Đại dịch khiến chúng ta phải thay đổi

08:00 | 30/01/2022

(HQ Online) - Đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng như một trận “cuồng phong” gây tác hại nặng nề đến nhiều mặt đời sống con người. Để phòng và chống loại vi rút tai hại này, chúng ta đã phải thay đổi những thói quen trong đời sống, đồng thời nó cũng khiến chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống và phát triển.

Chuyên gia của WHO dự báo đại dịch COVID-19 sắp kết thúc
Cục Hải quan Bình Dương: Vượt qua đại dịch, thu ngân sách tăng gần 26%
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch
Đại dịch khiến chúng ta phải thay đổi

Giờ đây, chúng ta không còn thấy lạ khi một cửa hàng, công sở buộc khách đến phải đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo nhiệt độ trước khi vào. Điều mà những năm trước khi có dịch hầu như không nơi nào có. Bởi trước đây, khi chúng ta nói chuyện với nhau, hay khi chào hỏi nhau mà đeo khẩu trang được coi là thiếu lịch sự. Chuyện không ít lần chúng ta bắt gặp những người hỏi đường quên kéo khẩu trang đã bị người được hỏi mắng hoặc từ chối trả lời vì coi đó là hành vi không tôn trọng người khác. Nhưng nay khi gặp người không đeo khẩu trang, nhiều người sẽ né tránh, người không đeo khẩu trang trở thành người bị kỳ thị nơi đám đông. Thủ tục bắt tay cũng được thay đổi và người ta sáng tạo ra những nghi thức thay thế hết sức vui vẻ và an toàn như: chạm nắm tay, chạm khuỷu tay, đá mũi giày... Những hành động dù có khác nhưng ý nghĩa không hề thay đổi, không những thế nó còn khiến hai bên vui vẻ, thắm thiết hơn.

Trong sinh hoạt hằng ngày, đại dịch đã làm đổi thay nhiều thứ, ngoài việc chúng ta ít được đến các những nơi như: khu vui chơi, rạp chiếu phim, phòng tập gym hơn vì lệnh cấm cũng như tự mình hạn chế thì chúng ta cũng ít ra ngoài hơn, chỉ đến những nơi cần thiết. Trong cao điểm dịch, các công viên bị cấm hoạt động nhưng khi mở cửa trở lại thì cũng không có nhiều người đến vui chơi. Dù ở nhà lâu ngày nhiều tù túng nhưng mọi người đều hiểu cần hạn chế tối đa những việc không cần thiết để bảo vệ chính mình và an toàn cho cộng đồng.

Chúng ta giờ đây không còn thoải mái đến thăm hỏi nhau những khi rảnh rỗi, ngay cả hàng xóm cũng không còn sang nhà nhau chơi thường xuyên như trước. Người ta dùng mạng internet để thăm hỏi, trò truyện nhiều hơn. Những người ốm đau hay gia đình có việc hiếu hỉ không còn trách ai đó vì không đến thăm hỏi trực tiếp mà chỉ gọi điện chia sẻ. Một chú rể tại thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) tâm sự trong ngày cưới những ngày cuối năm Tân Sửu vừa qua rằng: Đám cưới đã được ấn định ngày từ đầu năm nhưng vì những đợt dịch diễn ra liên tiếp nên gia đình phải dời ngày cưới đến cuối năm. Nhưng cuối năm địa phương vẫn liên tiếp có những điểm bùng phát dịch nên gia đình phải tổ chức đám cưới trong sự hạn chế nhất định. Nhiều khách ở xa vì vướng các chốt kiểm dịch hoặc vì e ngại việc lây nhiễm dịch nên đã không đến dự, còn những khách ở gần thì gia đình phải chia ca đón tiếp. Tiệc cưới được chia làm 4 bữa để bớt sự tập trung đông người theo quy định và cũng là bảo vệ sức khỏe cho khách, cho xã hội. Mâm cỗ cũng được thay đổi như không còn dùng chung bát nước chấm, chén trà thay bằng cốc giấy dùng một lần...

Chưa bao giờ hoạt động bán hàng online sôi động như trong thời gian dịch bùng phát. Nhiều người vốn không tin tưởng khi mua hàng online nhưng trước thực tế cách ly xã hội đành phải chấp nhận. Ngành thương mại điện tử vốn tăng trưởng nhanh nay như thể lửa cháy được tiếp thêm dầu. Trong những đợt, những khu vực giãn cách thì người người, nhà nhà mua bán online bởi nó vừa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống vừa hạn chế tối đa sự tiếp xúc. Cũng nhờ phương thức mới này mà dù trong bối cảnh khó khăn, đảo lộn, chúng ta đã bớt bị thiếu thốn lương thực, thực phẩm, một số cửa hàng kinh doanh vẫn duy trì được phần nào doanh số, bớt đi cái khó khăn của “cơm áo gạo tiền” thời dịch.

Không chỉ kinh doanh online, công nghệ số cũng “thừa cơ” phát triển trong thời điểm này như: ngân hàng trực tuyến, chữ ký số, ký kết online, hội họp trực tuyến... Không chỉ những cuộc họp quan trọng của các cơ quan, doanh nghiệp được họp trực tuyến nhiều điểm cầu mà những hội nghị trực tuyến cấp cao toàn cầu cũng thường xuyên diễn ra. Khái niệm làm việc từ xa, làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Cũng vì thế mà nội quy công sở, sinh hoạt gia đình cũng nhanh chóng biến chuyển theo. Tình huống vừa làm việc online vừa trông 2-3 con nhỏ diễn ra ở không ít gia đình, tình trạng người lớn, con trẻ ôm điện thoại, máy tính cả ngày đã thành điều hiển nhiên. Nếu như trước đây nhiều gia đình khắt khe để kiểm soát từng khoảnh khắc con nhỏ sử dụng điện thoại thì nay miễn cưỡng chấp nhận bởi mọi hoạt động trường lớp đều trên chiếc điện thoại ấy.

Đại dịch quét qua địa cầu và vẫn chưa chấm dứt. Nó đã gây ra những nỗi đau tột cùng. Riêng nước ta, đại dịch đã cướp đi hàng chục nghìn mạng người. Đó mới chỉ là con số. Thẳm sâu mỗi con người, mỗi gia đình thì không kể ra được hết nỗi đau thương. Có những em nhỏ ở TP Hồ Chí Minh đang cuộc sống yên ấm đủ đầy thì bỗng bị mất đi cả cha mẹ trong chốc lát, phải về quê ở với ông bà ốm yếu buổi xế chiều. Nhiều gia đình đưa người thân vào bệnh viện điều trị Covid-19 mà chẳng thể trông nom, rồi người thân lặng lẽ ra đi không thể nói lời trăng trối, người thân chỉ lặng lẽ đón về bằng một lọ sành chứa tro cốt. Một cặp vợ chồng trẻ cùng con nhỏ lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống, sau những ngày cách ly khắt khe, TP lới lỏng giãn cách, người chồng ngậm ngùi chở đứa con nhỏ cùng hũ tro cốt người vợ là F0 không qua khỏi về quê miền Tây trong nỗi xót xa nhói lòng... Những đau thương, mất mát khiến chúng ta thấy trân trọng hơn sự sống, trân trọng hơn sự yên bình biết bao. Nó cũng cho ta cảm nhận rõ hơn ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết. Sự lây lan của dịch cũng cho chúng ta thấy con người trên toàn thế giớ có sự liên quan mật thiết, tác động qua lại với nhau mà không thể tách mình riêng hoàn toàn giữa cộng đồng.

Những hậu quả nặng nề về người và của do Covid-19 gây ra không thể kể, không thể đong đếm được hết. Từ những mất mát ấy khiến chúng ta phải tính toán lại nhiều vấn đề. Đó là bài toán về đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nhất là y tế cơ cở; bài toán về an sinh xã hội; bài toán về quản lý xã hội... Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại về việc cần cân bằng hơn giữa đầu tư cho sức khỏe, cho sự phát triển bền vững với những lĩnh vực khác; nhìn nhận và hành động quyết liệt hơn về bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống an toàn trên toàn trái đất..

Văn bắc