e magazine
10:02 | 08/02/2024
LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

10:02 | 08/02/2024

(HQ Online) - Trong ca khúc “Hát về cây lúa hôm nay” sáng tác từ năm 1978, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết: “Đường lớn đã mở đi tới tương lai/ Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”. Câu hát này đến nay vẫn rất còn nguyên giá trị với ngành lúa gạo Việt Nam khi cơ hội mới từ thị trường đang mở rộng từ các FTA song phương và đa phương, cùng với những cơ chế, chính sách của nhà nước sẵn sàng cho sự tái cấu trúc mạnh mẽ ngành lúa gạo để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, đảm bảo cho hạt gạo Việt Nam tận dụng được những cơ hội mới, chinh phục những giá trị mới từ thị trường thế giới.
LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Hơn ba thập niên kể từ khi lô hàng gạo đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào năm 1989, hạt gạo Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy rực rỡ vươn ra thế giới, tạo dựng hình ảnh, dấu ấn rõ nét và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Từ một đất nước khó khăn, phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, trong nhiều năm trở lại đây Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đem lại danh tiếng và thu nhập lớn cho nông dân, DN và quốc gia. Cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và khoa học kỹ thuật đã đem lại động lực to lớn khuyến khích nông dân và các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đầu tư giúp ngành lúa gạo ngày càng phát triển.

Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay, vai trò của hạt gạo Việt Nam càng trở nên quan trọng và ý nghĩa với an ninh lương thực toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 8,3 triệu tấn gạo, mang về trị giá 4,78 tỷ USD - cao kỷ lục trong hơn 30 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Không chỉ tăng mạnh về khối lượng, chất lượng và trị giá, việc các DN Việt Nam đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của mình đã tạo dấu ấn đặc biệt trong hành trình vươn ra thế giới của gạo Việt Nam. Các sản phẩm gạo mang thương hiệu Trung An của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An; Cơm Việt Nam Rice của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời được bày bán trên kệ siêu thị châu Âu; hay gạo A An của Công ty CP Tập đoàn Tân Long… là niềm tự hào không chỉ của ngành lúa gạo mà còn của cả ngành nông nghiệp Việt Nam khi đã xóa bỏ được lời nguyền “vô danh” đeo bám suốt nhiều thập kỷ.

Sự mở cửa và tham gia sâu vào thị trường quốc tế đã đem lại động lực hết sức to lớn để khuyến khích DN, nông dân và các thành phần tham gia chuỗi giá trị về lúa gạo, đầu tư và phát triển, giúp ngành lúa gạo ngày càng đạt hiệu suất cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn gạo được dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại là dành cho xuất khẩu. Kết quả này có được là nhờ những sáng kiến, nỗ lực bền bỉ của người trồng lúa, của cộng đồng DN kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp đầu vào, của hệ thống các trường, viện nghiên cứu và sự vào cuộc sâu sát của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Minh chứng cho nhận định này của Thứ trưởng Hoàng Trung, cây lúa, hạt gạo đã mang về danh hiệu Anh hùng Lao động cho không ít người tâm huyết trong ngành này, như GS Võ Tòng Xuân, ông Hồ Quang Cua, ông Huỳnh Văn Thòn, ông Trần Mạnh Báo…

Cùng với bộ giống lúa đa dạng, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu khác nhau, các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường áp dụng, hoạt động chế biến gạo cũng ngày càng phát triển giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Gạo Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng được các điều kiện an toàn thực phẩm.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Ở thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam vẫn đang ở mức cao nhất thế giới và giữ khoảng cách xa so với gạo cùng phẩm cấp của các cường quốc xuất khẩu gạo khác. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam tại ngày 10/1/2024 có giá 653 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ ở mức 639 USD/tấn và Pakistan là 590 USD/tấn.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Dù đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam vẫn được cho là chưa bền vững. Đất cho sản xuất lúa bị cạnh tranh với các hoạt động sản xuất khác và đô thị hóa; độ dinh dưỡng của đất giảm do thâm canh thiếu bền vững. Thêm vào đó, nguồn nước phục vụ sản xuất lúa gạo sẽ bị tranh chấp mạnh khi các nước thượng nguồn xây dựng nhiều công trình thủy lợi và thủy điện, làm tổn hại hệ sinh thái tự nhiên ở lưu vực và thay đổi chế độ thủy văn.

Ngành lúa gạo còn phải đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.

PGS.TS. Nguyễn Phú Son, Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ chỉ ra rằng, các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Hệ lụy của những hợp đồng liên kết này là dễ xảy ra trường hợp các bên liên kết bội tín trong quan hệ mua bán. Kết quả là, các các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo không có đủ nguồn nguyên liệu để chế biến cung cấp cho người mua và do vậy mất dần uy tín trong kinh doanh và thị phần. Trong khi nông dân, HTX không có được đầu ra ổn định về sản lượng lúa tiêu thụ và giá bán sản phẩm, dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định. Hội tụ 2 chiều hướng này lại, cuối cùng làm cho chuỗi giá trị lúa gạo trở nên không bền vững.

Quy mô sản xuất nhỏ cũng là một điểm yếu của ngành lúa gạo Việt Nam, dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp, đồng thời gây khó khăn nhất định trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

PGS.TS Nguyễn Phú Son cũng chỉ ra rằng, bên cạnh việc tạo ra những cơ hội nhất định cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế gia tăng cũng tạo nên những thách thức không nhỏ cho ngành hàng lúa gạo, do phải đối phó với sự cạnh tranh xuất khẩu gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, và thậm chí với quốc gia xuất khẩu mới như Campuchia, Myanmar. Đồng thời phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật từ các quốc gia nhập khẩu.

Từ góc nhìn của DN, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, do sản xuất lúa một cách tự phát, manh mún nhỏ lẻ nên mấy chục năm liền, các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ bán những loại gạo có phẩm cấp thấp và trung bình có giá trị thấp, hầu hết DN không đáp ứng được các loại gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn người tiêu dùng, yêu cầu có giá trị cao. Việc tiêu thụ lúa của nông dân khi đến thời điểm thu hoạch cũng như thị trường, giá gạo xuất khẩu của doanh nghiệp luôn trong tình trạng bấp bênh không ổn định.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

“Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong mấy chục năm liền đó, ít ai nói đến thương hiệu gạo Việt Nam kể cả trong nước và quốc tế. Thậm chí một số người tiêu dùng trong nước có nhu cầu gạo cấp cao đã tìm gạo Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam để sử dụng với giá cao gấp 2 – 4 lần giá gạo Việt Nam. Mặc dù nguồn gốc, quy trình sản xuất cũng như con đường các loại gạo ấy nhập vào Việt Nam như thế nào người tiêu dùng không rõ” – ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng nêu tình trạng sản xuất và bán giống lậu dẫn đến không thể truy xuất nguồn gốc của lúa gạo, gây suy thoái nguồn gen của các giống trọng điểm, thậm chí còn vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền giống lúa… Bên cạnh đó, về mặt môi trường, ông Thuận chỉ ra nhiều thách thức từ hoạt động trồng lúa. Như việc sử dụng quá nhiều phân bón dẫn đến đất đai bị hiện tượng phú dưỡng, việc sử dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật dẫn đến người dân bị phơi nhiễm hóa chất, hạt gạo bị tồn dư thuốc trừ sâu. Ngay cả thói quen canh tác kiểu cũ cũng tạo ra nhiều khí nhà kính như oxit nitơ (NO), khí metan (CH4) do ngập nước. Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ trên ruộng gây phát thải khí CO2 và bụi môi trường…

Trong khi đó, tại hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Trên thực tế, những điểm nghẽn của ngành lúa gạo đã được nhận diện từ nhiều năm qua và không ít mô hình liên kết giữa DN và nông dân đã được triển khai, mang lại hiệu quả rất cao. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng hoàn thiện để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững chất lượng cao từ hạt giống tới hạt gạo, đủ năng lực để hàng năm cung ứng hàng triệu tấn gạo cho thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, từ năm 2015, Lộc Trời đã tham gia Chương trình sản xuất lúa gạo bền vững SRP, tiên phong áp dụng quy trình canh tác lúa gạo bền vững tiêu chuẩn SRP. Đến nay, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt tiêu chuẩn SRP100 và kết quả này đã được duy trì trong 4 năm liền từ 2020 – 2023. Ngoài ra, Lộc Trời cũng là DN có tổng diện tích vùng liên kết sản xuất lúa năm 2024 lớn nhất Việt Nam với trên 250.000 ha. Đội ngũ 3 Cùng của tập đoàn đang sát cánh từng ngày để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho trên 200.000 hộ nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Dù đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, nhưng trên thực tế, số lượng những liên kết như trên vẫn chưa nhiều. TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có 180 DN được phép xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 50 DN báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi. Điều này tiềm ẩn rủi ro và không bền vững cho tất cả các tác nhân trong chuỗi từ nông dân, HTX và DN. Thậm chí, nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo hiện rất lỏng lẻo.

Từ thực tế đó, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” – nơi chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây được xem là sự kiện quan trọng của ngành lúa gạo Việt Nam, được nhiều DN, Hiệp hội và địa phương mong đợi.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ định hướng xuất khẩu gạo giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%/năm. Theo đó, xuất khẩu gạo năm 2030 dự kiến còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,62 tỷ USD nhờ tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Những chính sách mới này đã cho thấy chủ trương rõ ràng của Chính phủ đối với ngành lúa gạo, hướng tới ngành lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng mà đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed – thành viên Tập đoàn PAN, DN đã có những bước chuẩn bị từ sớm để sẵn sàng tham gia vào đề án. Trước tiên là tập trung vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để tạo ra được bộ giống chất lượng có khả năng chống chịu và thích nghi với biến đổi khí hậu để tham gia đề án, xây dựng các giải pháp phát triển bền vững lúa gạo và Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp. Đó là động thái để đón đầu đề án với mục tiêu xây dựng 30.000 - 35.000 ha lúa chất lượng cao.

Tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, Vinaseed cùng các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của PAN Group đã ký biên bản hợp tác 3 bên (Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam – Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền 2). Hợp tác nhằm xây dựng và ứng dụng các giải pháp sản xuất lúa bền vững quy mô lớn với mục tiêu tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân và giảm phát khí thải, xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tập trung quy mô lớn trên cơ sở tham gia xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Bên cạnh đó, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam - Vinarice (thành viên của Vinaseed) cũng vừa được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đưa vào thành viên tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL”. Theo bà Liên, ngay vụ đông xuân năm 2024, Vinaseed triển khai sản xuất gần 15.000 ha lúa chất lượng cao gồm cả giống và lương thực thông qua các chuỗi liên kết bền vững tại 4 tỉnh trọng điểm lúa là Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Để đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mang lại hiệu quả cao, PGS.TS Nguyễn Phú Son cho rằng, cần ban hành và thực thi một cách nghiêm túc và triệt để các văn bản pháp luật liên quan đến việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm vật tư đầu vào, đặc biệt đối với các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ và vi sinh hiện đang lưu hành trên thị trường. Đồng thời cần phát triển và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt đối với những loại sản phẩm gạo chất lượng cao và gạo thơm đặc sản trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu; áp dụng cơ chế chế tài một cách nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, giả tạo nhãn hiệu bao bì sản phẩm, cũng như những hành vi phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao được xây dựng.

Ngoài ra, các Bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc tận dụng những cơ hội từ 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực nhằm đưa hạt gạo của Việt Nam, đặc biệt là những loại gạo thơm đặc sản thâm nhập vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, với giá cao. Đồng thời đón đầu 3 FTA đang trong quá trình đàm phán là Việt Nam – EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); ASEAN-Canada; Việt Nam-UAE (Việt Nam và các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống nhất. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, đây chính là giải pháp mang tính chiến lược của ngành hàng lúa gạo, với mục tiêu lớn biến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao từ cơ hội trở thành điểm mạnh nội tại của ngành. Những giải pháp này nếu thực hiện thành công sẽ mở ra con đường lớn đưa hạt gạo Việt Nam đến với chân trời tươi sáng mới, như lời hát trong ca khúc “Hát về cây lúa hôm nay”. Con đường này dù sẽ có không ít khó khăn, thách thức, nhưng mọi hành trình đều khởi đầu từ một bước chân. Nếu không bắt đầu sẽ không thể tiếp bước và cũng không có những kỳ tích mới cho lúa gạo Việt Nam.

LONGFORM: Đường lớn đã mở tiếp tục đưa lúa gạo Việt Nam chiếm lĩnh thế giới

Nguyễn Hiền (thực hiện) - Gia An (thiết kế)

Phiên bản di động