Gây nuôi thương mại động vật quý hiếm sẽ tăng nguy cơ tuyệt chủng
(HQ Online)- Ngày 27-7, Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức họp báo đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp quý hiếm.
Theo ENV tình trạng buôn bán trái phép và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như: Hổ, voi, cá sấu, tê tê và loài linh trưởng quý hiếm cũng đang trên bờ vực tuyệt chủng. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vì cho rằng gây nuôi thương mại là một giải pháp phát triển kinh tế và có giá trị bảo tồn.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học… cho rằng cần phải nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết: “Gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm sẽ gia tăng nhanh chóng nguy cơ tuyệt chủng của những loài này. Việc đem tương lai của nhiều loài ĐVHD nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm”.
Ngoài ra, theo bà Hà nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể nếu các sản phẩm hiện đang bị cấm được phép lưu hành trên thị trường. Khi có các sản phẩm ĐVHD sẵn trên thị trường, nhiều người chưa từng có nhu cầu sử dụng có thể sẽ sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng lên là sự gia tăng tình trạng săn bắn ĐVHD trái phép ngoài tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện một số loài ĐVHD đã được gây nuôi thành công nhưng vẫn tiếp tục bị săn bắn ngoài tự nhiên vì chi phí đầu tư để khai thác ngoài tự nhiên rẻ hơn nhiều so với đầu tư gây nuôi. Trong một số trường hợp, ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên được ưa chuộng hơn ĐVHD được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt.
Tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật khẳng định: Việc gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có thể mang lại lợi nhuận cho một số người song nó lại đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của nước ta.
Hiện có một số cơ sở được cấp phép nuôi ĐVHD lại lợi dụng việc này để nhập lậu các loài ĐVHD quý hiếm vào trang trại của mình. Về vấn đề này, ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng trị cũng cho biết: Các cán bộ Kiểm lâm thường không có cở sở pháp lý để phân biệt giữa loài nuôi có nguồn gốc hoang dã. Vì vậy, kiểm soát trang trại đnag nuôi gặp nhiều khó khăn và đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để nhập luậ ĐVHD vào các trang trại.
Ông Khổng Trung đưa ra ví dụ: Khi tiến hành kiểm tra nuôi rắn, các cán bộ Kiểm lâm hoàn toàn cố thể nhận diện được các thể được nuôi nhốt lâu ngày và các thể được săn bắt ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, các cán bộ Kiểm lâm hoàn toàn không có căn cứ pháp lý để đối chất với chủ cơ sở về nguồn gốc của cá thể ĐVHD có dấu hiệu săn bắn từ tự nhiên.