![]() | Huy động vốn ngoại, ngân hàng trông chờ nguồn tiền giá rẻ |
![]() | Tiếp tục hút dòng vốn ngoại có chọn lọc |
![]() |
Giá trị mua ròng của khối ngoại theo tháng |
Năm 2022, thị trường sụt giảm về mức định giá hấp dẫn hơn đã thu hút dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là trong quý 4/2022. Bất chấp diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền từ các quỹ ETF khởi sắc trong năm 2022. Theo số liệu của SSI Research, tính tổng cả năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,24 tỷ USD (chủ yếu trong quý 4), đây là mức cao nhất kể từ năm 2017. Trong đó, 14 quỹ ETF mà SSI Research theo dõi ghi nhận dòng vốn tăng thêm 1,1 tỷ USD cho năm 2022.
Trong tháng 1/2023, xu hướng dòng vốn từ khối ngoại tiếp tục duy trì sự tích cực. Theo số liệu của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 178,6 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trong tháng 1.
Các mã cổ phiếu được mua ròng cao nhất trong tháng là HPG (58,4 triệu USD), FUEVFVND (27,2 triệu USD), SSI (21,1 triệu USD) và VIC (18,6 triệu USD). Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng các cổ phiếu EIB (143,1 triệu USD), DGC (10,4 triệu USD) và DPM (6,6 triệu USD).
Trong khi đó, tại các thị trường lân cận, trong tháng 1, khối ngoại lần lượt mua ròng 545 triệu USD và 122 triệu USD trên sàn SET của Thái Lan và PCOMP của Philippines và bán ròng 204 triệu USD trên sàn JCI của Indonesia.
Theo các chuyên gia của SSI Research, bên cạnh dòng tiền vẫn tích cực từ các quỹ ETF trong tháng 1/2023, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán thường có độ trễ và do vậy việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 1 là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ. Xét về nhóm ngành, ngành mang tính chu kỳ như tài chính - ngân hàng và thép đang thu hút nhiều sự quan tâm nhất, có thể đến từ mức định giá hấp dẫn và yếu tố đáp ứng được điều kiện về mặt thanh khoản từ nhóm cổ phiếu này.
Với tầm nhìn đầu tư dài hạn động lực từ khối ngoại hiện đang làm nhẹ bớt những lo ngại về rủi ro ngắn hạn, bao gồm số liệu kết quả kinh doanh quý 4 đi xuống và số liệu về vĩ mô tháng 1/2022 cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset tin tưởng rằng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc làm trong sạch thị trường tài chính, đặc biệt là mảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang rất linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế chung, chẳng hạn như đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có áp lực khá lớn đối với hệ thống tài chính vẫn từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng và thị trường cần thời gian để thích nghi với khung pháp lý mới có nhiều thay đổi quan trọng.
Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, các chuyên gia của SSI Research đưa ra quan điểm về trung lập đối với dòng vốn sau một thời gian giải ngân liên tục. Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần.
Trong những ngày đầu tháng 2, dù vẫn duy trì mua ròng trên thị trường Việt Nam nhưng lực bán đã tăng lên khiến quy mô mua ròng bị thu hẹp. Tuy nhiên, theo quan sát của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, dòng vốn tích cực vẫn duy trì tại các ETF chủ cũng như lực cầu trên các ETFs chủ đạo khác tiếp tục duy trì và không có áp lực rút vốn đáng kể, điều này hàm ý rằng dòng vốn hiện tại có mức ổn định cao. Do vậy, các chuyên gia của KIS Việt Nam kỳ vọng rằng dòng vốn tích cực sẽ tiếp tục duy trì tại Việt Nam trong những tuần sắp tới.
Nguyễn Hiền