HQ Online- Năm 2022, ngành Tài chính đã nỗ lực không ngừng, hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước. Nhân dịp bước sang năm mới Quý Mão 2023, đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chia sẻ với Tạp chí Hải quan về một năm đầy thách thức nhưng rất đáng tự hào của ngành Tài chính. |
Thưa Bộ trưởng, năm 2022 là một năm đầy khó khăn khi kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là diễn biến phức tạp, bất ổn của tình hình địa chính trị thế giới, song nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đã đạt kết quả tích cực. Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả đạt được của ngành Tài chính đối với tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta năm qua? BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: Năm 2022, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp như: đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tác động tới nền kinh tế; chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng; việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của Mỹ, EU và một số nước để kiểm soát lạm phát đã tác động đến kinh tế toàn cầu; đặc biệt, cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã tác động rất tiêu cực tới kinh tế thế giới, đẩy giá xăng dầu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước cũng chịu tác động, ảnh hưởng mạnh: hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm…Những yếu tố bất lợi này đã tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và tài chính – NSNN năm 2022. Trong bối cảnh đó, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế - NSNN trong năm 2022, Bộ Tài chính đã ứng biến linh hoạt trong điều hành, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ cho DN và người dân, triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành thu NSNN, hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn, sự đồng lòng, quyết tâm trong thực thi nhiệm vụ của từng cán bộ, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022. Tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021, trong đó, ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán. Số thu này trong bối cảnh thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trị giá gần 200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân, DN là thắng lợi to lớn của ngành Tài chính. |
Cùng với kết quả tích cực, nổi bật trong thu ngân sách, hoạt động quản lý chi NSNN cũng được Bộ Tài chính thực hiện theo phương châm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả; tập trung ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, kiểm soát chặt bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Tổng chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển KT-XH; chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán; các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Giá cả được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho DN và người dân; các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. |
Thu ngân sách khả quan nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc. |
Thưa Bộ trưởng, bám sát các định hướng lớn của Ngành, bên cạnh kết quả tích cực của công tác thu - chi NSNN, đâu là những điểm sáng của ngành Tài chính trong năm qua? Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả công tác quản lý của Hải quan Việt Nam trong năm 2022? BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thu – chi NSNN, trong năm 2022, ngành Tài chính còn đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành các đề án được giao trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, chủ động, kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững; điều hành giá cả phù hợp với tình hình thực tế, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu DN; làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. |
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD |
Đặc biệt, trong bức tranh sáng về công tác tài chính – NSNN năm 2022, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của Hải quan Việt Nam, thể hiện trên các mặt công tác trọng tâm như: vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia. Đến hết ngày 31/12/2022, thu ngân sách của Hải quan Việt Nam đạt 437.383,3 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực có dấu hiệu chậm lại thì đây là những con số thực sự ấn tượng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tạo nên điểm sáng cho kinh tế VIệt Nam. Trong năm 2022, Hải quan Việt Nam cũng tiếp tục ghi dấu ấn với công tác cải cách hành chính khi dẫn đầu khối Tổng cục trong Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2021 của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Hải quan Việt Nam cũng đã tích cực đấu tranh trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa..., triệt phá nhiều chuyên án lớn vận chuyển trái phép chất ma túy với thủ đoạn tinh vi, khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng Hải quan trong công tác phòng chống tội phạm, ma tuý. Với truyền thống đó, tôi tin tưởng rằng, năm 2023 và những năm tiếp theo, Hải quan Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. |
Năm 2022, việc xây dựng, ban hành cũng như thực thi chính sách tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH có vai trò hết sức quan trọng của ngành Tài chính. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn vai trò của ngành Tài chính trong xây dựng và triển khai các chính sách này trong năm qua? BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: Đầu năm 2022, tại phiên họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội đã ban hành một chính sách đặc biệt - chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân, DN. Chính sách này là trọng tâm của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với mức hỗ trợ lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán, chuẩn bị nguồn lực và tham mưu các giải pháp tài khóa của Chương trình này để trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành. Đến giờ phút này, có thể nói, chính sách tài khóa, tiền tệ đã đóng góp quan trọng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2022. Với phương châm mọi chính sách tài khóa đều lấy người dân và DN làm trung tâm, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH. Đặc biệt, trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tạo sức ép lớn đối với lạm phát trong nước, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm các mức thuế đối với xăng, dầu cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác. Số tiền giãn, giảm, miễn thuế, phí thực hiện trong năm 2022 ước đạt gần 200 nghìn tỷ đồng - mức giãn, giảm thuế, phí lớn nhất từ trước đến nay. Thành công trong điều hành chính sách tài khóa năm 2022 chính là giảm thuế nhưng vẫn tăng thu ngân sách. |
Song song với đó, công tác chi NSNN được Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách có tính lan tỏa lớn nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, hỗ trợ DN, người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể khẳng định, việc thực thi chính sách tài khóa năm 2022 đã tác động tích cực, góp phần huy động các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất kinh doanh đã giúp tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo… Chính sách tài khóa hiệu quả cũng đã giúp Việt Nam tiếp tục được các tổ chức tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Bước sang năm 2023, dự báo vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu lớn của công tác tài chính - NSNN năm 2023 và những giải pháp trọng tâm, đột phá để ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ? BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT - XH, năm 2023, ngành Tài chính xác định mục tiêu NSNN là đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT - XH; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện... |
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã xác định 10 giải pháp, trong đó, các giải pháp trọng tâm sẽ được ngành Tài chính tập trung triển khai. Cụ thể, năm 2023, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Đồng thời, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu NSNN; điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN. Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, bảo đảm dự toán thu NSNN. Đây cũng là năm Bộ Tài chính xác định tiếp tục tích cực, chủ động, tiên phong, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm Thuế, Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán... nhằm tiếp tục rút ngắn thời gian, giảm chi phí tuân thủ cho DN. Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nền tảng đã đạt được trong năm 2022 và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, ngành Tài chính nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trong năm 2023. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Bộ trưởng cùng gia đình Năm mới An khang, Thịnh vượng! |