Trưng bày quy mô lớn về thời kì Cải cách ruộng đất
(HQ Online)- Trưng bày chuyên đề "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đã chính thức khai mạc sáng 8-9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.
Trong cuộc trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương. Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề qui mô lớn.
Trưng bày chuyên đề: “Cải cách ruộng đất 1946-1957” gồm 2 phần. Phần đầu tập trung thể hiện tình hình "Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất". Phần này, Bảo tàng trưng bày một số hình ảnh, số liệu, bảng thống kê... để làm rõ sự tồn tại của 4 chế độ sở hữu chính về ruộng đất ở nước ta. Đó là ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến; tư bản thực dân Pháp; ruộng đất công và ruộng đất của nông dân.
Dựa vào sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới nhiều hình thức như: địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Bên cạnh đó, địa chủ và thực dân Pháp còn bóc lột nông dân bằng sưu cao thuế nặng: thuế đinh, thuế điền, thuế ngoại phu. Chính quyền thực dân dùng thuế quan nhằm bảo hộ công thương nghiệp chính quốc, kìm hãm sự phát triển kinh tế thuộc địa, triệt tiêu các nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống nông dân Việt Nam ngày càng khốn quẫn.
Tiếp đó là phần trưng bày các hình ảnh tư liệu và các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của địa chủ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó có các tài liệt, tư liệu gốc như: sổ ruộng đất, sổ thu tô... của địa chủ; đối lập với cuộc sống xa hoa của địa chủ là cuộc sống cực khổ, đói rách đến cùng cực của nông dân được thể hiện qua một số hiện vật, đồ dùng như: áo bông, áo đụp, cày chìa vôi, thẻ thuế thân...
Đối với thực dân Pháp, để khai thác ruộng đất thuộc sở hữu, về cơ bản tư bản Pháp vẫn lợi dụng phương thức bóc lột phong kiến. Điểm khác ở đây là bộ máy chính quyền thực dân trực tiếp bảo vệ quyền lợi của các chủ đồn điền. Chủ đồn điền mộ phu phần lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Người nông dân bị dồn vào thế cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng, địa tô, nợ lãi…cuối cùng phải rời bỏ quê quán vào làm thuê cho các chủ đồn điền.
Tại đây, tư bản thực dân bóc lột lao động làm thuê một cách tàn bạo, thân phận người lao động trở thành thân phận người nô lệ. Những hình thức sở hữu ruộng đất, bóc lột đó đã làm tuyệt đại đa số nông dân Việt Nam sống trong cảnh bần cùng, đói rách.
Trong phần chính nói về "Cải cách ruộng đất 1946-1957", các hiện vật, tài liệu trưng bày được chia làm 4 nội dung cụ thể. Trong đó, có một phần nêu rõ các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất thông qua trưng bày nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất...
Phần nói về cải cách ruộng đất từ năm 1953-1956 giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách. Trong thời gian này đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và 5 đợt cải cách ruộng đất ở toàn bộ vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi.
Kết quả của các chiến dịch này là: Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta, bằng 44,6% ruộng đất trong vùng, chia cho gần 4 triệu nông dân. Cuộc vận động cải cách ruộng đất đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc; hoàn thành xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến ở miền Bắc; nâng cao quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn.
Phần "Sai lầm và sửa chữa sai lầm" giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương. Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Ngày 18-8-1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thông và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã thảo luận kỹ và có kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất.
Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm. Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, kịp thời có những chủ trương đúng đắn đưa nông thôn miền Bắc tiến lên.
Do chủ trương đúng đắn của Đảng và được toàn dân ủng hộ nên sau gần 1 năm, tới cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đạt kết quả tốt, nông thôn miền Bắc đã dần dần ổn định, nội bộ Đảng đoàn kết nhất trí, lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, khối liên minh công nông được củng cố, chính quyền nhân dân được ổn định, sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Sau 1 năm sửa sai, năm 1957 công cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành thắng lợi.
Trong nội dung "Hoàn thành thắng lợi" được làm rõ qua các ảnh tư liệu về thành quả, kết quả mà người nông dân Việt Nam đã có sau cải cách ruộng đất; một số đồ dùng sinh hoạt của nông dân; nhóm huy hiệu, cờ thưởng, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất người nông dân được cấp sau cải cách...Sau cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ruộng đất đã thuộc về tay nông dân.
Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được hoàn thành ở một nửa đất nước, nhiệm vụ dân chủ “người cày có ruộng” đã hoàn thành ở miền Bắc, từ đó tạo điều kiện để xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc để tiến hành hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Trưng bày chuyên đề: “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ diễn ra đến hết năm 2014./.