Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh

16:13 | 21/12/2022

(HQ Online) - Nhóm tỉnh/thành được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 13 địa phương, với sự góp mặt của nhiều tỉnh và thành phố lớn, trong đó có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020 (Hưng Yên, Hà Nam và Bình Dương). Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước năm 2021 với 65,28 điểm.

Hải quan Hải Phòng tiếp tục thúc đẩy nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh
Doanh nghiệp phát huy vai trò của văn hóa cho phát triển bền vững
Phát triển khu công nghiệp sinh thái hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững
Phát triển bền vững: "Kim chỉ nam” cho hoạt động doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị, PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên, và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu Covid-19, những thách thức an ninh phi truyền thống, phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Những thách thức trên cũng chính là vấn đề giúp chúng ta nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hoà và cân đối giữa 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hoá trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Đến nay về cơ bản, các chính sách hướng dẫn chung để cụ thể hoá việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, góp phần rất lớn vào việc quốc gia hoá và thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, PGS.TS. Trần Trọng Nguyên đánh giá, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố. Trong khi đó việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sài Gòn Food. Ảnh: Tuyết Nhung
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Tuyết Nhung

Đáng chú ý, Báo cáo Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI 2021) được Nhóm nghiên cứu APD - ISESR công bố đã phản ánh tương đối rõ nét nỗ lực thực hiện các phát triển bền vững ở các địa phương, đặt trong bối cảnh có những khó khăn về dịch bệnh, các xung đột địa chính trị trên thế giới và bối cảnh trong nước, quốc tế chưa thuận lợi khác.

Kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm, cho thấy các địa phương cần tiếp tục tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhóm tỉnh/thành được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 13 địa phương, với sự góp mặt của nhiều tỉnh và thành phố lớn, trong đó có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020 (Hưng Yên, Hà Nam và Bình Dương). Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước năm 2021 với 65,28 điểm.

Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững của bộ chỉ số PSDI, Đà Nẵng dẫn đầu ở một số hạng mục cụ thể như Bình đẳng giới, Nước sạch và vệ sinh, Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm. Các mục tiêu còn lại đa phần đạt thứ hạng cao, với 3 mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu và 3 mục tiêu nằm trong top 20. Tuy nhiên, vẫn còn một số mục tiêu Đà Nẵng cần được cải thiện trong tương lai, ví dụ như Bất bình đẳng (xếp thứ 42), Hòa bình, công lý và thể chế (xếp thứ 37), hay Tài nguyên và môi trường trên đất liền (xếp thứ 31).

Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã được được những kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu 1, đặc biệt tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3,36% năm 2022. Đồng thời, Việt Nam vẫn tiếp tục đảm bảo để không ai bị thiếu đói, đảm bảo an ninh lương thực, duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản góp phần tăng thu nhập cho người lao động nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.

GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào, mà còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước gắn với việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu trong Khát vọng Việt Nam đến 2035 - Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng.

Xuân Thảo