Gạo Việt Nam có tận dụng được “cơ hội vàng”?
Cơ hội cho gạo Việt Việt Nam có thể yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, tận dụng thời cơ cho xuất khẩu gạo |
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Ảnh: ST |
Biến động lương thực trên thế giới, giá gạo nhảy múa
Vấn đề an ninh lương thực trên thế giới bắt đầu nóng lên khi Ấn Độ dừng xuất khẩu một số loại gạo thường. Sau đó đến Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đã đẩy giá lương thực thế giới bắt đầu tăng lên. Bên cạnh đó một số nước cũng có các lệnh hạn chế xuất khẩu các loại lương thực, thực phẩm khác nhằm đề phòng nguy cơ thiếu hụt. Cùng với đó, sự xuất hiện trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino với điển hình là nhiệt độ tăng cao và hạn hán gây giảm sản lượng hoặc mất mùa với các loại lương thực như gạo, lúa mì, ngô hay các loại cây trồng khác.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực:
Cần vốn để chủ động Từ trước đến nay các doanh nghiệp mua đâu thì bán đó nên vòng quay vốn của các doanh nghiệp dù có khó khăn nhưng có thể vẫn hoạt động được. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu phải tạm hạn chế bán ra trong khi lại bắt buộc phải mua vào thì chắc chắn nguồn vốn cho việc mua hàng này sẽ thiếu rất nhiều và có thể ảnh hưởng tới nông dân khi họ rất muốn bán nhưng các doanh nghiệp lại không có tiền mua. Trong tình hình hiện nay, Hiệp hội mong muốn các ngân hàng cố gắng hỗ trợ để doanh nghiệp có thể mua hàng vào và xem xét việc kéo dài thời gian bán hàng để tránh rủi ro. Hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ quan tâm sâu sát với tình hình chung của ngành lúa gạo. Vì khi nhu cầu thế giới thiếu thì trong nước có thể sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, theo đó cần đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài của Chính phủ đối với cây lúa. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Việt Nam hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực Việt Nam hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu, bởi theo chủ trương diện tích trồng lúa chỉ có giảm, không tăng. Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí nâng diện tích trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2023 từ 650.000 ha lên 700.000 ha. 3 tháng chúng ta có một vụ mùa lúa gạo, đến tháng 1/2024 chúng ta sẽ có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu. Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy, tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước – dự trữ - xuất khẩu. Chúng ta có thể xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái, còn mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể. |
Những biến động từ tình hình thời tiết cũng như các thoả thuận, chính sách mới từ các nước đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo. Giá gạo cũng vì thế “nhảy múa” theo. Với doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội tốt để thiết lập mặt bằng mới về giá nhưng cũng có những thận trọng nhất định để giảm thiểu rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV thông tin, mấy ngày nay rất nhiều khách hàng hỏi mua gạo nhưng do giá liên tục điều chỉnh nên doanh nghiệp không dám ký hợp đồng. Lỡ ký hợp đồng xong ngày mai giá tăng nữa thì việc mua vào sẽ khó. Bên cạnh những khách hàng hỏi mua gạo thì cũng có rất nhiều khách hỏi để thăm dò giá cả. Đa phần khách hỏi mua là từ thị trường Philippines, Trung Đông…
“Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng hạt dài thì không phải riêng Việt Nam mà các thị trường trên thế giới đều tăng giá, đặc biệt là nhiều quốc gia đều đang gặp khó khăn về vấn đề an ninh lương thực” - ông Thành cho biết và thông tin thêm, tại Việt Nam, nguồn cung gạo cho thị trường trong nước vẫn đảm bảo nhưng để đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký nên giá gạo trong nước cũng tăng rất nhanh. Chỉ trong hai tuần giá gạo đã tăng khoảng 1.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng hiện tại những doanh nghiệp nào có hàng tồn kho thì được hưởng lợi, nhưng với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó nhưng không còn tồn kho, phải mua thêm để cung ứng thì bị ảnh hưởng lớn do phải mua vào với mức giá cao hơn so với giá đã ký. Vì thông thường với hợp đồng đã ký doanh nghiệp chỉ tính toán mức chênh lệch từ 200-300 đồng, nhưng nay đã vượt lên trên 1.500-1.800 đồng là lỗ lớn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng Công ty Trung An bán gạo ở phân khúc chất lượng cao, nên lượng khách hàng tương đối ổn định. Nhưng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và mới đây thêm Nga và UAE khiến cho tình hình khan hiếm trên thị trường tăng thêm, do đó chắc chắn các khách hàng sẽ đổ dồn về Thái Lan và Việt Nam là 2 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều. Nhưng dù tình hình thị trường có khó khăn đến đâu thì Việt Nam cũng chỉ được lợi về quyền chọn lựa khách hàng, chứ không thể đáp ứng được tất cả các đơn hàng cả các thương nhân trên thế giới. Bởi vì Việt Nam không thể xuất khẩu 9 hoặc 10 triệu tấn gạo được, do nguồn cung của Việt Nam mỗi năm chỉ có thể xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn.
Phân tích về vấn đề giá và hợp đồng lúa gạo, ông Phạm Thái Bình cho biết, hiện nay giá gạo đang tăng, giá lúa của nông dẫn cũng tăng mạnh. Đơn cử có hôm các doanh nghiệp phải mua từ 7.100 đến 7.200 đồng/kg. Thế nhưng Trung An chào giá 630 – 640 USD cho gạo 5% tấm cho các khách hàng nhưng họ chưa mua. Trong khi với mức giá lúa 7.100 – 7.200 thì giá gạo phải ở mức đó doanh nghiệp mới có lãi.
“Theo tôi, vấn đề cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ giống như giọt nước tràn ly để thị trường ‘nháo nhào’ lên đi tìm nguồn cung, nhưng vấn đề là nguồn cung với cái giá nào. Với mức giá 630-640 USD cho gạo 5% chưa chắc khách hàng đã mua. Thậm chí doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thận trọng trong việc ký đơn hàng mới, vì thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang lo mua gạo để trả nợ các hợp đồng đã ký trước đó”, ông Bình phân tích.
Theo Tổng giám đốc Trung An, hợp đồng mới không dám ký vì nguồn cung của Việt Nam cũng hạn chế, vụ Hè Thu đã thu hoạch chỉ còn khoảng 1/3, sang vụ ba thì cũng không nhiều. Dù thế giới có đặt hàng nhiều bao nhiêu đi nữa thì Việt Nam cũng không thể xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing công ty TNHH Vrice cũng cho biết, những ngày qua, các khách hàng cũ tăng cường mua hàng để giữ chân hàng đến cuối năm, theo đó, công ty ký thêm nhưng điều chỉnh giá tăng 10-15% hoặc theo giá thị trường. Các khách hàng mới cũng hỏi nhiều nhưng công ty không nhận. Hầu hết các khách hàng mua gạo trắng của Ấn Độ đều chuyển qua hỏi mua gạo của Việt Nam, nhưng gạo trắng của Việt Nam hiện nay ít, nên doanh nghiệp không nhận hợp đồng. Các nguồn gạo khác thì vẫn dồi dào.
“Hiện Vrice đang bán gạo Jasmine giá 680 USD/tấn, gạo Nhật giá 750 USD/tấn. Lượng tồn trong kho của công ty hiện còn ít, khoảng 3.000 tấn, công ty vẫn cần mua thêm để xuất khẩu vào cuối năm. Tuy nhiên, do giá hiện đang cao nên công ty sẽ không mua ở thời điểm hiện tại mà theo dõi thêm”, ông Phan Văn Có thông tin.
An ninh lương thực đảm bảo
Biến động thị trường gia tăng, các nước tăng cường thu mua lương thực kéo theo đó không thể chủ quan về vấn đề an ninh lương thực trong nước. Mới đây, để “nhắc” doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên.
Đồng thời, chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.
Về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình cho rằng, Việt Nam chắc chắn không bao giờ thiếu gạo, không bao giờ mất an ninh lương thực. Vì trong 25 năm liên tục Việt Nam xuất khẩu từ 6 – 7 triệu tấn mới đảm bảo được giá lúa cho người nông dân tái sản xuất cho vụ. Còn nếu không xuất khẩu thì giá lúa sẽ giảm ngay và Chính phủ lại phải giải cứu cho người dân.
Ông Phan Văn Có cho rằng, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao đến cuối tháng 9/2023. Sau khi Ấn Độ ký lại hợp đồng Chính phủ với các nước nhập khẩu, giá sẽ giảm lại. “Hiện Chính phủ Ấn Độ đang muốn ổn định lại thị trường trong nước, nhưng có thể sau 2-3 tháng sẽ xem xét xuất khẩu trở lại, vì mùa thu hoạch sẽ đến, không thể giữ tồn kho quá lâu. Từ nay tới đó, giá gạo có thể sẽ tăng thêm 15-25 USD/tấn”, ông Có nhận định.
Theo ông Phạm Thái Bình, xu hướng trên thế giới giá gạo sẽ ngày càng tăng, bởi nhiều quốc gia không thể khắc phục được tình hình thiếu lương thực. Trước xu thế đó, Việt Nam nên có giải pháp để tận dụng được cơ hội thay vì lo mất an ninh lương thực. Ngoài vấn đề năng lực đáp ứng thì Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội, đó là sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ, tức là phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững. Ví dụ, tình hình hiện nay thì người nông dân tận dụng được cơ hội nhưng doanh nghiệp lại có thể bị lỗ do phải mua lúa giá cao để giao cho các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký trước đó với giá thấp. Do đó, phải thực hiện cho bằng được sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để sản xuất của nông dân gắn liền với tiêu thụ của doanh nghiệp.
Cần có chiến lược để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn
Cầu lớn từ thị trường thế giới được các chuyên gia nhận định là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu gạo với giá cao, giúp cả người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng hơn hết lúc này cần có sự hợp lực giữa người dân và doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt đang có nhiều cơ hội rất lớn trên thị trường, ông bình luận gì về việc này? Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. Theo đó, là động thái của một số nước cấm xuất khẩu gạo tạm thời như Ấn Độ, Nga, UAE đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước. Hiện, thế giới thiếu gạo nhưng lại là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam. Bởi, giá gạo tăng cao có lợi cho người nông dân. Do vậy, đây đang là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu gạo với giá cao, giúp cả người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm được như vậy sẽ có được đơn đặt hàng lớn cho gạo Việt Nam những năm tới nữa. Bên cạnh việc tận dụng tốt cơ hội về giá, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần phải đảm bảo uy tín của nhà cung cấp có trách nhiệm. Người nông dân phải đổi mới, chung sức nhau để tạo thành chuỗi cung ứng tốt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt thì chế biến ra hạt gạo có chất lượng xứng đáng với mặt bằng giá hiện nay. Cầu từ thị trường thế giới tăng cao, vấn đề an ninh lương thực trong nước có lo ngại không, thưa ông? Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bởi, không giống các nước khác chỉ có 1 đến 2 vụ lúa, Việt Nam có 3 vụ lúa/1 năm, nên gạo cung ứng không thiếu. Bên cạnh đó, Việt Nam bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn. Cụ thể, đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên. Về mặt sản xuất nông nghiệp chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam. Biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục, do đó, không chỉ tận dụng cơ hội trong thời điểm này, theo ông, chúng ta cần có chiến lược trong dài hạn như thế nào để luôn đảm bảo nguồn dự trữ gạo trong nước và vẫn đáp ứng nhu cầu cung cấp gạo cho các nước? Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân gia tăng giá trị và làm giàu từ cây lúa, đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và có chiến lược phối hợp với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu. Về phía người nông dân cũng không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có đầu ra ổn định với giá tốt. Để làm được như vậy, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến. Về phía người dân, phải hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo xuất khẩu. Xin cảm ơn ông! Ngọc Linh (thực hiện) |
Tin liên quan
Nâng vị thế nếu Việt Nam không muốn trở thành "xưởng lắp ráp" mới
09:20 | 19/11/2024 Kinh tế
Chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân
20:38 | 15/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Lạng Sơn ưu tiên thu hút dự án thương mại, đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
10:56 | 15/11/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) Hơn 33 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 11/2024
15:46 | 22/11/2024 Infographics
“Thời khắc vàng” để các thương hiệu Việt vươn tầm thế giới
15:27 | 22/11/2024 Kinh tế
Xuất khẩu tăng hơn 45 tỷ USD, ngành hàng nào đóng góp nhiều nhất?
11:02 | 22/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do xu hướng phục hồi mạnh mẽ
08:17 | 22/11/2024 Kinh tế
Chính sách đột phá phát triển nhà ở xã hội
20:34 | 21/11/2024 Kinh tế
10 tháng chi hơn 117 tỷ USD nhập hàng Trung Quốc
14:35 | 21/11/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) Malaysia: Đối tác chục tỷ đô của Việt Nam ở Đông Nam Á
11:01 | 21/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Thương mại Việt Nam - Campuchia đạt hơn 8 tỷ USD
08:37 | 21/11/2024 Infographics
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều
22:33 | 20/11/2024 Kinh tế
Giữa tháng 11, xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD bằng cả năm 2023
15:50 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nhập khẩu nguyên liệu dệt may da giày tăng mạnh
14:49 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
“Thủ phủ” xuất khẩu đồ gỗ trước nhiều cơ hội bứt phá
13:30 | 20/11/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) 70 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10/2024
10:33 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
TP Hồ Chí Minh: Phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giúp người tiêu dùng “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics