e magazine
14:02 | 26/05/2025
LONGFORM: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

14:02 | 26/05/2025

Nghị quyết 198/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đặt ra yêu cầu từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế mà sẽ nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Các ý kiến khẳng định, việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh sẽ đảm bảo minh bạch hóa hoạt động, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

LONGFORM: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Nghị quyết 198/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đặt ra yêu cầu từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế mà sẽ nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Các ý kiến khẳng định, việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh sẽ đảm bảo minh bạch hóa hoạt động, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Thuế khoán là phương pháp thường được áp dụng cho các hộ kinh doanh, cá nhân có thu nhập thấp hoặc không có khả năng xác định chính xác số tiền thuế phải đóng.

Đây được coi là phương pháp nộp thuế trọn gói, trong đó khoản thuế phải đóng được quy định cụ thể cho từng cá nhân hoặc hộ kinh doanh.

Mức thuế khoán bao gồm tổng số tiền thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) gộp lại. Việc áp dụng phương pháp thuế khoán giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ dễ thực hiện mà không cần phải lo lắng về việc tính toán chính xác số thuế phải nộp hàng tháng hay hàng quý. Phương pháp này phù hợp với quy mô của nhiều hộ kinh doanh.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Việc áp dụng phương pháp thuế khoán giúp đơn giản hóa thủ tục cho các hộ kinh doanh . Ảnh: TL.

Theo PGS, TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế-Hải quan (Học viện Tài chính), bản chất của thuế khoán là xác định nghĩa vụ thuế dựa trên doanh thu ấn định ước tính. Như vậy, nghĩa vụ thuế không sát với thực tế kinh doanh, có thể cao hơn hoặc thấp hơn doanh thu thực tế. Điều này vô hình trung có thể dẫn đến thất thu thuế và giảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Các chuyên gia cũng cho rằng, áp dụng thuế khoán là xuất phát từ nguyên tắc quản lý thuế, tức là nguyên tắc trọng yếu để việc quản lý thu thuế được thuận tiện hơn. Phương pháp này đã được sử dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang phát triển, chính sách thuế khoán đã bộc lộ nhiều hạn chế, không khuyến khích tính minh bạch trong kê khai doanh thu, tạo kẽ hở để bị lợi dụng nhằm né tránh nghĩa vụ thuế. Việc áp dụng phương pháp thuế khoán cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và giám sát doanh thu thực tế, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, phương pháp thuế khoán còn tạo ra sự bất bình đẳng, bởi có những hộ kinh doanh doanh thu thực tế cao hơn nhiều so với mức khoán, nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế thấp hơn nhưng bị ấn định mức khoán cao. Đây cũng có thể xem là một trong những lý do chính khiến không ít hộ kinh doanh cố tình không “lớn mạnh” để tận dụng chính sách.

Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính), thời gian qua, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng theo hình thức thuế khoán đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước. Đó là, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển để làm giàu cho chính mình và hỗ trợ một bộ phận lao động tự do có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã và đang có những bước tiến, phát triển mạnh mẽ hơn so với kinh doanh truyền thống, đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không nhỏ.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Chính sách thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng theo hình thức “thuế khoán” đã đạt được yêu cầu mục đích nhân văn của Nhà nước. Ảnh: Thúy Nga.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Để quản lý thuế hiệu quả đối với nhóm đối tượng này, Cục Thuế (Bộ Tài chính) đang rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hộ kê khai.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Một trong những yêu cầu quan trọng tại Nghị quyết là xóa bỏ hình thức khoán thuế đối với các hộ kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/1/2026.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Kể từ ngày 1/1/2026 sẽ xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với các hộ, cá nhân kinh doanh. Ảnh: Thúy Nga.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, chuyên gia Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh khẳng định, mục đích xóa bỏ thuế khoán là để tạo sự công bằng, minh bạch, người có doanh thu thấp hơn phải nộp số thuế ít hơn.

“Xóa bỏ thuế khoán là để yêu cầu người nộp thuế phải kê khai thuế đúng doanh thu thực tế của mình”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

LONGFORM: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

"Việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp”

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Nguyễn Văn Thắng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang cho thí điểm tại một số địa bàn và thấy rằng, chính sách này rất tốt, rất hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện, nhất là điều kiện về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất cũng như các quy định để chúng ta sớm triển khai.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại, việc xóa bỏ thuế khoán sang áp dụng phương pháp thuế khác sẽ mang lại không ít khó khăn cho hộ, cá nhân kinh doanh, từ đó làm tăng chi phí tuân thủ.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Chị Phạm Thị Hải, một hộ kinh doanh đang nộp thuế khoán tại quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội chia sẻ, điều lo lắng nhất khi chuyển đổi mô hình là vấn đề sổ sách kế toán. Hàng năm, theo thông báo của cơ quan thuế, gia đình sẽ nộp một khoản thuế cố định. Nếu nếu bỏ phương pháp thuế khoán chuyển sang phương pháp thuế khác, thì với mức doanh thu hiện tại, có thể hộ kinh doanh của chị không phải nộp số tiền thuế như hiện nay, nhưng lại phải bận tâm hơn tới việc lưu trữ hóa đơn điện tử đầu vào và đầu ra, thuê kế toán …

Lo lắng này của chị Phạm Thị Hải cũng là băn khoăn của rất nhiều hộ, cá nhân kinh doanh hiện nay.

Chuyên gia Nguyễn Văn Được phân tích, hiện có 3 phương pháp nộp thuế là kê khai thuế, nộp thuế theo từng lần phát sinh và thuế khoán. Bỏ thuế khoán, người nộp thuế sẽ phải thực hiện theo phương pháp kê khai, tức là phải thực hiện đầy đủ các quy định về hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán tại Thông tư 88/2021/TT-BTC. Điều này dễ làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

Việc xóa bỏ thuế khoán được xem là mấu chốt để loại bỏ nhận định, đây là vùng “xám” của lĩnh vực thuế. Quan trong hơn sẽ tạo tính minh bạch trong kiểm soát hóa đơn đầu vào, đầu ra của hàng hóa, làm tăng tính trách nhiệm giải trình, kiểm soát và tránh hiện tượng làm giả, làm nhái trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Bỏ thuế khoán chuyển sang phương pháp thuế khác, thì hình thức hóa đơn, chứng từ với hộ kinh doanh phải đơn giản, thuận tiện. Ảnh: Thúy Nga.

Chuyên gia Nguyễn Văn Được đề xuất, cơ quan thuế có thể triển khai phần mềm xuất hóa đơn tự động, trang bị phần mềm máy tính tiền tích hợp trên điện thoại của người nộp thuế, có mã QR quét tờ khai tự động… Bên cạnh đó, pháp luật thuế cần phải sửa đổi, bổ sung phương pháp nộp thuế đơn giản, không nhất thiết phải thực hiện sổ sách kế toán để giảm áp lực chi phí xã hội, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu thu thuế minh bạch, thu đúng, thu đủ.

Cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe.

Bản thân người nộp thuế cần phải có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm cập nhật thông tin của cơ quan thuế; hoặc sử dụng các đơn vị tư vấn thuế. Người nộp thuế cũng có thể dùng quyền của mình yêu cầu cơ quan thuế hướng dẫn, tư vấn để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, theo quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Người nộp thuế cũng có thể yêu cầu cơ quan thuế hướng dẫn, tư vấn để thực hiện đúng quy định pháp luật. Ảnh: Thúy Nga.

Nghị định 70/2025/NĐ-CP yêu cầu, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.

Theo đó, kể từ ngày 1/6/2025, hàng chục nghìn hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Việc áp dụng theo quy trình mới trong quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử này nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát, tránh thất thu thuế. Quy định này cũng đặt ra yêu cầu hộ kinh doanh phải thay đổi phương pháp kê khai thuế, nâng cấp công nghệ lẫn cách thức quản lý. Đây được xem là tiền đề tiến tới xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh trong thời gian tới.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm trở lên phải áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Đây là tiền đề tiến tới xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh. Ảnh: TL.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Lê Hồng Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA Việt Nam, áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền của cơ quan thuế là bước khởi đầu mang tính chiến lược, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của các hộ kinh doanh; đồng thời là nền tảng xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp.

Không chỉ mang lại nhiều lợi ích, giúp minh bạch doanh thu, Nghị định 70/2025/NĐ-CP cũng là bước tiến quan trọng giúp các hộ kinh doanh thay đổi tư duy, áp dụng công nghệ để quản lý công việc hiệu quả hơn, tối ưu hóa quy trình và lợi nhuận. Đây cũng được coi là bước đệm tiến tới xóa bỏ thuế khóa, để hộ và cá nhân kinh doanh chuyển sang phương pháp kê khai thuế.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/QH15 về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, trong đó yêu cầu về xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh là quyết sách đúng đắn nhận được sự ủng hộ lớn của xã hội. Với tư cách là đơn vị có nhiều năm đồng hành hỗ trợ các hộ kinh doanh, bà Lê Thị Yến – CEO Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cũng đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Nghị quyết 198 /2025/QH15 của Quốc Hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó yêu cầu bãi bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh kể từ ngày 1/1/2026. Quy định này có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo sự bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước giữa các thành phần kinh tế, thưa bà?

Thứ nhất, về tầm vĩ mô – Nền tảng cho hoạch định chính sách kinh tế tư nhân dựa trên dữ liệu thực. Cơ chế khoán tồn tại trong nhiều năm khiến cho khu vực kinh tế hộ cá thể – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế – gần như là "vùng trống dữ liệu". Khi chuyển sang cơ chế tính thuế theo kê khai doanh thu thực tế và hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý mới nhìn rõ được bức tranh toàn diện, chính xác và minh bạch về hoạt động kinh doanh của khu vực này. Từ đó, Nhà nước mới có đủ căn cứ để xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân một cách thực chất, thay vì chỉ dựa trên ước tính, cảm tính hay mô hình hóa thiếu dữ liệu đầu vào.

Thứ hai, về thể chế – tăng minh bạch, giảm tiêu cực, củng cố niềm tin. Cơ chế khoán phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan và thỏa thuận giữa cơ quan thuế và hộ kinh doanh, từ đó dễ dẫn đến sự thiếu công bằng và phát sinh tiêu cực trong xác định mức thuế. Việc tính thuế dựa trên doanh thu phát sinh, số hóa qua hóa đơn điện tử sẽ nâng cao tính minh bạch, giảm dư địa cho hành vi tiêu cực, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống thuế.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Giải pháp căn cơ giúp giao dịch giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh được minh bạch, rõ ràng, và đúng luật. Ảnh: TD.

Thứ ba, về cạnh tranh – Tạo sự công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Khi thuế không còn được ấn định khoán mà tính theo thực tế, sẽ không còn tình trạng người nộp thuế ít nhưng doanh thu cao, hoặc ngược lại. Điều này góp phần tạo ra một sân chơi công bằng hơn, không chỉ giữa các hộ kinh doanh với nhau mà còn giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp chính quy.

Thứ tư, về môi trường kinh doanh – Gỡ điểm nghẽn lâu năm của doanh nghiệp. Một thay đổi rất đáng kể là khi hộ, cá nhân kinh doanh phải kê khai và xuất hóa đơn theo quy định, doanh nghiệp mua hàng từ họ sẽ không còn gặp khó khăn trong việc hợp thức hóa chi phí. Bãi bỏ thuế khoán là giải pháp căn cơ giúp giao dịch giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh được minh bạch, rõ ràng, và đúng luật.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Thứ năm, về định hướng dài hạn – Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình. Việc buộc kê khai doanh thu, sử dụng hóa đơn, quản lý dòng tiền qua tài khoản... cũng là một hình thức tạo áp lực tích cực để hộ kinh doanh nâng cấp năng lực quản trị, chuyên nghiệp hóa hoạt động, và tiến tới chuyển đổi thành doanh nghiệp chính quy. Từ đó, họ có thể tiếp cận nguồn vốn, tham gia các chuỗi cung ứng lớn, và phát triển bền vững hơn.

Tóm lại, việc bãi bỏ thuế khoán không chỉ là cải tiến về phương pháp thu thuế, mà là cuộc cải cách lớn nhằm hướng đến một hệ thống thuế công bằng, minh bạch, và hiện đại. Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, được nêu rõ trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại việc bỏ thuế khoán có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai nộp thuế mới. Là người làm công tác tư vấn thuế, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Việc tích hợp máy tính tiền với hệ thống hóa đơn điện tử không phải là điều quá khó khăn về mặt kỹ thuật. Vấn đề quan trọng không phải là “có làm được hay không”, mà là làm sao để quá trình chuyển đổi được hỗ trợ một cách bài bản và nhân văn. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý, hỗ trợ kịp thời – như có đường dây tư vấn riêng – thì sự e ngại sẽ dần được thay thế bằng sự chủ động và thích ứng tích cực.

Việc chuyển từ cơ chế khoán sang kê khai là bước đi tất yếu để hộ kinh doanh phát triển bền vững hơn, tiếp cận được với tín dụng, chuỗi cung ứng, và các cơ hội kinh doanh chính quy.

Tóm lại, lo lắng ban đầu là có nhưng với lộ trình phù hợp và sự đồng hành từ Nhà nước, các tổ chức tư vấn, hộ kinh doanh hoàn toàn có thể vượt qua và còn được hưởng lợi lâu dài từ sự thay đổi này.

Chỉ còn khoảng 7 tháng nữa, phương pháp nộp thuế khoán sẽ bãi bỏ hoàn toàn. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ kinh doanh, bà có đề xuất gì với cơ quan quản lý?

- Để tránh gây sốc hoặc quá tải tâm lý cho hộ kinh doanh, cơ quan thuế cần thực hiện song song ba nhóm giải pháp: truyền thông – hỗ trợ – cải cách thủ tục hành chính.

Về truyền thông: tăng cường truyền thông đa kênh như video, infographics, hội thảo địa phương hoặc phối hợp với các tổ chức, hiệp hội ngành hàng để lan tỏa thông tin.

Về hỗ trợ: cần xây dựng các chương trình hỗ nghiệp vụ cho hộ kinh doanh trong 6–12 tháng đầu chuyển đổi, ví dụ có thể giao cho các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các hiệp hội tổ chức các lớp miễn phí việc sử dụng phần mềm và kê khai thuế, hướng dẫn trực tiếp theo nhóm ngành nghề hoặc quy mô kinh doanh. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi hộ kinh doanh gặp lúng túng.

Emagazine: Bỏ thuế khoán- Đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Đây là cơ hội tốt để các hộ kinh doanh thiết kế lại toàn bộ hệ thống quản trị. Ảnh: Thúy Nga.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của cơ quan thuế thì rất khó đảm bảo việc hỗ trợ kịp thời, sâu sát đến từng hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt tại các địa bàn rộng và đông dân cư. Do đó, Nhà nước cần vận dụng và phát huy hiệu quả vai trò của khối tư nhân – đặc biệt là các đại lý thuế, tổ chức tư vấn chuyên môn – như một lực lượng hỗ trợ song hành, thông qua các cơ chế hợp tác công tư phù hợp.

Đây không chỉ là giai đoạn “chuyển đổi về thuế”, mà là cơ hội rất tốt để các hộ kinh doanh thiết kế lại toàn bộ hệ thống quản trị. Do vậy, thay vì tìm cách đối phó, hộ kinh doanh cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu kỹ các quy định mới, chủ động nâng cấp toàn bộ quy trình quản lý doanh thu, dòng tiền, công nợ, hàng tồn kho, chi phí...

- Xin cảm ơn bà !

Thúy Nga - Trần Ánh

Phiên bản di động