Phát triển KH-CN: Quản lý nhà nước chưa theo kịp doanh nghiệp
(HQ Online)- Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN khoa học và công nghệ (KH&CN), DN đang tiên phong trong phát triển và ứng dụng KH&CN nhưng quản lý nhà nước lại không theo kịp với sự phát triển đó.
Tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) năm 2015 do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức tại TP.HCM ngày 25-11, các đại biểu cho biết, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng một số DN KHCN đã nỗ lực phát triển và đưa sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Nhà nước không theo kịp DN
Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN cho biết, tính đến tháng 11-2015, cả nước có 204 DN được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN. Trong số này có 5 DN đã giải thể hoặc ngừng sản xuất (chiếm 2,4%), 3 DN đã thu hồi giấy chứng nhận do không còn hoạt động thuộc lĩnh vực đăng ký DN KH&CN.
Ông Đích đánh giá, việc phát triển DN KH&CN hiện gặp nhiều khó khăn, do pháp luật quy định một số ngành nghề kinh doanh phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá và cấp phép mới được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm KH&CN luôn đổi mới, sáng tạo, nhiều sản phẩm mới chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Cơ quan quản lý Nhà nước gặp lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành, DN khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường mặc dù có nhiều đối tác có nhu cầu sẵn sàng hợp tác để thương mại hóa.
Việc thiếu các quy định về đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến các kết quả KH&CN mới chậm trễ trong việc đưa ra thị trường, đến khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh tranh của sản phẩm cũng giảm. Điều này dẫn đến tình trạng DN sẽ không được kinh doanh sản phẩm mới hoặc phải vi phạm pháp luật để kinh doanh những sản phẩm mới trước khi được luật pháp cho phép kinh doanh.
Điển hình như trường hợp của Công ty CP công nghệ Việt Séc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tàu thuyền và phương tiện nổi. Với kết quả KH&CN là sản xuất cano, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC, công ty được cấp chứng nhận DN KH&CN và được trao tặng nhiều giải thưởng về KH&CN. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty lại không có khả năng triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm, nguyên nhân là do chưa có quy phạm điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC.
“Điều này cho thấy bất cập đang tồn tại là DN đi tiên phong trong phát triển và ứng dụng KH&CN nhưng quản lý nhà nước thì lại không theo kịp với sự phát triển của DN” - ông Đích nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện các sở KH&CN và các DN cũng cho biết, việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm mới gặp khó khăn do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Tâm lý dùng hàng ngoại không chỉ phổ biến trong dân cư mà cả ngay tại các cơ quan nhà nước. Các sản phẩm KH&CN được tạo ra trong nước dù chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn cũng khó cạnh tranh với các thương hiệu của DN nước ngoài. Các sản phẩm KH&CN trong nước cũng không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của nước ngoài.
Nỗ lực vượt khó
Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các DN KH&CN vẫn nỗ lực phát triển sản phẩm mới, phát triển thị trường. Cụ thể, các DN tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Kết quả, một số DN KH&CN đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Công ty CP Robot Tosy đã xuất khẩu đi 60 nước, Công ty Môi trường Xanh và Xanh đã xuất khẩu hệ thống xử lý nước thải sang Mỹ, Công ty TNHH Thủy lực máy MHC xuất khẩu hệ thống xử lý rác sang Ấn Độ và mở chi nhánh tại Hoa Kỳ, Công ty CP Thanh Hà xuất khẩu phân bón sang Myanmar…
Theo Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN, khi được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, được Nhà nước hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, DN KH&CN đã sử dụng nguồn vốn được ưu đãi để tăng cường kinh phí đầu tư cho các hoạt động KH&CN, không ngừng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường. Chẳng hạn, Công ty giống cây trồng Trung ương đã sử dụng khoản tiền thuế thu nhập được miễn giảm hàng năm (năm 2014 được miễn giảm 10,7 tỷ đồng tiền thuế) để quay lại tái đầu tư cho hoạt động KH&CN thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc DN, đầu tư và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh ra nhiều tỉnh khác ngoài Hà Nội.
Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ, Sở KH&CN Hà Nội cũng đánh giá, nhiều DN đã ý thức được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra. Tiêu biểu như Công ty CP Robot Tosy đã đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới. Công ty Thiết bị y tế Bắc Việt sở hữu hơn 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng kiểu dáng công nghiệp; Công ty CP giống cây trồng Trung ương sở hữu 5 bằng bảo hộ giống lúa…
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển DN KH&CN, đại diện Sở KH&CN Đà Nẵng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phát triển DN KHC&N ở cấp Trung ương và địa phương để hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN KH&CN. Đồng thời, các ý kiến tham gia hội nghị cũng cho rằng cần tăng cường đào tạo các cán bộ phụ trách công tác phát triển DN KH&CN ở cả Trung ương và địa phương.