NĂM 2024, ĐÁNH DẤU CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM NGÀNH HẢI QUAN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN QUAN HỆ ĐỐI TÁC HẢI QUAN-DOANH NGHIỆP Ở 3 CẤP TỔNG CỤC, CẤP CỤC HẢI QUAN VÀ CẤP CHI CỤC HẢI QUAN. 10 NĂM QUA, LỰC LƯỢNG HẢI QUAN CÁC CẤP ĐÃ CÓ NHIỀU CÁCH LÀM HAY, SÁNG TẠO, ĐA DẠNG NHẰM CUNG CẤP ĐẾN CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH TỪ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN VĂN BẢN MỚI ĐẾN HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI QUY TRÌNH, THỦ TỤC HẢI QUAN CHUYÊN SÂU... CƠ QUAN HẢI QUAN CŨNG THƯỜNG XUYÊN TRAO ĐỔI, THẢO LUẬN VỚI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐỂ TÌM KIẾM GIẢI PHÁP TỐI ƯU, GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN. |
Kể từ năm 2010, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã lựa chọn chủ đề của Ngày quốc tế Hải quan là quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, qua đó cộng đồng Hải quan cùng nhau hỗ trợ và cải thiện mối quan hệ này. Trong các năm tiếp theo, WCO cũng lựa chọn chủ đề về quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp như: “Kiến thức”; “Kết nối”; “Sáng tạo vì sự tiến bộ Hải quan”; “Chia sẻ thông tin để đẩy mạnh hợp tác”; “Phối hợp quản lý biên giới: Các bên liên quan kết nối một cách toàn diện”… Tại Việt Nam, triển khai Luật Hải quan; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, Hải quan Việt Nam luôn xác định việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển là ưu tiên hàng đầu. |
Ngành Hải quan cũng xác định việc thiết lập quan hệ đối tác với các bên liên quan trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Cụ thể, cơ quan Hải quan đã hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện quan hệ đối tác như Quyết định số 2736/QĐ-TCHQ; Quyết định số 1200/QĐ-TCHQ; Quyết định số 1761/QĐ-TCHQ; Quyết định số 2567/QĐ-TCHQ; Quyết định số 241/QĐ-TCHQ... Không những thế, cơ quan Hải quan còn chú trọng hình thành bộ máy thực hiện phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp các cấp. Theo đó, tại cấp Tổng cục, Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan là đơn vị đầu mối tham mưu thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác. Tại cấp Cục, đến cuối năm 2018, 100% cục hải quan các tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ Tư vấn Hải quan-Doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng chủ động thiết lập đồng bộ quan hệ đối tác với các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân từ cấp Tổng cục, Cục, Chi cục và đã mang lại nhiều kết quả tích cực được các bên đối tác, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. |
Trong đó, cơ quan Hải quan đã chủ động đẩy mạnh thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Tạp chí Hải quan, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để cộng đồng doanh nghiệp, người dân nắm bắt, hiểu rõ quy định chính sách về pháp luật hải quan; tích cực trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu cho các vấn đề liên quan, tháo gỡ vướng mắc, từ đó cải thiện điều kiện phục vụ, đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ, hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan… Cơ quan Hải quan cũng tổ chức hoạt động hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp để thực hiện một hoặc nhiều nội dung công việc đáp ứng nhu cầu hợp tác của các bên trên cơ sở đồng thuận, thống nhất giữa các bên. Hàng năm, ngành Hải quan tiếp nhận và hỗ trợ hàng nghìn lượt đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin và giải quyết vướng mắc của người khai hải quan, người nộp thuế, doanh nghiệp… liên quan đến chính sách hàng hóa, thủ tục thuế, phí, lệ phí… Cục hải quan các tỉnh, thành phố cũng chủ động tiếp nhận, trả lời, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp bằng văn bản, qua điện thoại, qua website của đơn vị một cách nhanh chóng kịp thời. |
Nơi “cửa ngõ” biên giới đường bộ, các cảng biển quốc tế hay các khu công nghiệp, lực lượng Hải quan luôn coi phát triển quan hệ đối tác là một hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, góp phần nâng tầm, đưa mối quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất. Để cụ thể hoá chủ trương lớn của ngành Hải quan về phát triển quan hệ đối tác, 10 năm qua (2014-2024), ở 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã căn cứ vào kế hoạch phát triển hàng năm của Tổng cục Hải quan để triển khai một cách bài bản, khoa học. Ngoài triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Tổng cục, nhiều đơn vị đã vận dụng linh hoạt và có cách làm sáng tạo thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực. Đơn cử như tại “cửa ngõ” biên giới Đông Bắc Tổ quốc, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức triển khai Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Chi cục (viết tắt là CDCI) nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng quản lý điều hành ở cấp cơ sở cũng như hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các chi cục trực thuộc trong triển khai nhiệm vụ, cũng như hoạt động hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất, kể từ năm 2017 đến nay, Hải quan Quảng Ninh đã thành lập Tổ cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp (viết tắt là Tổ ISEC) do đồng chí Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. |
Tổ “phản ứng nhanh” hoạt động với phương châm “Tận tụy nhất - Nhanh chóng nhất-Hài lòng nhất”, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 24/7, chịu trách nhiệm đầu mối tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Tại các khu vực cảng Hải quan hay TP Hồ Chí Minh, lực lượng Hải quan cũng triển khai nhiều cách làm sáng tạo để phát triển quan hệ đối tác. Kể từ năm 2020 đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng đã xây dựng và duy trì “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục”. Hệ thống giúp ghi nhận ý kiến đánh giá, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của công chức ở từng tờ khai, hồ sơ cụ thể để đơn vị kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý mọi hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chậm trễ, sai sót nghiệp vụ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong quá trình giải quyết thủ tục. |
Còn tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nhằm đưa hoạt động phát triển quan hệ đối tác đi vào cuộc sống, đơn vị đã triển khai sáng kiến “Giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan-Phòng chờ làm thủ tục hải quan tại ICD Phước Long 3”. Và, kể từ năm 2023, khách đến làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV có phòng chờ được bố trí bàn, ghế, nước uống, máy lạnh, màn hình hiển thị danh sách tờ khai, bảng niêm yết các thủ tục hành chính, có trang bị máy tính kết nối mạng internet, kết nối với máy in. Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp trong thời gian qua đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; giúp cho doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả. Đồng thời, tạo môi trường làm việc thân thiện, có sự thấu hiểu và chia sẻ giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao. |
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ: 10 năm qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô. Là doanh nhân có nhiều gắn bó với công tác hải quan, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. “Chúng ta đã và đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược, không chỉ dừng lại ở các thủ tục thông quan, mà còn là một sự hợp tác toàn diện, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hiệu quả”, Chủ tịch IPPG chia sẻ. Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận: Ngành Hải quan đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục… Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu. |
Các sáng kiến như “Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên” cũng là một sự cải cách vượt bậc của Hải quan Việt Nam. Nhờ đó, các doanh nghiệp tuân thủ tốt đã có thể rút ngắn thời gian thông quan, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo lòng tin với các đối tác quốc tế, góp phần thúc đẩy việc toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh quốc tế… Để tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị, đề xuất cơ quan Hải quan 6 nội dung quan trọng. Cụ thể, cơ quan Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Đồng thời, cần đơn giản hóa thêm thủ tục, mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp. Không chỉ đối với cơ quan Hải quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng cùng chính nhờ sự chủ động của mính đã giúp cho quan hệ hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp ngày càng khăng khít, trở thành nền tảng để doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn Là một doanh nghiệp ưu tiên, Công ty TNHH Compal Việt Nam luôn đặt việc tự tuân thủ pháp luật hải quan lên hàng đầu. Ông Allen Huang, Tổng Giám đốc Compal Việt Nam cho biết, Compal Việt Nam cũng chủ động đề xuất những điều chỉnh về quy định, vừa đáp ứng yêu cầu tuân thủ vừa thích ứng với những mô hình kinh doanh mới, bao gồm các mô hình lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp mang lại lợi ích rõ rệt, đó là quá trình trao đổi, kết nối, và học hỏi từ cơ quan Hải quan giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng tự tin hơn khi thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và những hạn chế trong các quy định hiện hành. Nhờ vậy, Compal Việt Nam đã có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững. |
Tổng cục trưởng có thể cho biết ngành Hải quan đã và đang triển khai các hoạt động nào để nâng tầm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn để ổn định và phát triển. Cơ quan Hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế. Cơ quan Hải quan cũng tập trung tham vấn cộng đồng doanh nghiệp các chính sách, quy định pháp luật về hải quan và thuế; các chương trình cải cách, hiện đại hóa trọng điểm trước khi được ban hành; các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan luôn được ngành Hải quan đặc biệt chú trọng, thực hiện thống nhất trong toàn Ngành, dưới nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt. Hàng năm, cơ quan Hải quan đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại Hải quan-Doanh nghiệp và đã xử lý hàng chục nghìn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Công tác giám sát thực thi pháp luật được các đơn vị trong ngành Hải quan chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh, qua đó doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ cũng cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các Chi cục. Các hoạt động hợp tác Hải quan với các Hiệp hội và doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh để tham vấn, xây dựng chính sách, pháp luật; trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định, chính sách mới trong lĩnh vực hải quan, quá trình thực thi pháp luật và thực hiện các sáng kiến về cải cách phương thức làm việc nhằm triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. |
Ngành Hải quan sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo phù hợp với đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác thông tin. Thưa Tổng cục trưởng, thời gian tới, Hải quan Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp gì trong công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Hiện nay Hải quan Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có mục tiêu: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”. Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Với mục tiêu xây dựng và phát triển Ngành trong giai đoạn tới, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan. Ngành Hải quan sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo phù hợp với đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác thông tin. Những mục tiêu và giải pháp về phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan nêu trên của ngành Hải quan sẽ tạo động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; giúp cho doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng! |