e magazine
07:44 | 04/09/2024
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

07:44 | 04/09/2024

(HQ Online) - Trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, Hải quan Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập. Trong bối cảnh ngành Hải quan đang chuyển mình cải cách, hiện đại hóa mạnh mẽ, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan để chia sẻ thông điệp quan trọng về mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển Hải quan Việt Nam thời kỳ mới.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Xin được chúc mừng Tổng cục trưởng được tín nhiệm giao trọng trách người đứng đầu ngành Hải quan, Tổng cục trưởng có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình trên cương vị công tác mới?

Trước tiên, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới lãnh đạo các cấp đã quan tâm, tin tưởng giao phó tôi đảm đương trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, tôi xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Tổng cục; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

Nhận trọng trách người đứng đầu ngành Hải quan vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề. Trên cương vị công tác mới, tôi sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả các thế hệ lãnh đạo trước đây, đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp; sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của tập thể lãnh đạo Tổng cục, cũng như công chức, người lao động trong toàn Ngành.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Trong thời điểm kỷ niệm 79 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Việt Nam, Tổng cục trưởng có thể điểm lại những đóng góp nổi bật của Ngành vào thành tựu chung của ngành Tài chính và của đất nước?

Thời điểm lịch sử ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gian thu”- tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Sự kiện này khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của lực lượng Hải quan đối với sự tồn tại và phát triển của chính quyền nhà nước, khẳng định chủ quyền quốc gia về kinh tế đối ngoại của nước ta.

79 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Tiêu biểu là: hệ thống pháp luật về lĩnh vực hải quan đã cơ bản được hoàn thiện theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; chất lượng, trình độ công chức hải quan ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại…

Những năm qua, ngành Hải quan luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác chung của ngành Tài chính và vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; khẳng định được vai trò, vị thế uy tín trong khu vực và quốc tế.

79 năm là chặng đường nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ công chức, viên chức, người lao động của ngành Hải quan để xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam từ thủ công, thô sơ từng bước tiến lên hiện đại, trở thành một trong những ngành tiên phong trong cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đến nay, Hải quan Việt Nam có cơ cấu tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ công chức hải quan phát triển về số lượng và trình độ năng lực chuyên môn vững vàng, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Hải quan đã nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp luật theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng trang thiết bị hiện đại… để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan liên tục trong nhiều năm, ngành Hải quan đã góp phần quan trọng vào tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, đưa quy mô kim ngạch thương mại của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và lập kỷ lục hơn 730 tỷ USD vào năm 2022. Hiện nay, nước ta trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.

Về công tác thu ngân sách nhà nước, với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, ngành Hải quan đã áp dụng nhiều giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, kéo theo tỷ trọng đóng góp về thu ngân sách của ngành Hải quan ngày một lớn. Riêng trong giai đoạn 10 năm gần đây (2014 – 2023) số thu của ngành Hải quan thu đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2004 - 2013.

Kết quả thu ngân sách của ngành Hải quan góp phần quan trọng vào ổn định tiềm lực tài chính quốc gia và đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh sự phát triển kinh tế thương mại và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, hàng không. Đặc biệt những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia hết sức nóng.

Với trách nhiệm được giao, các thế hệ công chức hải quan đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh và kịp thời phát hiện, triệt phá, xử lý nhiều vụ án. Những năm gần đây, ngành Hải quan đã chủ trì và tham gia triệt phá nhiều chuyên án lớn, có những vụ thu giữ hàng trăm kg ma túy, hàng tấn ngà voi, hàng triệu bao thuốc lá… tổng trị giá hàng hóa vi phạm được thu giữ mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Quan trọng hơn, vai trò chủ động trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành Hải quan thể hiện rõ qua từng chuyên án; phát hiện, làm rõ thủ đoạn, tính chất phức tạp của vụ án; khởi tố nhiều vụ việc, đối tượng…

Tổ chức bộ máy ngành Hải quan được cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Trước yêu cầu hội nhập, phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ đặt ra với toàn Ngành là hết sức nặng nề, theo Tổng cục trưởng, đâu là những thuận lợi, khó khăn đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan trong bối cảnh hiện nay?

Quá trình xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam có được thuận lợi khi luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện đầu tư về nguồn lực, cơ sở vật chất; bên cạnh đó là sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế những năm gần đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành Hải quan phát huy năng lực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình.

Đặc biệt là ngành Hải quan luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động các thế hệ trong việc xây dựng Ngành.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chủ động xác định, giai đoạn hiện nay và thời gian tới, toàn Ngành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do khối lượng công việc ngày một lớn. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có bất ổn chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; bên cạnh đó thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề cả trong nước và thế giới.

Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.

Mặt khác, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất nhập khẩu; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ kéo theo những thay đổi về phương thức giao dịch trong thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại điện tử đặt ra những thách thức và yêu cầu hết sức nặng nề với ngành Hải quan trong việc vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh, an toàn cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện có những vướng mắc, khó khăn về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực biên chế còn thiếu đối với ngành Hải quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh đó, ngành Hải quan tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao độ để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Thưa Tổng cục trưởng, vậy mục tiêu đặt ra với toàn Ngành như thế nào để có thể tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao?

Trước tiên, từ nay đến cuối năm 2024, toàn Ngành cần tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả năm. Đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số; quyết liệt thực hiện các giải pháp về thu ngân sách; nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2025)…

Về dài hạn, bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành nỗ lực xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, có trình độ ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh…

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với cơ quan Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các bộ, ngành và các bên liên quan khác.

Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp công tác Hải quan giải quyết vấn đề nội tại của Ngành, đặc biệt là đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của công chức hải quan. Trong đó, chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện…; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của cơ quan Hải quan cũng như của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Trong giai đoạn 2024-2025, ngành Hải quan sẽ cải cách toàn diện công tác hải quan để đạt được mục tiêu đổi mới, cải cách, hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Vậy toàn Ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa Tổng cục trưởng?

Để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn Ngành cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, toàn Ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng, sửa đổi Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, trình cấp có thẩm quyền đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan; xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Hải quan xanh…

Thứ ba, đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, trước tiên là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới đáp ứng yêu cầu trong thông quan hàng hóa, tiến tới việc thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh trên nền tảng số, cơ sở dữ liệu tập trung cấp Tổng cục.

Về nội dung chuyển đổi số, bám sát Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và các kế hoạch liên quan của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung vào 3 trụ cột là: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06 của Chính phủ); Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thực hiện cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh và cảng biển số, phấn đấu hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu triển khai nền tảng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh với các nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào và Campuchia) và cảng biển số trong phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, toàn Ngành cần tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan tại Công văn số 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Thứ tư, xây dựng tổ chức bộ máy tinh, gọn, giảm đầu mối trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Theo đó, toàn Ngành cần chủ động, tích cực tổ chức thực hiện khi Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 65/2015/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trong đó, chú trọng rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp làm cơ sở thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại…

Thứ năm, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, cần tiếp tục phát huy hiệu quả về hợp tác quốc tế, đặc biệt là tiếp tục tăng cường vai trò của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện Chiến dịch Con Rồng Mê Kông về chống buôn lậu động thực vật hoang dã và đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Thứ sáu, về kiểm tra sau thông quan, tập trung xây dựng mô hình tổ chức kiểm tra sau thông quan tập trung ở cấp Tổng cục; áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan… Cùng với đó là mở rộng công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan đối với thương mại điện tử, đây là phương thức mới trong hoạt động thương mại quốc tế và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành cần tập trung nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Đồng thời xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý thương mại điện tử.

Thứ tám, đối với lĩnh vực hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan, nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan tại các khuôn khổ ASEAN, WTO, APEC, ASEM, WCO, GMS... trên cơ sở các định hướng chung về hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam, để góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại.

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Năm 2025 ghi dấu 80 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2025) và cũng là năm tổ chức Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VII, vậy yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với toàn Ngành là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Năm 2025 là năm có nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước như: 95 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 80 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, 80 năm ngày Quốc khánh, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Đặc biệt, năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của ngành Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2025).

Ngành Hải quan sẽ triển khai các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành về tinh thần yêu nước… Hun đúc tình cảm gắn bó, ý thức trách nhiệm của công chức trong xây dựng, phát triển, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành Hải quan trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đóng góp xứng đáng vào việc bảo vệ lợi ích, chủ quyền và phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, kịp thời trong và ngoài Ngành bằng những hình thức hiệu quả, đặc biệt là cải cách, hiện đại hóa và thực hiện chuyển đổi số toàn diện của ngành Hải quan...

Hưởng ứng và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính và ngành Hải quan, chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VII năm 2025…

Phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sáng tạo của mỗi công chức, viên chức, người lao động quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030…

Đối với việc xây dựng điển hình tiên tiến trong toàn Ngành, cần hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và địa phương (nơi cơ quan Hải quan đóng trên địa bàn).

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Kính chúc Tổng cục trưởng trên cương vị công tác mới sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao!

(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan

Thái Bình - Thiên Ngân

Phiên bản di động