TP.Hồ Chí Minh: Liên kết thực hiện chuỗi an toàn thực phẩm
(HQ Online)- Với 80% lượng lương thực thực phẩm được cung ứng từ các tỉnh trong khu vực và lân cận, TP.HCM luôn đứng trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc liên kết, phối hợp với các tỉnh lân cận tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm nhằm kiểm soát chặt đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là giải pháp được TP.HCM chú trọng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - Sở Y tế TP.HCM.
Hiện nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại trước thực trạng các thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc…, gây hại đến sức khỏe đang được lưu hành tràn lan trên thị trường. Xin ông cho biết TP.HCM có giải pháp gì nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Qua chương trình lấy mẫu kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM đã thực hiện kiểm tra được 241 lượt/212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn. Kết quả, trong 166 mẫu, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, acid Oxalic (chất tẩy trắng) là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và Natri sulfite là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vượt mức cho phép.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt là công tác phối hợp kiểm tra liên ngành thường xuyên được duy trì không xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc đến tay người tiêu dùng. Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng bệnh. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi phải qua rất nhiều khâu.
Những khó khăn đó là gì thưa ông?
Theo thống kê của Chi cục Thú y TP.HCM cho thấy gần như ngày nào những chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ vào Thành phố cũng phát hiện và xử lí nhiều vụ vận chuyển sản phẩm gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vào nội thành để tiêu thụ. Trong khi đó, hiện 80% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ ở TP.HCM được nhập từ các tỉnh trong khu vực và lân cận. Do đó, nguy cơ những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn là rất cao.
Mặt khác, việc phân công quản lí an toàn thực phẩm giữa 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương chưa rõ ràng, cụ thể nên công tác quản lí còn khó khăn. Vì vậy, để kiểm soát tốt nguồn thực phẩm trên chỉ có cách quản lí theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản. Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ kí kết hợp tác trong quản lí với các tỉnh lân cận có số lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp về thành phố.
Mục tiêu của việc kí kết chuỗi an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận là gì, thưa ông?
Việc kí kết chuỗi an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre… nhằm giúp sản phẩm nông sản cung cấp cho Thành phố có địa chỉ và an toàn, đảm bảo được quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo đó, TP.HCM và các tỉnh sẽ giúp nhau kiểm tra, kiểm soát việc nuôi trồng, diễn biến của các cơ sở tham gia chuỗi, đồng thời có thể huy động sự kiểm tra của các tổ chức, tập thể và cơ quan quản lí chuỗi nắm bắt được sản phẩm tham gia chuỗi ở các địa bàn không thuộc TP.HCM quản lí.
Xin cảm ơn ông!
Thu Dịu (thực hiện)