Giá dầu tăng cao giúp doanh nghiệp dầu khí báo lãi lớn

(HQ Online) - Nhờ giá dầu tăng cao, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam đều được hưởng lợi mạnh mẽ, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng cao.
Tập đoàn Dầu khí thu về lợi nhuận hơn 15 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng
Doanh nghiệp dầu khí trên đà phục hồi tích cực
Cổ phiếu dầu khí được “thắp sáng” theo giá dầu phục hồi mạnh mẽ
Ảnh minh họa. Nguồn: Petrovietnam
Giá dầu duy trì ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khai thác dầu khí. Ảnh: PVN

Theo thống kê của FiinGroup, trong khối doanh nghiệp phi tài chính, doanh nghiệp dầu khí là ngành có lợi nhuận tăng tốc mạnh thứ 2, với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 257%.

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299.300 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21.300 tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Theo PVN, kết quả kinh doanh nửa đầu năm khởi sắc nhờ giá dầu thô bình quân 6 tháng là 66,8 USD/thùng, vượt 48% giá kế hoạch đề ra.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp thành viên của PVN cũng đã công bố kết quả khả quan. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn với doanh thu nửa đầu năm đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt trên 3.500 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2021, dòng khí đầu tiên của dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2A đã được tiếp nhận. Dự kiến việc đưa vào khai thác mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A có thể đóng góp 1 tỷ mét khối/năm và giải quyết tạm thời vấn đề thiếu hụt khí thiên nhiên khi các mỏ khí cũ ngày càng khó khai thác mới hơn.

Nhờ đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) đầy tích cực, với doanh thu thuần tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 40.200 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.350 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) cũng ghi nhận doanh thu 6 tháng 2021 đạt 14.350 tỷ đồng, bằng 144% kế hoạch nửa đầu năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.010 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới phân tích, giá dầu hồi phục và tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm giúp hoạt động của ngành dầu khí trong nước gặp nhiều thuận lợi. Mặc dù sản lượng dầu khí khai thác ở mức thấp nhưng vẫn đạt và vượt kế hoạch đặt ra, đặc biệt doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

Hơn nữa, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và phân phối khí, xăng dầu, các dự án đầu tư như nhà máy hóa dầu Long Sơn, kho cảng LNG Thị Vải… vẫn đang được tập trung thực hiện, sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa dầu trong nước phát triển, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp nhựa.

Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, nhờ giá dầu tăng mạnh nên chỉ tính riêng quý 2, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Petrolimex đạt 46.588 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Petrolimex ghi nhận 84.835 tỷ đồng doanh thu và 2.741 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi năm ngoái lỗ trước thuế 920 tỷ đồng.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng ghi nhận sự hồi phục đáng kể, khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 462,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước PVOil lỗ tới 306 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp dầu khí đi lùi hoặc báo lỗ. Chẳng hạn, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) báo lỗ 59 tỷ đồng trong 6 tháng 2021, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 94 tỷ đồng. Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) ghi nhận lãi sau thuế đạt 183 tỷ đồng, giảm 37% so với nửa đầu năm 2020.

Nhận định về tình hình cuối năm 2021, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, giá dầu cao và ổn định vào đầu năm 2021, so với năm 2020 đã kích thích các nhà sản xuất dầu lớn tăng sản lượng, nhằm thu thêm giá trị từ biên lợi nhuận tốt này. Hơn nữa, triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và sản lượng gia tăng từ các nhà sản xuất dầu lớn sẽ giữ giá dầu đi ngang ở mức khoảng 70 USD/thùng cho đến cuối năm 2021.

Nếu giá dầu duy trì ở mức trên 70 USD/thùng, ACBS cho rằng, các nhà sản xuất dầu đang hoạt động tại Việt Nam sẽ có động lực để đẩy mạnh công suất, do đó, tăng cường hoạt động thăm dò và thiết lập giếng dầu mới có thể mang lại lợi ích cho các công ty đầu nguồn về khai thác, chế biến dầu khí và kinh doanh xăng dầu.

Con theo nhận định của SSI Research, đối với ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu duy trì trên mức 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) cũng là một chiến lược được ngành tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều