Phó tổng biên tập VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật: Công nghệ đã dẫn dắt báo chí
(HQ Online)- Môi trường truyền thông số đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực đời sống xã hội, điều này buộc báo chí phải nhanh chóng thay đổi theo hướng kết nối xã hội để lấy lại vị thế chủ đạo, thu hút công chúng, khách hàng, tăng hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền. Báo Hải quan đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật (ảnh), Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus- một trong những tờ báo đã tận dụng được tối đa những mặt mạnh trong sự dịch chuyển của hoạt động báo chí…
Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi trong hoạt động báo chí Việt Nam những năm gần đây và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình báo chí, cũng như sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội?
Thực tế không chỉ làng báo Việt Nam, báo chí thế giới nói chung cũng đang phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm mạnh mẽ. Trong khi báo in khó có cơ hội “ngóc đầu trở lại” thì doanh thu quảng cáo của báo điện tử cũng không bù đắp được phần chi phí sản xuất của các tòa soạn, chứ chưa nói đến việc đạt mức thu như báo in trước đây.
Sự xâm lăng mạnh mẽ của các nền tảng (plaform) khác, đặc biệt là mạng xã hội được coi là nguyên nhân chính khiến báo chí lâm vào tình cảnh khó khăn. Số liệu mà tôi vừa cập nhật khi đi dự hội thảo Publish Asia 2018 do Hiệp hội Báo chí Xuất bản thế giới WAN-IFRA tổ chức ở Bali (Indonesia) hồi tháng 4 cho thấy, tại Mỹ thì có tới 63% doanh thu quảng cáo trực tuyến rơi vào túi hai người khổng lồ Google và Facebook. Con số này ở các thị trường khác, dù chưa có con số chính xác, nhưng cũng tương đương, hoặc có thể còn “ghê gớm” hơn.
Những yếu tố đó cho thấy báo chí thế giới đang bước vào một cuộc thanh lọc lớn, mà rất có thể nhiều tên tuổi lớn có thể phải đóng cửa, hoặc thu nhỏ quy mô. Vấn đề có thể không phải do họ chậm chuyển đổi, mà còn bởi trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay thì chính công nghệ đã dẫn dắt báo chí.
Nếu vậy, liệu báo chí sẽ đi về đâu, khi mà ở Việt Nam nhiều tờ báo phải tự hạch toán độc lập, không còn bấu víu được vào “bầu sữa” ngân sách?
Như tôi đã nói ở trên, công nghệ giờ đang dẫn dắt báo chí, đồng thời câu nói “Content Is The King” (nội dung là vua) trong một số trường hợp cũng không còn là chân lý. Tuy nhiên, trong khó khăn thì bao giờ cũng có cơ hội, dành cho những tờ báo thức thời, hay đón đầu được xu thế phát triển của công nghệ.
Tại hội thảo Publish Asia vừa rồi, nhiều cơ quan báo chí ở Đông Nam Á đã cho thấy những bước đi nhanh nhạy của mình, khi mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác trong ngành truyền thông và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Chẳng hạn, theo tiết lộ của Tổng biên tập tờ Strait Times của Singapore thì doanh thu từ tổ chức sự kiện của họ giờ đang là nguồn thu lớn nhất của tập đoàn truyền thông này. Và giờ, họ còn lấn sân sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi mà quốc đảo sư tử đang được coi là trung tâm y tế hàng đầu thế giới. Thế nên, cũng không phải tự dưng mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vừa qua lại được tổ chức ở Singapore chứ không phải nơi nào khác.
Theo quan sát của tôi thì nhiều tờ báo ở Việt Nam hiện nay cũng khá thành công với hoạt động tổ chức sự kiện, hội thảo, đặc biệt những tờ báo chuyên về kinh tế. Thị trường ngách luôn là hướng đi đúng đắn, thay vì dàn trải trên nhiều mặt trận.
Do đó, việc cơ quan quản lý đang tiến hành sắp xếp lại một số tờ báo, theo tôi cũng là một cách điều chỉnh hợp lý, nhằm quy hoạch lại thị trường báo chí vốn có phần phát triển khá lộn xộn trong thời gian qua.
Theo ông, liệu có phải dù công nghệ có phát triển đến mấy thì đối với báo chí vẫn phải quay trở lại với giá trị cốt lõi là thông tin và độc giả, thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, hấp dẫn mới là quan trọng nhất?
Không chỉ ở Việt Nam, mà trên bình diện thế giới, nhiều quốc gia phát triển cũng đang nhìn nhận lại, đồng thời có những bước đi nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội.
Chúng ta đều biết, tin tức giả (fake news) hiện nay là vấn nạn chung trên toàn cầu, và nền tảng mạng xã hội chính là một trong những tác nhân chủ yếu lan truyền những khối rác thông tin như vậy.
Mà không chỉ cơ quan quản lý, chính độc giả cũng đã quá mệt mỏi với những thông tin thiếu kiểm chứng lan tràn như thế. Và đấy là lúc để báo chí quay trở lại phát huy vai trò của mình, bắt đầu từ thẩm định thông tin đến dẫn dắt dư luận. Đương nhiên, trung thực, khách quan vẫn là những giá trị không thể tách rời của báo chí.
Một số tờ báo có sự thay đổi rõ nét về hình thức, nội dung, cách thức thể hiện, trong đó có VietnamPlus, chẳng hạn như xu hướng thực hiện các bài viết theo dạng long-form như báo in trước đây. Đấy có phải là bước đi mà VietnamPlus lựa chọn để thích nghi với tình hình mới?
Đúng như vậy, lựa chọn này không chỉ xuất phát từ nhu cầu của độc giả, muốn đọc những bài viết chuyên sâu, những thông tin được thẩm định kỹ càng, mà còn từ nhu cầu của chính các phóng viên, biên tập viên.
Nói chính xác thì chúng tôi muốn được làm báo một cách “tử tế”, hướng độc giả đến những giá trị cốt lõi của báo chí. Chẳng phải nhiều người đã quá mệt mỏi với những cách làm báo giật gân, câu khách quá đà, hay những tin tức trôi nổi thiếu kiểm chứng? Vậy thì chúng tôi càng cần phải đáp ứng nhu cầu chính đáng đó.
Dĩ nhiên, trong thời đại công nghệ dẫn dắt nội dung như bây giờ thì chúng tôi cũng phải đầu tư mạnh mẽ để mang tới cho người đọc những trải nghiệm hoàn toàn mới. Chẳng hạn như sản phẩm Ký sự đường sắt Bắc Nam mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt nửa năm trời, là một sự kết hợp cầu kỳ giữa nội dung và hình thức thể hiện. Đấy không chỉ là những phóng sự, hình ảnh, video có chất lượng, mà còn bắt kịp được xu hướng của báo chí hiện đại như data journalism (báo chí dữ liệu), visual journalism (báo chí thị giác)… Và chúng tôi muốn thực hiện nhiều sản phẩm như thế nữa.
VietnamPlus cũng đang tiên phong trong lĩnh vực thu phí, khi trở thành tờ báo điện tử đầu tiên thu tiền từ độc giả. Liệu đấy có phải là một sự liều lĩnh khi mà người ta đã quá quen với những thông tin miễn phí trên hàng trăm trang mạng khác?
Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng với tư cách là báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi vẫn sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, 99% thông tin trên VietnamPlus vẫn là miễn phí. Hoạt động thu phí chỉ được tiến hành với những bài viết phân tích chuyên sâu, bài viết chất lượng cao, độc quyền, hướng đến một số đối tượng độc giả nhất định.
Thực ra thì thu phí hiện đang là xu hướng phổ biến của nhiều tờ báo lớn, uy tín trên thế giới. Chúng tôi không so sánh mình với họ, mà trước tiên muốn thay đổi nhận thức của độc giả. Đồng thời, đấy cũng là một cách để chúng tôi khuyến khích các phóng viên, biên tập viên nâng cao chất lượng thông tin, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, khẳng định những giá trị cốt lõi của thông tin. Bởi dù thế nào thì “Content still is the king” (nội dung vẫn là vua).
Xin cảm ơn ông!