Chủ động kiểm tra, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên tuyến biên giới
Hôm nay (5/11), Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Hà Công Tuấn dẫn đầu đã đến kiểm tra thực tế việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai.
Đoàn công tác đã tiến hành thị sát trên tuyến biên giới thuộc xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Sau khi thị sát, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai.
Tỉnh Lào Cai hiện có gần 200 km đường biên giới giáp Trung Quốc, với ba cửa khẩu và nhiều lối mở, lối mòn biên giới trên đất liền, lại ở cách vùng dịch tả lợn châu Phi mới bùng phát tại thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chỉ hơn 700Km. Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào nội địa rất cao.
Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại tỉnh bên kia biên giới là Vân Nam, Lào Cai đã chủ động đẩy mạnh công tác phòng dịch, đặc biệt trên tuyến biên giới. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra người và hàng hóa nhập cảnh qua các cửa khẩu; tăng cường phòng chống việc nhập lập qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua lối mòn, lối mở, thiết lập các điểm chốt chặn 24/24.
Từ cuối tháng 7/2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy tổng cộng gần 30 con lợn hơi nhập lậu với trọng lượng trên 2 tấn; thu giữ, tiêu hủy hơn 4 tấn thịt và nội tạng không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nghi mắc bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trong đó có lợn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hà Công Tuấn ghi nhận sự chủ động và nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Theo Thứ trưởng, do chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu dịch tả lợn châu Phi nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học...
Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Trường hợp bắt giữ lợn và sản phẩm thịt lợn nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc kiên quyết tiêu hủy hoàn toàn. Ngoài ra, địa phương cũng cần tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về nội dung, công tác phòng, chống dịch bệnh./.