Leo núi mạo hiểm ở Ngũ Hành Sơn
Sợ hãi, hưng phấn, thích thú… là những cung bậc cảm xúc mà các bạn trẻ đến từ một trường trung học của nước Úc trải qua trong buổi chiều leo núi bằng dây ở Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Dù mới được đưa vào khai thác trong tháng 11 này nhưng sản phẩm du lịch leo núi của Công ty Du lịch mạo hiểm Việt đang rất thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Khi tham gia tour leo núi ở Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ di chuyển từ dưới chân núi lên tới đỉnh Vân Thông, sau đó sẽ “xuống núi” bằng cách đu dây qua vách đá thẳng đứng. Vượt qua độ cao gần 30m, trong tiếng reo hò, cổ vũ của các bạn đã leo xong đang đứng chờ ở dưới, Lucas Gualano (15 tuổi) chia sẻ: “Cảm giác hơi hồi hộp, lo lắng, nhưng rất thú vị khi vượt qua nỗi sợ hãi và sự mạo hiểm của vách núi cao đó nên lúc này thấy rất vui và phấn chấn. Vậy là em đã học được cách vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình”.
Còn Amelia Donaldson (15 tuổi) lại bày tỏ, lúc đầu leo ở phía bên ngoài em đã khóc vì sợ hãi, choáng ngợp khi nhìn thấy độ cao từ trên đỉnh Vân Thông. Sau đó, thấy các bạn đều làm được nên em quyết tâm phải làm bằng được. “Lần leo đầu tiên em rất sợ, vì chưa có kinh nghiệm nhưng em vẫn muốn làm lại. Lần thứ hai này em đã tự tin hơn, rút kinh nghiệm từ lần trước và cố gắng vượt qua nỗi sợ của mình nên leo xuống cũng dễ dàng hơn”, Amelia kể lại.
Trước khi bắt đầu hoạt động leo núi, người chơi đều được các huấn luyện viên tập huấn một số kỹ năng cơ bản như sử dụng dây, các thiết bị bảo hộ an toàn cũng như kỹ thuật leo núi. Theo anh Trần Văn Khanh, huấn luyện viên leo núi, việc tập huấn trước sẽ giúp người leo núi không bị bỡ ngỡ khi lần đầu sử dụng các dụng cụ chuyên dùng.
Khi sắp xếp tour cho khách cũng phải xem xét, khảo sát địa hình, thế núi có phù hợp với khách hay không. Từ lúc tập huấn đến lúc khách kết thúc cuộc chơi phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải khách nào cũng đủ dũng cảm để sẵn sàng leo núi ngay từ đầu nên nhiệm vụ của các huấn luyện viên là bên cạnh việc kiểm tra các thiết bị bảo hộ còn phải trấn an, động viên để khách vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình hoàn thành trò chơi.
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty Du lịch mạo hiểm Việt cho biết, công ty đã có nhiều chuyến khảo sát, thử nghiệm leo núi ở Ngũ Hành Sơn trước khi đi vào khai thác chính thức. Mới đây, thành phố đồng ý cho công ty tổ chức thí điểm trong một năm loại hình thể thao leo núi mạo hiểm tại động Vân Thông, ngọn Thủy Sơn, thì công ty đã chào bán sản phẩm này và được rất nhiều khách, nhất là một số trường học quốc tế lựa chọn để các em rèn luyện, trải nghiệm các hoạt động tập thể. “Trước mắt, công ty hướng đến khách quốc tế vì họ đã hiểu và biết đến môn thể thao này. Từ đó du khách đi qua sẽ thấy và hy vọng sau này có thể mở rộng tới nhiều đối tượng khách”, ông Trung chia sẻ.
Ông Võ Đức Trung cho rằng, leo núi mạo hiểm tại động Vân Thông là một chương trình hấp dẫn dành cho du khách; riêng với các em học sinh quốc tế, hoạt động này sẽ giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, sự tự tin, ý chí vượt khó… Có thể thấy thể thao leo núi mạo hiểm là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam, vì có địa hình đa dạng, phong phú, loại hình du lịch này cũng rất thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để khai thác được môn thể thao này đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp trong hoạt động tour với đầy đủ các yếu tố như phải có trang thiết bị theo đúng chuẩn quốc tế, thiết kế tour hấp dẫn nhưng phải phù hợp theo địa hình và đội ngũ huấn luyện viên phải được đào tạo theo chuẩn quốc tế. “Ngũ Hành Sơn là một trong những địa hình rất độc đáo, rất khó có cái thứ hai ở Việt Nam.
Diện tích không quá lớn nhưng địa hình đa dạng có thể hình thành một trung tâm thể thao mạo hiểm ở đây và thiết kế được nhiều tour khác nhau như leo lên và leo xuống (hiện tại mới đang khai thác leo xuống) ở các cấp độ khó, dễ phù hợp với nhiều đối tượng khách”, ông Trung nhận xét.