Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ biện pháp TBT, SPS

(HQ Online) - Với sự đổi thay phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu của các thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Doanh nghiệp Việt thiếu quan tâm dù thị trường Iran đầy tiềm năng
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra muốn quay lại thị trường EU

Quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo chuỗi

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi.

Từ đó, thị trường đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu. Ví dụ như: cam kết của doanh nghiệp; hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu; sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước...

Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/6, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Ông Tấn đưa ra dẫn chứng về 2 nội dung đáng chú ý gần đây liên quan tới 2 thị trường lớn là EU và Trung Quốc.

Cụ thể, với thị trường EU là yêu cầu đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide trong các sản phẩm mỳ ăn liền. Từ tháng 9/2020, nhiều quốc gia EU đã phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) trong các lô hạt vừng vượt nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép.

Tại một số quốc gia, EO thường được sử dụng trong chế biến nông sản để hun trùng. Vì vậy, EU đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kiểm tra dư lượng ra nhiều nhóm mặt hàng chế biến, trong đó một số lô hàng mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam và Hàn Quốc đã phát hiện có dư lượng EO vượt ngưỡng.

Kể từ tháng 1/2022, EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm.

Tại thị trường Trung Quốc, ông Tấn phân tích, đó là yêu cầu về quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Điểm mới đáng chú ý trong 2 lệnh này, thứ nhất là thực hiện hoạt động đánh giá hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu, bao gồm: đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia xuất khẩu, đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hồ sơ sản phẩm xuất nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật nhập cảnh, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra tại chỗ, giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên,...

Thứ hai, phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

“Điểm chung của 2 trường hợp điển hình nêu trên là yêu cầu cao về sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng như công thương, nông nghiệp, y tế, hải quan và xuất nhập khẩu, thương vụ, mạng lưới cơ sở kiểm nghiệm... ở cả cấp Trung ương và địa phương, cũng như những áp lực mạnh mẽ về thời gian và tính đồng bộ nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và uy tín của nhà sản xuất Việt Nam tại các thị trường quốc tế”, ông Tấn nhấn mạnh.

Thận trọng, tìm hiểu kỹ quy định

Thực tế triển khai cho thấy, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những quy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khi gắn các yêu cầu kỹ thuật với các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, nhiều bất cập sẽ xuất hiện do sự thiếu sẵn sàng của hệ thống quản lý của bên nhập khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về biện pháp TBT, SPS
Nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi. Ảnh minh họa, Nguyễn Thanh

Ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong cách thức phê duyệt chứng thư tại các cảng hải quan khác nhau của khu vực EU; sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống quản lý doanh nghiệp trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...

Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: “Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp".

Việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, ông Tấn nhấn mạnh: “Doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn”.

Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều