Là trung tâm kinh tế lớn, năng động của cả nước, và dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng TPHCM luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển của TPHCM đó là hệ thống cảng biển đủ lớn mạnh, mở đường giao thương quan trọng giữa TPHCM với các địa phương trong cả nước, với các nước trong khu vực và thế giới. TPHCM có hệ thống cảng biển dồi dào và lớn nhất cả nước, với 26 bến cảng biển lớn nhỏ, gồm: Cảng Sài Gòn, Cảng Cát Lái, Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, Cảng Tân Cảng - Phú Hữu, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT), Cảng Container quốc tế SP (SP-ITC), Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Bến Nghé… Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TPHCM năm 2023 là 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container ước đạt 24,7 triệu TEU. Đầu tiên phải kể đến Cảng Sài Gòn. Là một cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, có vị trí chiến lược quan trọng với hệ thống cảng trải dài trên khắp trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cảng Sài Gòn (tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội), cảng Hiệp Phước, Cảng Tân Thuận, cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng Sài Gòn – Hiệp Phước và cụm cảng Liên doanh như: Cảng SSIT, Cảng CMIT, Cảng SP-PSA. Cảng Sài Gòn có khả năng tiếp nhận và xử lý lượng lớn hàng hóa, container thông qua hệ thống. Theo Cảng Sài Gòn, từ 2.255 m cầu tàu từ khu vực bến Nhà Rồng, Khánh Hội và Tân Thuận (năm 1863), ngày nay tổng diện tích mặt bằng của Cảng Sài Gòn đã mở rộng hơn 86 ha, trong đó 49 ha ở quận 4, quận 7, và 37 ha ở huyện Nhà Bè. Với 22 cầu cảng có tổng chiều dài 2.969 m, và hệ thống phao trải dài khu vực sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp và khu vực Thiềng Liềng, Cảng Sài Gòn có thể vừa tiếp nhận khai thác các loại tàu hàng tổng hợp, vừa tiếp nhận tàu du lịch quốc tế. Cùng với đó, Cảng Sài Gòn còn có một hệ thống kho bãi rộng lớn trải dài từ khu Nhà rồng - Khánh hội đến Tân thuận, bao gồm 24 kho với tổng diện tích 70.518m2 và 273.000 m2 tổng diện tích bãi. Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết, thực hiện Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, Cảng Sài Gòn gặp không ít khó khăn về xây dựng kiện toàn cơ sở hạ tầng, đặc biệt là di dời một phần cầu cảng, bến bãi ra khỏi nội đô TPHCM, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của Thành phố, tiến tới di dời toàn bộ hệ thống cảng hiện tại ra cảng nước sâu và các vùng lân cận. Tuy nhiên, với tinh thần biến khó khăn thành cơ hội, Cảng Sài Gòn đã ký kết đầu tư hợp tác với các tập đoàn trong nước và quốc tế có thế mạnh trong lĩnh vực cảng biển và hàng hải; xây dựng cảng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như khu Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; Liên doanh với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn PSA Singapore, SSA Marine (Mỹ), APMI (Đan Mạch) kinh doanh ba hệ thống cảng nước sâu là Cảng SP-PSA, Cảng quốc tế SSIT, Cảng quốc tế Cái Mép CMIT. Theo báo cáo tài chính năm 2023, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần 945,4 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng thuộc Cảng Sài Gòn đạt 5,2 triệu tấn đạt 57% kế hoạch và tăng 24% so với cùng kỳ; sản lượng hợp nhất đạt 5,3 triệu tấn đạt 58% kế hoạch và tăng 27% so với cùng kỳ. |
Trong hệ thống cảng biển tại TPHCM, Cảng Tân cảng - Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng có quy mô và năng lực hoạt động hiện tại lớn nhất. Với quy mô 160 ha bãi, 1.500 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến, Cảng Tân cảng- Cát Lái là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam, đồng thời là cảng xếp thứ 30 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới. Sản lượng container XNK thông qua cảng tăng trưởng hàng năm, chiếm 89,5% thị phần sản lượng container XNK qua các cảng biển TPHCM, và chiếm 56,58% cả nước. |
Cùng hệ thống của Tân cảng Sài Gòn tại TPHCM còn có Cảng Tân Cảng – Phú Hữu, có diện tích đến 24ha và Tân Cảng - Hiệp Phước có diện tích 16,5ha. Hai cảng này được xác định là Cảng Cát Lái nối dài và nó cũng là vệ tinh nằm trong hệ thống cảng Cái Mép, dịch vụ logistics thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Tân cảng Sài Gòn được đánh giá là nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam, thuộc tốp 5 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam và xếp thứ 17 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Trong những năm qua, Tân cảng Sài Gòn tập trung phát triển mạnh các dịch vụ kinh tế biển, đồng thời, ứng dụng đồng bộ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm xây dựng “cảng thông minh”, “kho thông minh” phù hợp với xu thế “đô thị thông minh” của TPHCM. Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh cũng như suy thoái kinh tế trên thế giới, nhưng trong 3 năm qua (2021-2023) sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái vẫn luôn có bước tăng trưởng. Năm 2021, hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái đạt 5.394.448 TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet); năm 2022 đạt 5.486.547 TEU; năm 2023 đạt 5.332.130 TEU; và 4 tháng đầu năm 2024 đạt 2.355.019 TEU hàng hóa XNK. |
Các cơ sở của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đóng vai trò là cửa ngõ XNK hàng hóa quan trọng của đất nước. Hàng năm, Tân Cảng Sài Gòn đóng góp 37% tổng số thu thuế XNK và 8% tổng thu ngân sách quốc gia. Tại cảng Cát Lái trung bình hàng năm, kim ngạch XNK hàng hóa thông qua chiếm khoảng 21% cả nước, thu thuế XNK chiếm khoảng 26,7% tổng thu ngân sách toàn ngành Hải quan, khoảng 17-20% thu ngân sách TPHCM, khoảng 6% tổng thu ngân sách quốc gia; thông qua đó, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. |
Cảng biển tiếp theo tại TPHCM phải kể đến đó là Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT). SPCT là một dự án Cảng liên doanh giữa Tập đoàn Dubai Ports World (DP World) thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UEA) và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) của Việt Nam, tại Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). SPCT có quy mô được quy hoạch xây dựng 40ha, 3 bến container, chiều dài bến 950m, tiếp nhận tàu container trọng tải 50.000 DWT, tàu RORO, tàu hàng tổng hợp, tàu khách du lịch quốc tế. Ông Bùi Tú Anh, Tổng giám đốc & Giám đốc điều hành SPCT cho biết, SPCT cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng như đóng/rút hàng gạo, hàng lạnh, container và sửa chữa container lạnh. Phần lớn các doanh nghiệp của SPCT đến từ các cảng container, được thiết kế để xếp dỡ 1,5 triệu TEU mỗi năm khi hoàn thành. Từ năm 2017, cảng đã tiếp nhận ngày càng nhiều tàu RORO, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu ô tô tăng liên tục, với năng lực thông qua cảng năm 2022 đạt hơn 82.000 xe. Theo thông tin cập nhật từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước (Cục Hải quan TPHCM), năm 2023, Cảng SPCT tiếp nhận trên 60.000 xe ô tô nhập khẩu các loại. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cảng này đã tiếp nhận trên 20.000 xe ô tô nhập khẩu… Mặc dù còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động, SPCT đã có những đóng góp lớn vào số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan thông qua các khoản thuế từ hàng hóa thông qua cảng SPCT. Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước, tổng số tiền thuế từ hàng hóa thông qua Cảng SPCT trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến ngày 20/3/2024 là trên 122.165 tỷ đồng. |
Trong quá trình phát triển của cảng biển TPHCM, luôn có sự gắn kết, đồng hành của cơ quan Hải quan trong giải quyết thủ tục cho hàng hóa XNK, tàu biển xuất nhập cảnh. Trong những năm gần đây, Hải quan TPHCM đã thực hiện Kế hoạch “Cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan TPHCM là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển”, trong đó, Chi cục Hải quan và doanh nghiệp khai thác cảng đều ký quy chế phối hợp, với nhiều nội dụng cụ thể nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, Hải quan TPHCM luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phối hợp và tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp, công ty kinh doanh, khai thác cảng và các hãng tàu biển. Tuy vậy, hoạt động cảng biển tại TPHCM cũng đang còn những hạn chế, cần tháo gỡ, như: Hệ thống giao thông quanh các cảng và Hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, các Cảng ICD Phước Long, Tanamexco, Transimex. Hoạt động thi công các dự án cơ sở hạ tầng như cao tốc cũng gây ra sự cản trở cho giao thông, tăng chi phí vận tải do giá nhiên liệu và phí cầu đường tăng. Sự thiếu hụt bãi đỗ container và kho bãi chất lượng cao cũng đang tạo ra những khó khăn không nhỏ cho quá trình lưu thông và bảo quản hàng hóa, cùng với chi phí logistics cao do giá cước vận tải và phí dịch vụ tăng lên. |
Khu cụm cảng Cảng Hiệp Phước mặc dù được quy hoạch là trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ Logistics trọng điểm nhưng tới nay vẫn chưa được khai thác tối đa do thiếu đồng bộ về hạ tầng và dịch vụ… Còn theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, những hạn chế tồn tại của cảng biển TPHCM là các khu cảng nằm gần các khu dân cư, không có các tuyến đường chuyên dùng; không có đường sắt kết nối vùng, do đó kết nối giao thông đường bộ vào các cảng còn khó khăn, tăng chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Vận tải đường thủy nội địa đến các cảng khai thác còn hạn chế; chưa phát triển đồng bộ hệ thống bến sà lan, hệ thống cảng cạn kết hợp thực hiện dịch vụ logistics phục vụ hoạt động của cảng biển. Hệ thống hạ tầng kết nối với các cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống cảng biển.. Hạn chế này của cảng biển TPHCM cũng là hạn chế chung của các cảng biển cả nước những năm qua. Để định hướng phát triển cảng biển Việt Nam, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: cảng biển TPHCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An. Riêng TPHCM, có các khu: Khu bến Cát Lái - Phú Hữu; Khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp); Khu bến trên sông Sài Gòn; Khu bến Nhà Bè; Khu bến Long Bình. Ngoài ra, còn các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ, có phạm vi quy hoạch là vùng đất và vùng nước phù hợp với các quy định bảo tồn vùng dự trữ sinh quyển quốc gia. Với cỡ tàu trọng tải từ 30.000 tấn đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu khách 225.000 GT (tổng dung tích) xuất, nhập cảng… |
Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030: phát triển cảng biển TPHCM (trong nhóm cảng biển Nhóm 4) đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển TPHCM và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4: đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050: đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 đến 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 đến 1,0 %/năm… Cùng với đó, TPHCM cũng định hướng phát triển 7 trung tâm Logistics, gồm: Trung tâm Logistics Long Bình ; Trung tâm Logistics Cát Lái; Trung tâm Logistics Linh Trung; Trung tâm Logistics Khu Công Nghệ Cao; Trung tâm Logistics Tân Kiên; Trung tâm Logistics Củ Chi; Trung tâm Logistics Hiệp Phước tại Huyện Nhà Bè. |
Bên cạnh đó, TPHCM đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách gồm: đường Vành đai 3 TPHCM, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy,… Tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng. |
Ngày 22/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Theo đó, Nhóm cảng biển số 4, đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 500 đến 564 triệu tấn (hàng container từ 29 đến 33 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 đến 3,1 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 đến 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm. Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TPHCM để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép… Trước đó, TPHCM đã trình Thủ tướng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030. Theo đề án này, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. |
Theo Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM, dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng và phát triển tại cửa sông Cái Mép và vịnh Gành Rái. Đây là khu vực có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay. Cầu cảng chính dự kiến có tổng chiều dài khoảng 7 km và bến sà lan khoảng 2 km có thể đón tàu trọng tải lên đến 250.000 DWT. Tổng diện tích cảng ước tính khoảng 570 ha, trong đó khoảng 470 ha bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… và hơn 100 ha là diện tích vùng nước hoạt động cảng. Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD do Tập đoàn MSC- hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư. Khi hoàn thành, cảng sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics... |
Sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng ước đạt khoảng 2,1 triệu TEU. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047. Khu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đóng góp vào ngân sách từ 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tại Hội thảo lấy ý kiến cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do TPHCM tổ chức, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án bởi Việt Nam hiện chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế. Việc xây dựng cảng tại Cần Giờ sẽ bổ sung cho cảng Cái Mép - Thị Vải và nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia, phát triển bổ trợ nhau, vì lợi ích quốc gia. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội lịch sử cho TPHCM và cả quốc gia nên cần tận dụng để triển khai. Hiện nay có 10 cảng biển lớn nhất thế giới thì 9 cảng nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó, Trung Quốc xây dựng tới 7 cảng. Nếu Việt Nam có thêm một cảng trung chuyển thì cơ hội sẽ tăng lên. TPHCM xác định Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là cảng xanh. Việc phát triển cảng sẽ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Về lo ngại vấn đề môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã khẳng định, TPHCM nhận thức rõ không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc để hài hòa lợi ích về kinh tế - xã hội với môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, mục tiêu hướng đến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ công trình, hàng hóa, lợi nhuận đầu tư mà là sự phát triển chung của cả Cần Giờ, TPHCM và cả nước. |