Hình thành nhiều chuỗi liên kết giữa TPHCM với các tỉnh thành

14:22 | 24/09/2020

(HQ Online) - Thông qua chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa đã được hình thành. Từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vùng miền, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ hội đưa hàng vào các siêu thị tại TPHCM
TPHCM sẵn sàng đón cơ hội đầu tư trong tình hình mới
Hơn 500 giao dịch thành công tại hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa TPHCM năm 2019
5447 img 6802
Lễ ký kết hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành giai đoạn 2021-2025. Ảnh: N.H

Ngày 24/9, Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, mở rộng kết nối cung cầu là con đường tất yếu và quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và thị phần, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất, thương mại. Qua 5 năm triển khai, chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành Đông Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và là cầu nối kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, hiện phần lớn các doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Điển hình như Saigon Coop có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước; Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm.

Các doanh nghiệp TPHCM cũng mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh thành, giúp thúc đẩy phân phối hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả cạnh tranh đến tay người dân.

Đối với hoạt động kết nối cung cầu được tổ chức thường niên kể từ năm 2012 đến nay, đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. “Đây chính là động lực cho sự hợp tác và đòn bẩy mở ra một giai đoạn mới” – ông Vũ đánh giá.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thời gian tới sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành liên kết hợp tác, tiến đến liên kết sản xuất, liên kết xuất khẩu.

Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2020 diễn ra trong 4 ngày (từ 24 đến 27/9) với 598 doanh nghiệp đến từ 41 tỉnh, thành tham dự. Theo đó, gần 500 gian hàng giới thiệu các loại đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm an toàn từ các tỉnh, thành.

5802 img 6824
Nhiều loại thực phẩm, đặc sản vùng miền được giới thiệu tại chương trình kết nối. Ảnh: N.H

Một trong những điểm mới của chương trình năm nay là bổ sung phương thức kết nối theo chiều sâu. Ban tổ chức bố trí 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị, gồm 10 hệ thống phân phối lớn nhất TPHCM, 1 đơn vị phân phối của An Giang, 1 đơn vị logistics và 2 đơn vị xuất nhập khẩu, để các doanh nghiệp cung ứng tiếp cận, đàm phán chi tiết và giao dịch trực tiếp.

Nguyễn Hiền