Bài toán điều hành lãi suất trước "làn sóng" thắt chặt chính sách tiền tệ
NHNN có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế. Ảnh: TTXVN |
Áp lực từ quốc tế
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Chính sách tiền tệ phải thực sự linh hoạt Việt Nam đang thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, khi thực hiện việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi. Do đó, về phía ngành ngân hàng, các chính sách phải tiếp tục được triển khai một cách năng động, cởi mở, có những biện pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng trong chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng. Với tinh thần này, chính sách tiền tệ sẽ không thể đi theo hướng thắt chặt vì sẽ không đạt được mục tiêu về tăng nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế như đã nói ở trên. Tuy nhiên, vấn đề của chính sách tiền tệ là phải song hành với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, nên NHNN phải quản lý chặt chẽ lượng cung tiền trên thị trường, để cân đối dòng tiền giữa thanh toán và cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Những vấn đề này đòi hỏi từ nay đến cuối năm, NHNN phải có biện pháp điều hành chính sách tiền tệ thực sự linh hoạt, để lượng cung tiền đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; sau chu trình luân chuyển của dòng tiền thì ngân hàng phải hút dòng tiền đấy về, không để xảy ra tình trạng dòng tiền bị trôi nổi, đưa vào lĩnh vực đầu cơ, gây ra rủi ro lạm phát. Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tăng lãi suất chưa chắc đã kiểm soát được lạm phát NHNN đang chịu nhiều áp lực, khi phải kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. NHNN không còn nhiều dư địa để duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4% cho cả năm. NHNN chủ trương không siết chặt tín dụng và kiềm chế lãi suất vay không cho tăng mạnh, nên các ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhưng những điều này đang đi ngược lại chủ trương chống lạm phát, với một dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao, khác nào “lửa đổ dầu thêm”. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND chính thức cũng đã tăng khoảng 1,6% từ đầu năm, tuy có lợi cho xuất khẩu nhưng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tăng lãi suất chưa chắc đã kiểm soát được lạm phát, vì lạm phát chịu tác động bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài. Nên tôi đề xuất là hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng. H.Dịu (ghi) |
Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 3 lần nâng lãi suất điều hành, trong đó, lần gần nhất vào giữa tháng 6, FED đã tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm % - mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm. Ngay sau hành động trên của FED, một loạt ngân hàng trung ương các nước cũng có quyết định tương tự.
Theo thống kê của NHNN, nếu như trong năm 2021, toàn cầu chỉ có 113 lượt tăng lãi suất thì từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 6/2022, thế giới đã có 144 lượt tăng lãi suất. Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy, FED có thể tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm, do đó, lãi suất có thể tăng lên đến 3,4% vào cuối năm nay, có thể lên tăng đến 3,8% vào năm 2023, và có thể chỉ giảm vào năm 2024.
Các chuyên gia nhận định, FED và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất chủ yếu là để kiềm chế lạm phát. Hiện tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong vòng 40 năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng đến cuối năm.
Tại Việt Nam, theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Tuy nhiên, chính NHNN cũng nhận định, áp lực lạm phát nửa cuối năm và năm 2023 là rất lớn, do độ mở của nền kinh tế cao. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của NHNN chịu áp lực lớn từ bên ngoài, song mặt bằng lãi suất cơ bản được ổn định, chỉ tăng 0,09% so với cuối năm 2021.
Tuy đến thời điểm này NHNN chưa có động thái rõ ràng về việc thắt chặt hay tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng NHNN đã có động thái “mạnh tay” trên thị trường mở. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, NHNN đang liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền từ hệ thống ngân hàng, với quy mô được ước tính khoảng 70.000 tỷ đồng tính đến gần cuối tháng 6/2022. Đây được cho là động thái giải quyết bớt lượng tiền dư thừa mà các ngân hàng thương mại đang dồn ứ nhưng không cho vay được do đã “cạn” room tín dụng. Đáng chú ý, trong đợt điều tiết lần này, NHNN đã không ấn định lãi suất phát hành như những đợt trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành chỉ ở mức 0,7%. Hiện lãi suất liên ngân hàng của VND kỳ hạn qua đêm theo đó đã tăng gấp đôi, từ mức 0,3-0,4% lên 0,6-07% sau động thái này.
Các chuyên gia SSI cho rằng, việc hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn. Theo SSI, các động thái vừa qua của NHNN trên hoạt động thị trường mở, nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt tiền tệ mặc dù vẫn cần được quan sát thêm.
Tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành
Trong bối cảnh nêu trên, giới chuyên gia trong nước đã nói nhiều về việc NHNN có thể phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, tình trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát Việt Nam sẽ có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022. Với tình hình này, HSBC dự đoán, NHNN có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý 3/2022, trước khi tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 0,25 điểm % trong năm 2023.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng, NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % để duy trì tăng trưởng vừa phải. Tuy nhiên, viễn cảnh này có thể diễn ra vào các tháng cuối năm 2022. Theo MBKE, mức tăng 0,5 điểm % sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường. Nguyên nhân là lạm phát nửa đầu năm 2022 vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%. Hơn nữa, nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Do đó, VnDirect cho hay, nếu có bất kỳ đợt tăng lãi suất điều hành nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5 điểm %.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng UOB cũng cho rằng, NHNN có đủ khả năng để giữ ổn định lãi suất điều hành để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế. UOB kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ FED, NHNN sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.
Mặc dù đứng trước nhiều dự báo như vậy, song NHNN lại tỏ ra khá “bình tĩnh”. Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động nhằm đảm bảo thanh khoản. Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Tất nhiên, NHNN tuyên bố như trên là có cơ sở khi kinh tế Việt Nam đang có nhiều bệ đỡ tốt nhờ tăng trưởng GDP đầy ấn tượng, lạm phát đang kiểm soát ở mức thấp, nguồn dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, thặng dư thương mạị cùng dòng tiền lớn đến từ khối ngoại thông qua thị trường chứng khoán và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… Hơn nữa, theo các chuyên gia, Việt Nam không có yếu tố lạm phát từ tiền tệ, bởi việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt rất ít. Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng chỉ có phần nhỏ là hỗ trợ về tiền tệ, lại còn được NHNN kiểm soát chặt trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Có thể thấy, trong 6 tháng cuối năm, áp lực lớn nhất với chính sách tiền tệ là lạm phát nhưng cũng cần làm sao để kiểm soát dòng tiền đi vào đúng hướng, chảy vào sản xuất, kinh doanh. Vì thế, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; tiếp tục các biện pháp minh bạch thị trường tài chính, mang lại niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.
Tin liên quan
Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK
15:44 | 01/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh hơn dự báo
09:07 | 01/11/2024 Nhìn ra thế giới
Còn áp lực lên mặt bằng giá, phấn đấu CPI bình quân không vượt quá 4%
21:37 | 30/10/2024 Tài chính
Doanh nghiệp cần gì cho công cuộc chuyển đổi số?
19:31 | 02/11/2024 Kinh tế
Mỗi ngày dệt may xuất khẩu mang về hơn 100 triệu USD
12:40 | 02/11/2024 Xuất nhập khẩu
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy giao thương Việt Nam - Trung Quốc
12:39 | 02/11/2024 Kinh tế
Cơ hội bứt tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
08:35 | 02/11/2024 Kinh tế
Xuất khẩu thủy sản tháng 10 trở lại mức 1 tỷ USD sau 27 tháng
20:26 | 01/11/2024 Xuất nhập khẩu
Đâu là tác nhân đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản?
20:20 | 01/11/2024 Kinh tế
Dữ liệu cá nhân có thể bị “đánh cắp” khi mua sắm trên nền tảng xuyên biên giới chưa đăng ký
20:12 | 01/11/2024 Kinh tế
Doanh nghiệp Việt trước làn sóng sàn thương mại điện tử quốc tế: Lợi ích và thách thức
17:59 | 01/11/2024 Kinh tế
Nắm bắt cơ hội để "chen chân" thay thế nhà cung cấp hàng hoá cho EU
17:49 | 01/11/2024 Kinh tế
Ngành sản xuất đang hồi phục sau bão Yagi
15:20 | 01/11/2024 Kinh tế
Đổi mới sáng tạo - chìa khóa giải quyết rác thải nhựa
14:29 | 01/11/2024 Kinh tế
Nhiều nền tảng và động lực cho kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
14:19 | 01/11/2024 Kinh tế
Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh
11:14 | 01/11/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Khởi tố Công ty Biomass buôn lậu “khí cười”
Doanh nghiệp cần gì cho công cuộc chuyển đổi số?
Mua bán thuốc online
TP Hồ Chí Minh ra quân phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK