt Nam với các đối tác như: Hải quan Hoa Kỳ, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Australia, Hải quan Hà Lan, Hải quan Hồng Kông (Trung Quốc)… Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và lãnh đạo hải quan các nước ASEAN đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO). Trở lại với các công việc có tính chất thường xuyên của ngành Hải quan, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Tạo thuận lợi thương mại và phòng, chống buôn lậu là hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đặt ra với toàn Ngành trong những năm gần đây. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, biến động bất thường, khó đoán định, việc thực hiện thắng lợi đồng thời cả hai nhiệm vụ này là hết sức nặng nề. Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Hải quan Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công. |
Xin Tổng cục trưởng cho biết những giải pháp nổi bật về việc tạo thuận lợi thương mại đã được ngành Hải quan tập trung triển khai trong năm 2023? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Ngay từ quý 3, quý 4 năm 2022 và kéo sang nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và việc làm của người lao động. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về cơ chế chính sách, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển Hải quan. |
Về cải cách hành chính (CCHC), ngày 31/1/2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ giao chỉ tiêu CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 trong toàn Ngành. Trong đó đề ra 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, tập trung vào giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022... Công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại tiếp tục được đẩy mạnh thông qua thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)… Ngoài ra, từ Tổng cục đến các cục và chi cục hải quan đã thiết lập nhiều kênh để kịp thời nắm bắt, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Những nỗ lực của ngành Hải quan đã đảm bảo việc thông quan hàng hóa diễn ra thông suốt. Trong năm, toàn Ngành đã làm thủ tục cho hơn 15 triệu tờ khai, tăng hơn 460 nghìn tờ khai so với năm 2022. Trong đó 66,31% tờ khai luồng Xanh (tăng 3,06%), 29,87% tờ khai luồng Vàng (giảm 2,6%) và 3,82% tờ khai luồng Đỏ (giảm 0,46%). Đáng chú ý, tờ khai luồng Đỏ, luồng Vàng đều giảm sâu so với chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 123. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD. Đặc biệt, theo Quyết định số 2664/QĐ-BTC ngày 1/12/2023 của Bộ Tài chính, năm 2022 là năm thứ bảy liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số CCHC. |
Tổng cục trưởng có thể chia sẻ cụ thể những kết quả nổi bật về tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Trong vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong thực hiện các công việc liên quan. Về Cơ chế một cửa quốc gia, đã có 250 thủ tục của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 68.000 doanh nghiệp. Việt Nam tiếp tục duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN… Đồng thời tiếp tục triển khai các nội dung để kết nối Cơ chế một cửa với đối tác ngoài ASEAN. Đối với DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong 214 thủ tục do cơ quan Hải quan thực hiện, có 133 thủ tục được cung cấp DVCTT toàn trình; 60 thủ tục được cung cấp DVCTT một phần; 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 12 DVCTT của các bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả đạt được của ngành Hải quan góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời là động lực cho tăng trưởng kinh tế của năm 2023 với kết quả GDP đạt trên 5,05%. Dù không đạt so với mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều màu xám. |
Năm 2023 ghi nhận nhiều kết quả trên mặt trận chống buôn lậu. Xin Tổng cục trưởng phân tích rõ nét hơn về kết quả nổi bật đạt được trong năm vừa qua? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2023, sau đại dịch Covid-19 tình hình tội phạm nói chung và buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa được nhận định diễn biến hết sức phức tạp. Tổng cục Hải quan đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng nghiệp vụ: Kiểm soát hải quan, Kiểm tra sau thông quan, Thanh tra- Kiểm tra để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm. Công tác hợp tác quốc tế về chống buôn lậu được tăng cường, đi vào thực chất, hiệu quả thông qua các kênh song phương, đa phương để kết nối, trao đổi thông tin. Năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.993 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.476 tỷ đồng, tăng 42,64% so với năm 2022. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 40 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ; số tiền thu nộp ngân sách khoảng 498 tỷ đồng. |
Năm 2023, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả hết sức nổi bật. Xin Tổng cục trưởng đánh giá về sự chuyển biến trên mặt trận đấu tranh đầy hiểm nguy, gian khổ này? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2023, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trên đường hàng không, chuyển phát nhanh. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, không theo quy luật với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động. Tổng cục Hải quan đã khẩn trương nghiên cứu, kịp thời ban hành nhiều văn bản cảnh báo nghiệp vụ về phương thức, thủ đoạn cất giấu ma túy; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phối hợp và hợp tác quốc tế để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. |
Năm 2023, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 263 vụ, 303 đối tượng (cơ quan Hải quan chủ trì 121 vụ), tang vật thu lên đến hơn 2,8 tấn ma túy các loại, được xem là lượng ma túy thu giữ lớn nhất từ trước đến nay của ngành Hải quan. Điển hình như: Tháng 9, Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 1,3 tấn ma túy ketamine “ngụy trang trong vỏ bọc xi măng” (tại Hải Phòng và Hà Tĩnh). Cục Hải quan Hà Nội đã tham gia bắt giữ 45 vụ, thu giữ khoảng 825 kg ma túy các loại, gấp khoảng 3 lần so với năm 2022… Qua đấu tranh, lực lượng Hải quan đã làm rõ nhiều phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy hết sức tinh vi như: cất giấu trong hàng hóa, hành lý, phương tiện… (như: bánh kẹo, sữa, thức ăn chó mèo, đồ điện tử, “ngụy trang” trong bao xi măng, trong thùng xe được hoán cải..); sử dụng mạng xã hội để giao dịch, mua bán, khi giao hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ vận chuyển của các hãng vận tải, thuê xe công nghệ… để theo dõi quá trình di chuyển và sẵn sàng bỏ hàng khi phát hiện có bất thường. |
Kết quả trên cho thấy, trình độ, năng lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công chức hải quan ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ sự chủ động và khẳng định được vai trò của cơ quan Hải quan là một trong bốn lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy (cùng với Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển). |
Về nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, toàn Ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nỗ lực thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Thưa Tổng cục trưởng, để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện, năm 2024 toàn Ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nào? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2024 toàn Ngành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; Công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; Công nghệ chuỗi khối và Điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ. Để chuyển đổi số thành công, toàn Ngành cần nghiên cứu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |
Trước tiên, cần tập trung nguồn lực thực hiện thành công xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, từ đó tạo tiền đề để tiến tới thực hiện hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh. Hệ thống sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS, là sự đột phá trong chuyển đổi số của ngành Hải quan. Đây là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan. Phấn đấu trong quý 2/2024 hoàn thành việc xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan và tiếp tục thực hiện các lộ trình tiếp theo của mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh. Đồng thời, ngành Hải quan cần chủ trì, chủ động, tích cực trong triển khai các nhiệm vụ về thực hiện cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn và các địa bàn khác. Song song đó, cần quan tâm chuyển đổi số nội Ngành; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; xây dựng lực lượng và tổ chức biên chế phù hợp trong tình hình mới. |
Với các nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 cho toàn Ngành như thế nào, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2024, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, khó lường, là năm đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm toàn ngành Hải quan triển khai cuộc “cách mạng lần thứ 2 về hiện đại hóa” hải quan, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn, toàn Ngành cần quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục tạo thuận lợi thương mại tối đa theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Hải quan. Tập trung hoàn thiện các Nghị định như: Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia… |
Đối với nhiệm vụ thu ngân sách, bám sát các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để xây dựng các giải pháp thu ngân sách 2024 một cách hiệu quả, nỗ lực thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao của cả năm. Về công tác chống buôn lậu; phòng, chống ma túy, phát huy thành tích đạt được trong năm 2023 để tập trung đấu tranh một cách hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm tội phạm với quan điểm “đấu tranh từ sớm, từ xa”. Ngoài tội phạm ma túy và các loại tội phạm truyền thống, cần chú trọng phòng, chống các loại tội phạm mới như xuất, nhập khống hàng hóa; mua bán hóa đơn để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài… Ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan… Vấn đề con người luôn có yếu tố then chốt, vậy công tác xây dựng lực lượng trong bối cảnh chuyển đổi số được đặt ra thế nào, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Toàn Ngành cần chủ động nghiên cứu các quy trình, quy chế về công tác cán bộ chuẩn bị sửa đổi bổ sung theo các văn bản mới của Chính phủ, Bộ Tài chính. Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ 7 tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành Hải quan (10/9/1945-10/9/2025). Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, hoạt động hiệu lực hiệu quả. |
Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng... thông qua các chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan (ban hành tại Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/4/2023) với hơn 980 hành vi vi phạm đã được cụ thể hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại (máy soi container, hệ thống camera giám sát, seal điện tử…)… vừa phục vụ thông quan hàng hóa nhanh chóng vừa phòng, chống sách nhiễu, tiêu cực. |
Vì vậy, tôi mong muốn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành phát huy bề dày truyền thống, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trọng tâm là thực hiện thành công công tác chuyển đổi số. Thay mặt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp đối với sự phát triển của Hải quan Việt Nam. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan qua các thời kỳ lời chúc An lành, Hạnh phúc và Thành công! Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng cục trưởng cùng gia đình Năm mới An khang, Thịnh vượng! |