Nhận diện những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bước vào một “cuộc cách mạng” mới khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất từ tuyến tính sang tuần hoàn. Hành trình mới này không chỉ giúp “chữa lành” những tổn thương về môi trường sau một thời gian dài sản xuất, canh tác chạy theo năng suất mà còn giúp mở ra triển vọng đầy tươi sáng cho nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. |
Bước chân vào nhà máy sản xuất nha đam xuất khẩu của Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) – thành viên thuộc GC Food Group tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là một bức bích họa lớn ở ngay phía trước nhà máy kèm theo câu slogan: “Tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc”. Phía sau bức bích họa đó, mọi thứ thậm chí còn ấn tượng hơn gấp nhiều lần. Đó chính là việc GC Food đã xây dựng được quy trình khép kín, tạo ra vòng đời mới cho các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Giới thiệu về mô hình nông nghiệp tuần hoàn của DN mình, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food Group cho biết, nếu như các công ty khác trồng nho hoặc trồng táo có thể tốn hàng chục triệu đồng phân bón cho mỗi hecta hàng năm thì ở GC Food lượng phân bón vô cơ để sử dụng cho các diện tích nông nghiệp này không đáng kể bởi phần lớn là nguồn phân hữu cơ tự sản xuất từ cỏ lá, nha đam cũng như phân bò, cừu ủ hoai. Điều này đã giúp làm giảm giá thành sản xuất và giá cả đầu ra vẫn tương đương các sản phẩm thông thường. Ông Hoàng Xuân Hậu, Phó Giám đốc kinh doanh Nông trại Nắng & Gió cho biết, mỗi năm công ty có khoảng gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng từ việc trồng và chế biến nha đam được thải ra. Số phụ phẩm này được thu gom làm men vi sinh và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác (táo, ổi, dưa lưới, rau...) đem lại những sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, số lượng lớn. Với việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi trong một vòng tuần hoàn khép kín từ nhà máy đến trang trại, ông Thứ cho biết quá trình sản xuất nông nghiệp của công ty hoàn toàn không tạo ra chất thải. “Thời gian qua, giá phân bón vô cơ tăng cao nhưng chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Với tỷ trọng khoảng 20-30% trong giá thành sản xuất, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh do doanh nghiệp sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, có lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra được sản phẩm sạch và phát triển bền vững” – ông Thứ nhấn mạnh. |
Nông nghiệp từ lâu đã là một ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như diện tích đất canh tác, độ phủ của rừng, các vùng lãnh hải, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động dồi dào và chi phí hiệu quả. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt là ngành nông nghiệp phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ đang chú trọng giải quyết một trong những thử thách khó khăn nhất – biến đổi khí hậu – để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và tiếp tục tỏa sáng, đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam. Sau khi đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 về cân bằng phát thải, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đây là chính sách quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam, vạch ra những mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính. Cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp cũng đã được khẳng định trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt năm 2022. Đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu lớn này, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp ngày càng chủ động và nghiêm túc hơn trong phát triển, thực hiện chiến lược bền vững của mình - từ mô hình kinh tế tuần hoàn tới chuỗi cung ứng bền vững. Các doanh nghiệp chú trọng hơn đến nông nghiệp xanh không chỉ để giúp Việt Nam giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về sản phẩm bền vững từ các thị trường xuất khẩu. Theo đó, ngoài GC Food, bức tranh nông nghiệp tuần hoàn của Việt Nam có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp, từ những tên tuổi lớn như PAN Group, Vinamilk, TH True Milk, Vinamit, TTC AgriS, Nestlé Việt Nam đến những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Huy Long An, HG Farm và thậm chí có cả những hợp tác xã. |
Công ty TNHH Huy Long An cũng đang triển khai một mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên diện tích 240 ha tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Theo đó, trong quy trình sản xuất trái chuối già Nam Mỹ xuất khẩu, những trái chuối không đạt tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc sẽ được loại ra để làm thức ăn cho đàn bò. Phân bò được phơi khô, phun chế phẩm sinh học để xử lý rồi phối trộn thành phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng trở lại cho vườn chuối và các loại trái cây khác như bưởi, măng cụt, đồng cỏ cho bò ăn. Bên cạnh đó, phần rác thải từ thân cây chuối, cỏ dại sau khi cắt bỏ cũng được xay nhỏ, ủ hoai để tạo sinh khối giúp tăng độ ẩm và tơi xốp cho đất. |
Ở những DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế mạnh hơn, mô hình nông nghiệp tuần hoàn thậm chí còn được nâng lên một tầm cao hơn. Với mô hình hoạt động gồm nhiều công ty thành viên trong lĩnh vực giống cây trồng, lúa gạo, thủy sản, chế biến thực phẩm…, mô hình tuần hoàn của Tập đoàn PAN Group thậm chí còn mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc R&D của PAN Group cho biết, trong sản xuất tôm, khoảng 7,5 nghìn tấn đầu và vỏ tôm mà PAN sản xuất ra hàng năm thay vì phải tốn chi phí xử lý rác thải, giờ đây đã trở thành đầu vào của những ngành kinh doanh khác. Trong đó, khi tái chế thành thức ăn chăn nuôi thì giá trị có thể tăng lên 3-5 lần, nếu chế biến thành thực phẩm tăng từ 5 - 10 lần, còn nếu được sử dụng trong ngành dược thì giá trị có thể tăng từ 20-30 lần. Tương tự, trong sản xuất sản phẩm điều, vỏ điều trước khi làm chất đốt thì nay được dùng để ép lấy dầu. Hàng năm, với việc xử lý khoảng 2.900 tấn vỏ điều, Lafooco có thể tạo nguồn thu lên tới hơn 9 tỷ đồng. Việc xử lý vỏ điều cũng giúp tạo ra 638 tấn dầu và 2.247 tấn bã điều phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Cụ thể, bã vỏ điều sau quy trình ép dầu tiếp tục được sử dụng để tạo ra các viên nén, dùng làm chất đốt, còn dầu vỏ điều được tinh chế để làm vật liệu kết dính, sản xuất sơn chống gỉ sét, chống ẩm chống thấm, làm bột ma sát sản xuất bố thắng… Bã mắm thải ra từ nhà máy nước mắm 584 cũng được tái sử dụng làm phân bón. Phụ phẩm từ nhà máy gạo như vỏ trấu được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn. Phụ phẩm sản xuất bánh kẹo cũng được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em... Được mệnh danh là “tiểu sa mạc” của Việt Nam, địa hình của tỉnh Ninh Thuận có nhiều hoang mạc, lượng mưa hàng năm rất thấp khiến khí hậu khô cằn, nắng nóng quanh năm. Do đó, phát triển nông nghiệp tại Ninh Thuận là việc không hề dễ dàng. Thế nhưng, với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, những năm qua GC Food Group đã từng bước phủ xanh nhiều vùng đất khô cằn, nắng cháy của Ninh Thuận để trở thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, USDA Organic cho nhà máy của VietFarm. |
Ông Võ Quan Huy cho biết, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình tuần hoàn không phải là mục tiêu đặt ra ngay từ đầu, mà xuất phát từ yêu cầu cải tạo độ nhiễm phèn của đất để cứu các loại cây trồng. Sau nhiều lần thất bại trong việc dùng hóa chất để rửa phèn, ông nhận thấy rằng dùng phân hữu cơ chính là giải pháp tốt nhất. Đến nay, mô hình nông nghiệp tuần hoàn của trang trại đã chứng minh được hiệu quả một cách toàn diện cả về chất lượng các sản phẩm tạo ra trong chuỗi, tăng giá trị kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về môi trường để phát triển bền vững. Hiện, ông Võ Quan Huy cũng đang nhân rộng mô hình này tại các trang trại khác của công ty tại các địa phương khác như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng với nhiều loại cây trồng như chuối, bưởi, bơ… Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH MTV HG Farm trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang cũng là một ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế. Với 4 chuỗi sản phẩm nấm - bò - vịt - lúa cùng nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời, không có nguyên liệu hữu cơ nào bị bỏ quên trong trang trại HG Farm. Tất cả đều được ưu tiên chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi, sau đó mới làm phân bón để tối ưu hóa năng lượng sinh khối. Khi đã chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp nội tại như thức ăn và phân bón, việc canh tác tuần hoàn khép kín tại HG Farm không phát thải, không chất thải, không mùi hôi và không bị biến động theo thị trường “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vịt của HG Farm có giá thành chỉ bằng một phần ba so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Sau khi thu hoạch lúa, rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau củ quả nhiệt đới. |
Trong tất cả các chuỗi sản xuất nông nghiệp, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm luôn là mảnh ghép vô cùng quan trọng. Đây cũng chính là minh chứng cho tính hiệu quả cũng như sự phát triển bền vững của chuỗi trong tương lai. |
Ghi nhận tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất tuần hoàn, điểm chung dễ nhận thấy chính là con đường bước ra thị trường, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu khó tính với tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu đều thuận lợi hơn rất nhiều, cùng với đó là tiềm năng tăng trưởng cao. Quy trình sản xuất xanh, tuần hoàn trở thành tấm vé ưu tiên giúp hàng hóa thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, nguồn nguyên liệu là yếu tố tiên quyết. Việc sản xuất theo mô hình tuần hoàn giúp các doanh nghiệp loại bỏ gần như toàn bộ hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng cao làm đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp. Chất lượng đầu vào chính là tiền đề để đầu ra được thuận lợi và rộng mở. |
Tương tự, trái chuối mang thương hiệu Fohla của Công ty Huy Long An cũng đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là thị trường Nhật Bản với những tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Ông Võ Quan Huy lý giải thương hiệu Fohla là viết tắt của “Fruit of Huy Long An”, nghĩa là trái cây của Huy Long An. Hiện sản lượng xuất khẩu của chuối Fohla lên tới hàng nghìn tấn mỗi năm. Mặc dù trải qua giai đoạn dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng tốt. |
Tương tự, Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang đã đón nhận những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ và Hàn Quốc, giúp đa dạng hóa thị trường. Lafooco cũng vừa có thêm đơn hàng từ khách hàng mới là chuỗi siêu thị lớn tại Nhật và một số khách hàng tại Trung Quốc. Trước đó, trong năm 2022, sản phẩm snack hạt Lafooco đã lọt top 10 sản phẩm snack hạt điều bán chạy nhất chỉ sau 2 tuần có mặt trên Amazon… Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, các tiêu chuẩn “mềm” về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến tại các thị trường nhập khẩu. Dù chưa phải là quy định “cứng” nhưng việc sớm có sự chuyển đổi để bắt nhịp với xu thế này sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thêm điểm cộng khi thâm nhập thị trường. Và trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn “mềm” này sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, khiến những hàng hóa không đáp ứng sẽ lập tức bị loại khỏi sân chơi toàn cầu. |