Chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: ST |
Mở ra cơ hội xuất khẩu
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông): Để doanh nghiệp không “lạc lối” Chuyển đổi số không phải là phong trào và ai làm cũng thành công. Chuyển đổi số phải xuất phát trực tiếp từ khó khăn nội tại của doanh nghiệp, nên muốn chuyển đổi số thành công thì cần quyết tâm từ lãnh đạo doanh nghiệp, tiếp đến là tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và trong nước, học hỏi từ các doanh nghiệp đi trước. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ những bước chuyển đổi số và đánh giá thử độ chín của chuyển đổi số với doanh nghiệp mình. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không hiểu kỹ vấn đề của chính mình, hoàn toàn trông cậy vào các nhà tư vấn, trong khi phía tư vấn không thể hiểu rõ về doanh nghiệp nên “lạc lối”. |
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Theo nhiều dự báo, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán – tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc duy trì xuất siêu liên tục nhiều tháng qua có sự đóng góp rất lớn của công cuộc chuyển đổi số, từ các thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cho đến hoạt động sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Trà Tiên Thiên cho hay, trong 5 năm qua, Công ty đã chú trọng phát triển thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, duy trì hoạt động marketing thông qua các mạng xã hội quốc tế… Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được cung cấp cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, bà Hồng Cúc nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của mỗi doanh nghiệp, nhưng trong thương mại, nền tảng số giúp phát triển các hoạt động xuất khẩu nhiều hơn so với thương mại trong nước. Bởi thông qua mạng xã hội cũng như thương mại điện tử, các đối tác quốc tế dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và doanh nghiệp, từ đó kết nối và ký kết nhiều đơn hàng đi các thị trường tại châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)…
Tương tự, theo bà Đỗ Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Schum Quốc tế, dù doanh nghiệp mới thành lập với các sản phẩm cà phê được sản xuất từ trang trại tại Lâm Đồng và Sơn La, trụ sở chính lại ở Hà Nội, nhưng nhờ chuyển đổi số, hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty luôn thông suốt. Đặc biệt, thông qua các nền tảng số, doanh nghiệp đã xây dựng được hình ảnh thương hiệu đến khách hàng quốc tế. Vì thế, hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu tiểu ngạch đến một số khách hàng với mục tiêu hướng tới xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn trong 3 năm tới.
Cũng đặt mục tiêu xuất khẩu nhờ chuyển đổi số trong vòng 5 năm tới, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, đại diện Công ty TNHH Trà Ngọc Thanh Sơn kỳ vọng chuyển đổi số sẽ rút ngắn mục tiêu này. Bởi hiện nay, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử đang giúp doanh nghiệp đưa thương hiệu của sản phẩm đến đối tác quốc tế nhanh hơn.
Bà Ngọc lấy ví dụ, bằng việc xây dựng website giới thiệu sản phẩm, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng trong 1 năm qua đã có lượt truy cập từ 16 quốc gia trên thế giới, sản phẩm được khách hàng cả nước biết đến và đặt hàng, hiệu quả hơn so với kênh truyền thống là chỉ bán được hàng tại thị trường Hà Nội. Hơn nữa, nếu như trước đây, doanh nghiệp tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng, thì nay, nhờ ứng dụng nền tảng số, thương mại điện tử, doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí ít hơn hàng chục lần mà phạm vi tiếp cận khách hàng lại rộng rãi hơn.
Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho rằng, khi mọi công tác nghiệp vụ được thao tác trên phần mềm thì nhân sự sẽ dành nhiều thời gian tập trung vào công việc chuyên môn, hướng đến nghiệp vụ phân tích và cố vấn cho doanh nghiệp, cũng như tập trung vào tìm kiếm khách hàng tiềm năng trên tất cả các nền tảng, chú trọng vào trải nghiệm khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh số hiệu quả. Ngoài ra, khi tự động hoá quy trình cùng báo cáo trực quan trên một nền tảng sẽ giúp doanh nghiệp tìm được “điểm nóng”, ứng biến kịp thời với nhiều diễn biến mới, tăng khả năng cạnh trên thị trường quốc tế.
Hơn 60% doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư
Một khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện về chuyển đổi số cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số. Cụ thể, 60,1% doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động...
Tuy nhiên, về vấn đề chi phí, ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Wincom cho biết, chi phí về công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí. Mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó. Do đó, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề và quy trình để đưa ra phương án phù hợp.
Ngoài ra, nói thêm về khó khăn của doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, nhờ chuyển đổi số, Công ty đã xây dựng được quy trình khép kín, gọn nhẹ từ sản xuất đến phân phối, xuất khẩu dù văn phòng và cơ sở sản xuất cách nhau tới 800 km. Tuy nhiên, do là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn do sản phẩm là đặc sản nên hướng đến khách hàng đặc thù hơn. Vì thế, bà Cúc kỳ vọng cơ quan chức năng có sự hậu thuận hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại trên môi trường số nhằm tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu.
Bên cạnh mong muốn hỗ trợ về vốn, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc kỳ vọng các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng công nghệ, mua hàng và thanh toán trực tuyến… cho đại bộ phận dân chúng, giúp tăng hiệu quả cho công cuộc đưa hoạt động kinh doanh lên nền tảng số của doanh nghiệp.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị về sự hỗ trợ chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ, giúp doanh nghiệp xây dựng được quy trình và đầu tư công nghệ phù hợp với quy mô, tiềm lực của doanh nghiệp. Chẳng hạn, với giải pháp của MISA AMIS, mọi hoạt động về quản trị doanh nghiệp được cập nhật liên tục từ công tác bán hàng, tài chính kế toán, quản trị nhân sự, từ đó giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, tăng cơ hội giao thương với các đối tác quốc tế. Hay mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với nhiều tập đoàn quốc tế để nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp…
Doanh nghiệp cần hiểu rõ về chuyển đổi số để số hoá thành công Theo ông Bùi Trung Nghĩa (ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyển đổi số giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp cũng phải chủ động để tận dụng cơ hội cũng như nâng cao năng lực đáp ứng thị trường. Ông nhận xét như thế nào về sự hỗ trợ của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới của doanh nghiệp? Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cùng với các cơ quan quản lý đã nâng cao nhận thức về công nghệ số, vì thế, họ đã thực sự nhập cuộc vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Với các hoạt động xuất khẩu, chuyển đổi số giúp hỗ trợ giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng nhanh chóng hơn, minh bạch hơn, nhiều trải nghiệm hơn; thông qua chuyển đổi số, hoạt động giao thương quốc tế của doanh nghiệp sẽ được nâng cao hiệu quả, mở rộng phạm vi cũng như gia tăng tệp khách hàng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh doanh cho các doanh nghiệp khác nhau ở mọi cấp độ, quy mô và vùng miền, giúp hoạt động thương mại không có khoảng cách với thị trường trong nước và quốc tế. Hơn nữa, thông qua công nghệ 4.0, doanh nghiệp nào cũng có thể chủ động giới thiệu được sản phẩm của mình với thị trường thế giới, giảm thời gian và chi phí so với các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Cùng với chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần làm gì để tăng khả năng xuất khẩu, thưa ông? Chuyển đổi số chỉ là một phần trong chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp phải làm rõ sự tập trung của mình trong chuyển đổi số với mục đích cuối cùng là khách hàng. Để chuyển đổi số thành công thì việc nâng cao năng lực về con người, năng lực của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Mỗi doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ lựa chọn chiến lược cũng như lộ trình chuyển đổi số khác nhau để hiệu quả nhất với chi phí phù hợp. Tất nhiên, trong hoạt động giao thương với thị trường toàn cầu, vấn đề sau cùng của mọi doanh nghiệp là có thực sự đáp ứng được tiêu chuẩn cũng như đảm bảo sự hài lòng của thị trường xuất khẩu hay không? Đó là việc phải đáp ứng được về chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao hàng cùng với đó là uy tín của doanh nghiệp trong đáp ứng khách hàng để phát triển bền vững. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập hiện nay, rất nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng về phát triển bền vững. Hiện nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường, nhưng chuyển đổi số và các ứng dụng công nghệ chỉ cung cấp về nền tảng, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận, tìm được cách thức giới thiệu sản phẩm, sau đó là hàng loạt giải pháp để thúc đẩy giao kết, đảm bảo về hàng hóa theo yêu cầu của đối tác… Rõ ràng, đây đều là những công việc không hề đơn giản nên cần sự năng động, đi từng bước để phát triển năng lực của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với đó vẫn phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Theo ông, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ như thế nào từ cơ quan quản lý để thúc đẩy chuyển đổi số? Các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp trong quá trình chuyển đổi số là nhận thức, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, cùng với đó là thách thức về con người, nguồn lực và năng lực triển khai. Vì thế, để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả. Do đó, các cơ quan bộ, ngành thuộc Chính phủ cũng như các địa phương cần tiếp tục phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông để các doanh nghiệp công nghệ trong nước có thể xây dựng ra các nền tảng về chuyển đổi số hiệu quả với chi phù hợp cho các doanh nghiệp. Chúng ta đang hướng đến việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đối với VCCI, thực hiện sứ mệnh là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nên sẽ bám sát nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cũng như gắn kết năng lực của doanh nghiệp với những hỗ trợ của Chính phủ và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh. Ngoài ra, VCCI cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời tiến hành góp ý xây dựng chính sách, góp ý về các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp hưởng lợi tốt nhất, giúp doanh nghiệp tin tưởng vào môi trường kinh doanh, yên tâm đầu tư và chuyển đổi số. Xin cảm ơn ông! Minh Chi (thực hiện) |
Tin liên quan
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
20:20 | 22/11/2024 Chính sách và Cuộc sống
QUATEST 3 đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động
15:33 | 22/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
(INFOGRAPHICS) Hơn 33 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 11/2024
15:46 | 22/11/2024 Infographics
“Thời khắc vàng” để các thương hiệu Việt vươn tầm thế giới
15:27 | 22/11/2024 Kinh tế
Xuất khẩu tăng hơn 45 tỷ USD, ngành hàng nào đóng góp nhiều nhất?
11:02 | 22/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do xu hướng phục hồi mạnh mẽ
08:17 | 22/11/2024 Kinh tế
Chính sách đột phá phát triển nhà ở xã hội
20:34 | 21/11/2024 Kinh tế
10 tháng chi hơn 117 tỷ USD nhập hàng Trung Quốc
14:35 | 21/11/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) Malaysia: Đối tác chục tỷ đô của Việt Nam ở Đông Nam Á
11:01 | 21/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Thương mại Việt Nam - Campuchia đạt hơn 8 tỷ USD
08:37 | 21/11/2024 Infographics
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều
22:33 | 20/11/2024 Kinh tế
Giữa tháng 11, xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD bằng cả năm 2023
15:50 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nhập khẩu nguyên liệu dệt may da giày tăng mạnh
14:49 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
“Thủ phủ” xuất khẩu đồ gỗ trước nhiều cơ hội bứt phá
13:30 | 20/11/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) 70 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10/2024
10:33 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
TP Hồ Chí Minh: Phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giúp người tiêu dùng “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics