Bất động sản công nghiệp - “Thỏi nam châm” hút vốn ngoại
Nhiều nhà đầu tư mạnh về tài chính đã nắm bắt cơ hội tạo lập được quỹ đất sạch đón đầu chu kỳ tăng trưởng của BĐS công nghiệp. Ảnh minh hoạ: H.Anh |
Sôi động các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A)
Với những ưu thế nổi bật như: nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát tốt, kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực và ấn tượng trong bối cảnh khó khăn; môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện…, niềm tin của các nhà đầu tư FDI đối với Việt Nam đang tiếp tục được củng cố. Dự báo trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng kéo theo nhu cầu về bất động sản công nghiệp tăng trưởng tích cực. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao có xu hướng tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, AI như Amkor, NVIDIA, Hana Micron… quan tâm đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.
Có thể nói, thời gian qua nhiều nhà đầu tư mạnh về tài chính đã nhanh tay nắm bắt cơ hội, M&A tạo lập được quỹ đất sạch để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản.
Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS), 6 tháng đầu năm 2024 các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng đang được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. Đặc biệt là bất động sản công nghiệp gần các tuyến đường cao tốc, cửa khẩu, cảng biển, sân bay… tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận nhiều thương vụ M&A bất động sản chú ý, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Điển hình, nhà đầu tư Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD. CapitaLand Investment dự kiến đầu tư thêm 73-110 triệu USD tại Việt Nam trong 2 năm tới để xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp. Hay như Tripod Technology Corporation đã mua lại một lô đất rộng 18 ha tại Khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ Sonadezi Châu Đức. Với vốn đầu tư 250 triệu USD, nhà máy Electronic Tripod Việt Nam góp phần hiện thực hóa kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của Tập đoàn công nghệ Tripod.
Nhận định về triển vọng của của ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills, lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ chứng kiến nhu cầu ổn định, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI và phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, các thương vụ M&A trong lĩnh vực này dự báo sôi động trở lại.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng kỳ vọng, việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024, sẽ giúp thanh lọc, định hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn, qua đó, hoạt động M&A cũng sẽ sôi động hơn.
Gỡ rào cản, đón làn sóng đầu tư mới
Luật sư Nguyễn Trúc Hiền, thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Các quy định mới cởi mở hơn là tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam đón làn sóng M&A nước ngoài.
Mặc dù vậy, trên thực tế thu hút đầu tư FDI vào bất động sản công nghiệp vẫn tồn tại nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về pháp lý khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá.
Ngoài ra, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho rằng, xu thế bắt buộc đối với các khu công nghiệp và các nhà máy sản xuất là phải hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu và quy định chung của quốc tế trong việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các thị trường khó tính. Tuy nhiên, thực trạng chung mà các khu công nghiệp đang gặp phải là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc ô nhiễm nước thải và khí thải. Với vấn đề này chúng ta phải đầu tư vào công nghệ xử lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó là thiếu kết cấu hạ tầng nên phải đẩy mạnh hạ tầng giao thông và kỹ thuật.
Trước những rào cản, thách thức trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản pháp quy hướng dẫn việc tái sử dụng nguyên vật liệu, chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cũng cần phải ưu tiên. Trong đó, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: Việt Nam được xem là “điểm nóng” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài Trong phát triển khu công nghiệp, mặc dù kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng thu hút sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất tốt và được xem là “điểm nóng” trong thu hút FDI. Năm 2023, trong khi Trung Quốc ghi nhận mức thu hút vốn FDI thấp nhất 30 năm, chỉ còn 33 tỷ USD thì Việt Nam thu hút tới 23 tỷ USD. Đặc biệt tương quan về diện tích/dân số của 2 nước chênh lệch rất lớn. Điều này cho thấy việc phát triển bất động sản khu công nghiệp vẫn rất tích cực. Việt Nam có 414 khu công nghiệp, 4 khu kinh tế, 1.580 cụm công nghiệp. Điều này mở ra nguồn cung rất lớn trong thời gian tới, trong đó các thị trường bất động sản công nghiệp phát triển như Hưng Yên và Hà Nam. Tuy vậy, để đầu tư lĩnh vực này cần nguồn vốn lớn không chỉ với các nhà phát triển chuyên nghiệp mà cả với các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia. Thêm nữa, vấn đề về pháp lý cũng khá khó khăn để giải quyết với thời gian kéo dài. Chính sách của Nhà nước thời gian gần đây đã hỗ trợ nhiều cho mảng bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là việc luật mới đã hoàn thiện pháp lý khi cho phép chuyển nhượng bất động sản khu công nghiệp. Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với các thách thức bên cạnh vốn yêu cầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận vừa phải và thanh khoản không quá nhanh. Ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ISC): Việt Nam đang có cơ hội để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh Lịch sử thu hút FDI của Việt Nam đã ghi nhận 3 làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam và hiện nay đang dần hình thành làn sóng đầu tư thứ tư. Làn sóng thứ tư đang hình thành dựa trên những điểm nhấn quan trọng, đó là Việt Nam trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ và sự viếng thăm làm việc của tập đoàn vốn hóa 2.000 tỷ USD NVIDIA (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới) đã và đang cam kết chắc chắn chọn Việt Nam làm cứ điểm mới trong việc sản xuất chip, bán dẫn và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Cùng với xu hướng phát triển đột phá của AI, IoT, hàng loạt làn sóng đầu tư trên khắp thế giới được kích hoạt và Việt Nam cũng là yếu tố được xét tới khi các “đại bàng” công nghệ liên tục đến thăm trong những tháng đầu năm 2024. Về lĩnh vực hàng không, các tập đoàn sản xuất lớn như Boeing và Airbus luôn đánh giá Việt Nam là điểm đến thay thế cho các quốc gia sản xuất khác vì thị trường sản xuất, công nghệ thích ứng nhanh, đáp ứng được các nhu cầu cung ứng linh kiện hàng không trong khu vực và hiện đang có chiến lược hoàn thiện hệ thống cung ứng tại Việt Nam chuẩn bị cho tương lai sắp tới. Khẳng định sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi đất nước dựa vào công nghệ. Việt Nam đang có cơ hội để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, cơ hội đón dòng sản xuất thông minh. Bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam: Định vị sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ thu hút đầu tư thế giới Trong quá khứ chúng ta thường nói đến sự phát triển trong thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp của Việt Nam là phát triển theo số lượng, theo chiều rộng, tăng tỉ lệ lấp đầy. Hiện nay thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp vẫn là thu hút theo kiểu đa ngành nghề, tức là bất kỳ ngành nghề nào, miễn là phù hợp với định hướng đầu tư và thực tế định hướng đầu tư ở các địa phương đang rất rộng. Chúng ta đang thiếu các KCN theo hướng KCN mũi nhọn theo chuyên sâu, trong khi đó các KCN chuyên sâu sẽ giúp có chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng tốt hơn. Theo xu hướng, tới đây, sự phát triển của KCN ở Việt Nam sẽ phát triển theo mũi nhọn, theo chiều sâu. Đây cũng là mong muốn của chúng ta trong định vị sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ thu hút sản xuất trên thế giới. Thái Lan hiện được nhìn nhận như là một đích đến rất tiềm năng cho các công ty về tự động hóa, hoặc Malaysia là nơi thu hút được rất nhiều các DN về bán dẫn. Vậy Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ này? Thực chất Việt Nam vẫn chưa thật sự vẽ ra được một bức tranh về Việt Nam trên bản đồ sản xuất thế giới, chúng ta vẫn đang định vị Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược, gần với Trung Quốc, là nơi mà các nhà sản xuất có thể tìm kiếm sự tối ưu trong chi phí. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đó, cần quan tâm ngành nghề sản xuất nào mà khi starup nhà máy thì các chủ đầu tư sẽ nghĩ đến Việt Nam đầu tiên, đó là lí do sắp tới chúng ta cần tập trung về ngành nghề mũi nhọn, chuyên sâu, những ngành nghề Việt Nam thực sự có tính cạnh tranh. Đây là điều mà ở tầm vi mô là các DN cũng như ở tầm vĩ mô là Nhà nước sẽ cần phải tính toán tới để định vị sự khác biệt cho Việt Nam. Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh Doanh toàn quốc, SLP Việt Nam: KCN xanh là một trong những tiêu chí nhà đầu tư nước ngoài quan tâm Khi chọn địa điểm để đầu tư, nguyên nhân tổng hoà để quyết định đầu tư là tính hiệu quả. Chúng tôi có một bộ tiêu chí để đánh giá với một bảng phân tích rất đầy đủ các yếu tố, nhưng yếu tố thị trường và nhu cầu là yếu tố dẫn dắt. Hiện nay, các nhà đầu tư thứ cấp thường sẽ tập trung vào các thị trường cấp một, gồm thị trường tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yến, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, ở phía phía Nam là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… Đây là những thị trường hiện có sẵn các điều kiện, khi các nhà đầu tư đầu tư vào thì đã có sẵn nguồn lao động, quỹ đất, cơ sở hạ tầng hiện hữu. Như vậy, những thị trường này đã có hệ sinh thái kết nối để khi những nhà đầu tư như chúng tôi đầu tư vào thì có thể hoạt động ngay. Tuy nhiên, không chỉ như vậy, chúng tôi cũng đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư ở các thị trường cấp hai và cấp ba là các thị trường phi truyền thống. Một yếu tố mà chúng tôi quan tâm để quyết định đầu tư là uy tín của chủ đầu tư KCN, bên cạnh đó, yếu tố làm sao đảm bảo thu lại được đồng vốn bỏ ra. Cùng với đó, chúng tôi quan tâm đến xu hướng xanh hoá, đây là xu hướng tất yếu. KCN có xu hướng xanh hoá là một trong những tiêu chí mà chúng tôi cũng như nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lựa chọn. Hoài Anh (ghi) |
Tin liên quan
Cần đảm bảo hài hoà lợi ích khi xây dựng, áp dụng bảng giá đất mới
21:16 | 10/01/2025 Kinh tế
Hải quan quản lý hàng đầu tư chủ động giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI
21:31 | 07/01/2025 Hải quan
Thị trường bất động sản sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2025
17:45 | 28/12/2024 Kinh tế
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
16:04 | 22/01/2025 Xuất nhập khẩu
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
16:22 | 21/01/2025 Xuất nhập khẩu
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
13:43 | 21/01/2025 Kinh tế
Nét nổi bật về xuất nhập khẩu năm 2024
17:14 | 20/01/2025 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) Kỷ lục hơn 205 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
10:52 | 15/01/2025 Infographics
Khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để cải cách kinh tế
07:47 | 15/01/2025 Kinh tế
Thương mại với Trung Quốc đạt kỷ lục 200 tỷ USD, thâm hụt của Việt Nam ngày càng lớn
15:49 | 14/01/2025 Xuất nhập khẩu
Kim ngạch tăng đột biến, tạo cơ hội lớn xuất khẩu cá tra sang Mỹ
14:56 | 14/01/2025 Kinh tế
TPHCM: Đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
14:23 | 14/01/2025 Kinh tế
Chính sách mới của Hoa Kỳ tác động thế nào đến thương mại và đầu tư
14:24 | 08/01/2025 Kinh tế
Tín dụng cả năm 2024 tăng hơn 15%, nỗ lực hơn nữa để giảm lãi suất cho vay
17:23 | 07/01/2025 Kinh tế
TPHCM đột phá xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng 2 con số
08:04 | 07/01/2025 Kinh tế
Xuất khẩu rau quả hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
16:45 | 06/01/2025 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
SHB dành hơn 13 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mở mới và sử dụng tài khoản
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ BAC A BANK dịp đầu năm 2025
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics