Kích cầu thị trường nội địa giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) |
Trước lời kêu gọi của Thủ tướng về kích cầu nội địa, ông nhận định như thế nào về triển vọng của giải pháp này tới phục hồi kinh tế?
- Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn bị hạn chế tại nhiều quốc gia đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách du lịch quốc tế khó đến Việt Nam hơn thì kích cầu nội địa, cả về tiêu dùng, thương mại, dịch vụ là một giải pháp hữu hiệu. Giải pháp này có tác dụng thúc đẩy chi tiêu trong nước, thúc đẩy dòng tiền lưu thông, hỗ trợ đắc lực cho các cá nhân, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi sau đại dịch.
Xin ông cho biết đâu là thuận lợi và khó khăn để việc kích cầu thị trường nội địa được triển khai hiệu quả?
- Cơ hội lớn nhất mà Việt Nam đang có được là khả năng khống chế dịch thành công, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng suốt nhiều ngày qua. Nhờ đó, kết quả kinh tế - xã hội trong tháng 5 cho thấy nhiều chỉ số kinh tế như hoạt động sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ… đã tăng trở lại, do cuộc sống đã trở lại bình thường sau giãn cách xã hội. Hơn nữa, khi hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị hạn chế, người dân sẽ chuyển sang dùng hàng nội địa nhiều hơn, dần hình thành thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy đây là tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng không nên vội mừng vì khó khăn còn rất lớn. Như với các chỉ số kinh tế - xã hội, trong tháng 3, 4, do tình hình dịch bệnh nên các chỉ số này đều giảm mạnh, tháng 5 có sự tăng lên là điều tất nhiên. Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh khi phải thực hiện các lệnh giãn cách xã hội, nhiều người dân và doanh nghiệp đã bị sụt giảm mạnh về khả năng tài chính do không có doanh thu, không được trả lương… nên sẽ mất nhiều thời gian để có thể quay trở lại chi tiêu như trước khi có dịch bệnh. Thậm chí, hiện nay, nhiều người dân lo ngại về những diễn biến vẫn phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, lo ngại có thể có một đợt bùng phát dịch mới nên chuyển sang tích trữ tài sản, không dám đẩy mạnh tiêu dùng.
Đặc biệt, dù Chính phủ kêu gọi khuyến khích doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhưng chính bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn, bị hạn chế về vốn, nên đứng trước áp lực lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng không thể kéo dài các chương trình kích cầu hoặc khó có thể giảm giá sâu.
Có thể thấy, đây là những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, các chương trình kích cầu thị trường nội địa liệu có được thuận lợi hơn hay không, thưa ông?
- Với thì hiện tại hay thì tương lai, với cả người dân và doanh nghiệp, để kích cầu thị trường nội địa luôn xoay quanh vấn đề nguồn lực. Không có nguồn lực, không có tiền thì người dân không thể đẩy mạnh chi tiêu và doanh nghiệp cũng bị hạn chế những chương trình kích cầu. Vì thế, về lâu dài, hiệu quả của chương trình hay việc kinh tế hồi phục ở mức độ nào vẫn chỉ có thể dự liệu một cách tương đối. Tất cả đang phụ thuộc vào những kết quả của việc điều chế vắc xin phòng dịch Covid-19 cũng như khả năng có bùng phát một đợt dịch mới hay không. Nếu mọi chuyện thuận lợi, kinh tế được khôi phục mạnh trở lại thì các hoạt động giao dịch, mua bán tại thị trường nội địa chắc chắn có những thay đổi.
Đặc biệt, “con đường” để thị trường nội địa phát triển hiệu quả còn nằm ở những hy vọng về làn sóng dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển các nhà máy từ các nước chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh vào Việt Nam. Nếu có sự gia tăng về số lượng và chất lượng đầu tư nước ngoài, người dân sẽ có thêm công ăn việc làm, doanh nghiệp có thêm nguồn cung cho sản phẩm… dòng tiền sẽ trở lại như trước. Ngoài ra, sức ảnh hưởng từ các chương trình hỗ trợ theo các Nghị quyết của Chính phủ như hiện nay cũng cần có độ trễ để có tác dụng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo ông, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kích cầu thị trường nội địa lần này?
- Không phải trong thời gian nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, mà từ khi chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được bắt đầu triển khai đã tạo được hiệu quả tích cực với các hoạt động kích cầu thị trường trong nước. Vì thế, trong thời điểm này, nếu hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn; thậm chí có thể thay đổi thói quen sử dụng hàng ngoại nhập của nhiều người dân hiện nay. Mặc dù vậy, như tôi đã nói ở trên, do ảnh hưởng của đại dịch, người dân còn đang thiếu nguồn tài chính, do vậy hiệu quả của chương trình cũng sẽ bị hạn chế hơn.
Rõ ràng, còn rất nhiều khó khăn để các chương trình kích cầu thị trường nội địa được triển khai hiệu quả, vậy các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đưa ra rất nhiều chương trình hỗ trợ, từ giảm lãi suất cho vay tới giảm thuế, phí cho cả người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo tôi, các chương trình như hiện tại đã rất đầy đủ và kịp thời. Nhưng vấn đề là hiện thực hóa như thế nào, cũng như phải làm sao để các chính sách này tới được đúng các đối tượng cần hỗ trợ.
Lúc này, câu chuyện lại quay trở về “bài toán” nguồn lực. Như việc hạ lãi suất, việc này phải ở mức độ nào, cho đối tượng nào, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề tài chính, lợi nhuận của các ngân hàng, vừa phải đảm bảo giữ lạm phát ở mức như kỳ vọng. Chính sách tài khóa cũng thế, nguồn tiền như thế nào hỗ trợ về thuế phí cho người dân, giảm mạnh hơn thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngân sách? Tất cả đều phải có những tính toán và chiến lược hợp lý từ cơ quan chức năng, để nền kinh tế được phục hồi và phát triển một cách hài hòa. Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp vì người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nhu cầu về mở rộng sản xuất hay chi tiêu. Vì thế, những vấn đề này là cả một quá trình lâu dài.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Xuất khẩu sang EU sẽ có nhiều khởi sắc trong 2021
07:47 | 29/12/2020 Kinh tế
Doanh nghiệp Việt Nam luôn có lợi thế “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh từ FTA
08:17 | 28/12/2020 Đối thoại
Yếu tố nào tác động đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn năm 2021-2025?
14:42 | 20/12/2020 Đối thoại
Gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng là tin vui lớn của doanh nghiệp
08:37 | 15/12/2020 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Năm 2021, doanh nghiệp dệt may phải thúc đẩy chuỗi sản xuất
07:40 | 13/12/2020 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Mở đường cho "cây trăm tỷ" thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc
08:05 | 08/12/2020 Đối thoại
Người phát ngôn Bộ Công an: Cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh vi phạm
10:22 | 04/12/2020 Đối thoại
Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế: Hiểu đúng, hiểu đủ để tránh hoang mang
08:25 | 04/12/2020 Đối thoại
Nên công khai những người sử dụng bằng giả
09:20 | 01/12/2020 Đối thoại
Ngành Hải quan tập trung cao điểm ngăn hàng lậu dịp tết Tân Sửu 2021
09:13 | 27/11/2020 Hải quan
Hải quan chủ động sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
06:32 | 24/11/2020 Hải quan
Mức độ hài lòng của DN, sự tín nhiệm của người dân đối với ngành Hải quan đã tăng lên nhiều lần
14:49 | 21/11/2020 Hải quan
Doanh nghiệp trong nước cũng có hoạt động chuyển giá
07:38 | 13/11/2020 Tài chính
Tin mới
SHB dành hơn 13 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mở mới và sử dụng tài khoản
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ BAC A BANK dịp đầu năm 2025
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics