Điện lực TKV “bỗng dưng” từ lãi chuyển sang lỗ gần nghìn tỷ
Kết quả kinh doanh sau soát xét Điện lực TKV đã chuyển từ lãi xuống lỗ gần nghìn tỷ...
Tổng công ty Điện lực TKV (Điện lực TKV) được thành lập năm 2009, 100% vốn nhà nước, là công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Vốn điều lệ của Điện lực TKV là 6.800 tỷ đồng.
Liên tục thua lỗ
Theo báo cáo hợp nhất kinh doanh, công ty đang rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ lớn. Năm 2015, Điện lực TKV đạt doanh thu 11.473 tỷ đồng, tăng 7,35% so với năm trước. Dù doanh thu tài chính tăng mạnh 422% lên 204 tỷ đồng song công ty vẫn lỗ sau thuế lên tới 512 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho hay: "Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa thống nhất được các điều chỉnh về giá bán điện liên quan đến điều chỉnh thành phần chi phí trong giá biến đổi theo như đề nghị của Bộ Công Thương. Nếu giá điện được điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, ước tính doanh thu bán điện của công ty mẹ cho giai đoạn 1/8/2014 - 31/12/2015 sẽ bị giảm trừ đi khoảng 715 tỷ đồng và lỗ trước thuế của năm 2015 sẽ giảm đi tương ứng”.
Liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản tại Điện lực TKV luôn thấp hơn vốn đầu tư ban đầu là 6.800 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014 vốn giảm còn 5.177 tỷ đồng, năm 2015 là 5.767 tỷ đồng.
Kiểm toán xác định thời điểm cổ phần hoá, vốn chủ sở hữu bị điều chỉnh là do kết quả kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn định giá giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển thành công ty cổ phần.
Tính đến thời điểm chuyển sang mô hình cổ phần vào ngày 15-1-2016, Điện lực TKV được hạch toán các khoản đầu tư tài chính dài hạn theo giá sổ sách trong trường hợp giá trị thực tế thấp hơn so với giá trị sổ sách. Tuy vậy, tại thời điểm chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp cổ phần, lỗ luỹ kế công ty vẫn lên tới 1.016 tỷ đồng.
Năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.957 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 135 tỷ. Sau khi chuyển sang mô hình cổ phần hoá, 6 tháng năm 2016, tổng công ty công bố đạt doanh thu 3.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 98 tỷ đồng.
Sau thời gian dài chìm trong thua lỗ, kết quả lãi trên được cho là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Tuy nhiên, tổng công ty ngay sau đó đã có báo cáo giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi soát xét tài chính. Kết quả sau soát xét, công ty mẹ Điện lực TKV lỗ tới 953 tỷ đồng trong quý 2-2016, báo cáo hợp nhất lỗ 295 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Điện lực TKV lỗ tới 767 tỷ đồng, còn hợp nhất lỗ 126 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh sau soát xét Điện lực TKV đã chuyển từ lãi xuống lỗ gần nghìn tỷ.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu do sau khi chuyển sang mô hình cổ phần, tổng công ty phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại các công ty con, công ty nhận vốn góp theo quy định hiện hành, trong đó, trích lập dự phòng 896 tỷ đồng tại Nhiệt điện Cẩm Phả, 196 tỷ đồng vào Nhiệt điện Quảng Ninh.
"Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2-2016 phải hạch toán trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư tài chính dài hạn. Tổng công ty hạch toán nhầm chi phí trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty con là 859 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của kỳ trước nên báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ đã lãi 98 tỷ đồng”, báo cáo nêu.
Tổng kết 9 tháng năm nay, Điện lực TKV đã công bố lãi gần 220 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến 30-9-2016 giảm xuống 776 tỷ đồng.
Lỗ ngàn tỷ, đưa cổ phiếu lên sàn
Điện lực TKV chủ yếu đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thuỷ điện, các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và lưới điện. Lĩnh vực chính là sản xuất điện và khai thác, kinh doanh than.
Tại thời điểm thành lập, công ty có 2 nhà máy đang hoạt động là Na Dương và Cao Ngạn và 5 dự án đang xây dựng. Hiện nay, tổng công ty đã vận hành 5 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 1.550 MW là Cao Ngạn, Na Dương, Sơn Động, Nông Sơn, Cẩm Phả 1 và 2, Đông Triều.
Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hoá bán cổ phần lần đầu ra công chúng song chỉ bán được chưa đầy 1,2 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau cổ phần hoá, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam vẫn nắm giữ 99,67% vốn điều lệ của tổng công ty.
Đầu tháng 12 vừa qua, 680 triệu cổ phiếu DKT của Tổng Công ty Điện lực TKV đã chính thức giao dịch trên sàn UpCoM với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện nay, DTK đang là nhà cung cấp điện thứ 3 sau nhóm Tập đoàn Điện lực và Petro Vietnam, có thuận lợi lớn nhất là nằm ở khu vực gần mỏ than, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu than đồng thời tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Công ty đánh giá ngành điện có triển vọng khả quan với nhu cầu tăng mạnh và kỳ vọng tiêu thụ tiếp tục phát triển. Theo quy hoạch Điện VII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc đến năm 2020 là 290 tỷ kWh, năm 2030 là 615 tỷ kWh.
Đặc biệt, Điện lực TKV dự báo giá bán điện có thể tăng từ 10 -15%/năm, đạt 9 cents/kWh bào năm 2020 đồng thời khung pháp lý cũng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.