Phụ nữ và thể thao: Đã đến thời hưởng thụ
(HQ Online)- Thời thể thao bắt đầu chuyên nghiệp, nhân ngày 8-3, các câu chuyện liên quan đến phái đẹp thường gắn với những mất mát, hy sinh trong tập luyện và thi đấu. Nhưng nay khi mà thể thao gắn liền hơn với cuộc sống, thì phụ nữ cũng đã biết hưởng thụ thứ lợi ích vốn tưởng chỉ dành cho các đấng mày râu.
Ai bảo thể thao là khổ?
Bản chất của thể thao là hoạt động thể chất với cường độ cao. Đương nhiên, đó là thứ thách lớn với chị em vốn chân yếu, tay mềm. Có lẽ là cũng vì thế mà phải tới cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thể thao nữ mới được công nhận và phát triển.
Thể thao Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ. Giới làm sử thường nhắc nhiều đến đội bóng đá nữ Cái Vồn (Cần Thơ) vào năm 1930 để nói về sự ra đời và hình thành khá sớm của thể thao nữ, nhưng thực ra với suốt chiều dài lịch sử đất nước chìm trong chiến tranh thì phải tới sau này, phụ nữ mới thực sự tham gia vào thể thao. Và thú vị hơn, đây cũng chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển chung của thể thao Việt.
Lý do thì đơn giản, quãng thời gian dài gian khó khiến thể hình, thể chất của người Việt, đặc biệt là nam giới ảnh hưởng rất nhiều, trong khi nữ giới với tố chất dẻo dai, hơn nữa ở trong khu vực mà thể thao nữ không thực sự phát triển vì lý do tôn giáo, sớm chiếm ưu thế. Những cái tên như: Hiếu Ngân - nữ võ sỹ Taekwondo mang về tấm HCB Olympic đầu tiên năm 2000, Ngô Ngân Hà - HCV SEA Games đầu tiên năm 1989, Vũ Bích Hường (điền kinh), Văn Ngọc Tú (judo)... cũng chính là những mốc son của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Cho đến nay khi thể thao chuyên nghiệp hóa, vai trò nòng cốt của phụ nữ mà giới chuyên môn thường gọi đùa "âm thịnh, dương suy" tiếp tục được khẳng định. Rất nhiều VĐV Việt Nam thuộc các môn cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC… đã vươn lên đẳng cấp châu lục hoặc thế giới đều là VĐV nữ như: Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) hay Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ)... hoặc đội tuyển bóng đá nữ chạm mặt bằng châu lục.
Họ không chỉ là những ngôi sao trên bầu trời thể thao quốc gia, thể thao còn mang đến cho phụ nữ cơ hội sánh ngang, thậm chí là vượt lên trên nhiều mặt so với các nam đồng nghiệp. Ai bảo nữ theo nghiệp thể thao là khổ, dù sự mất mát, hy sinh của họ là lớn hơn nhiều.
Lên ngôi trong cuộc sống
Đó là với thể thao chuyên nghiệp, còn trong cuộc sống hiện đại hôm nay, thể thao được xem là phương tiện hữu ích của phụ nữ nhằm rèn luyện, nâng cao sức khỏe, giữ gìn tuổi thanh xuân của mình.
Rõ nhất là tại các thành phố lớn, các hoạt động thể dục thẩm mỹ, thể thao hay yoga của nữ giới được gọi chung là “tập gym” và đây đã trở thành xu hướng thời thượng. Sự lên ngôi của phong trào “tập gym” trong xã hội hiện đại không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế thì nhu cầu hưởng thụ của con người, nhất là phụ nữ cũng được nâng cao, và “tập gym” chính là một cách để tận hưởng những giá trị tốt đẹp mà cuộc sống mang lại.
Về mặt y học,các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng, phụ nữ nhận được nhiều lợi ích về mặt sức khỏe nếu họ tham gia các hoạt động thể thao. Chẳng hạn như họ có thể ngăn ngừa được những căn bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hơn 60% số người chết trên thế giới, 66% ở các nước đang phát triển. Đó là chưa kể việc tập luyện thể thao sẽ giúp phụ nữ ngăn ngừa hoặc điều trị những căn bệnh kinh niên hoặc thoái hóa do tuổi tác như tiểu đường type-2, chứng tăng huyết áp, tim mạch, xương khớp và đột quỵ.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng đông đảo của các cổ động viên nữ ở những khán đài sân vận động hoặc nhà thi đấu thể thao cho thấy nhu cầu hưởng thụ thể thao không còn là đặc quyền của phái mạnh. Sau cùng thì không ai có thể đảm bảo thể thao sẽ giúp phụ nữ sống lâu hơn nhưng một điều chắc chắn là thể thao không làm cho họ yếu đi hay mất niềm tin vào cuộc sống.